Sự hòa nhập của trẻ khuyết tật tại trung tâm

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 68)

3.2.1. Hòa nhập trong môi trường sinh hoạt

Theo lý thuyết hệ thống sinh thái, một tiểu hệ thống thường chịu sự ảnh hưởng của các hệ thống lớn hơn, tương tự như vậy, TKT chịu sự ảnh hưởng

trực tiếp của hệ thống lớn là môi trường trong trung tâm, bên ngoài trung tâm là cộng đồng và các dịch vụ xã hội, tôn giáo, văn hóa…

Hình 1: Sơ đồ hệ thống

Chú thích:

Tác động mật thiết, tương tác qua lại thường xuyên Không thường xuyên

Nhìn vào sơ đồ, ta có thể nhận thấy những yếu tố ảnh hưởng đến TKT nói chung như gia đình, bạn bè, thầy cô.... Trong tiểu hệ thống, TKT có mối liên hệ gắn kết, mật thiết, thường xuyên hơn với gia đình, bạn bè và người nuôi dưỡng, thầy cô giáo – Những người thường xuyên và trực tiếp giao tiếp

TKT Thầy cô Bạn bè GĐ Dịch vụ xã hội Chính sách, luật pháp Trung tâm Tổ chức xã hội Văn hóa, tâm linh Cộng đồng Người nuôi dưỡng

qua lại với trẻ. Trung tâm cũng thường xuyên có sự tác động trực tiếp qua lại với trẻ nhưng ở một mức độ bao quát hơn.

Hiện tại, các dịch vụ xã hội, chính sách, luật pháp dành cho TKT và các tổ chức nhận người khuyết tật vào làm việc đã nhiều hơn. Nhờ sự tuyên truyền rộng rãi và các hoạt động hòa nhập cho TKT được chú trọng nên sự kì thị hay định kiến đối với TKT đã giảm bớt, nhất là ở các vùng thành thị. Tuy nhiên, định kiến và sự kì thị đối với TKT vẫn còn nặng nề ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những vùng miền còn chịu nhiều ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa tâm linh như việc xem những gia đình có người khuyết tật là do sự trừng phạt của thần linh, là nhân quả hay bị ma quỷ ám vào.

“Lúc đẻ nó ra đã cảm thấy nó không được bình thường, sau biết nó bị cả câm, cả điếc, gia đình nhà tui buồn giữ lắm, không hiểu gia đình đã làm làm gì nên tội mà thần linh lại trừng phạt nhà tui như vậy. Bà con láng giềng cũng nói ra, nói vào cho là nhà tôi lúc xưa ăn thất đức nên bị trời phạt, nhà tui xấu hổ lắm” (PVS GĐ, nam, 38 tuổi, làm nương, rẫy)

Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết và niềm tin tâm linh, nhiều gia đình có trẻ khuyết tật cũng đã đến cầu cạnh và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các thầy đồng, thầy mo – người thường xuyên cúng bái, trừ tà ở các làng bản, vùng sâu, vùng xa, tìm hiểu nguyên nhân khiến con mình bị như vậy và nhờ thầy tìm cách hóa giải.

“Gia đình có đến nhờ Thầy ở trong làng xem cho nó, Thầy bảo nó bị vậy là do có con ma ở nhà nó phá, con ma ấy nó mạnh lắm, không cúng lễ, ấn nó lại thì nó còn phá nhà mình nữa” (PVS GĐ, nam, 38 tuổi, làm nương, rẫy).

Không chỉ gia đình mà bản thân TKT cũng có những suy nghĩ kì thị bản thân, cho rằng vì mình mà gia đình bị hàng xóm, láng giềng chê cười, làm khổ gia đình, bản thân mình bị vậy là “cái tội” mà mình phải gánh.

“Em xấu hổ lắm, thân hình mình dị dạng, khác với người ta, làm gì cũng vất vả hơn, em không dám ra ngoài, cứ ra ngoài là người ta lại chỉ trỏ, bàn tán, nói về em, về gia đình, em lại thấy có lỗi với gia đình, ước gì em không sinh ra trên đời để bố mẹ đỡ khổ” (PVS TKT vận động, nữ, 15 tuổi, lớp học văn hóa)

“Người ta bảo do kiếp trước ăn ở thất đức nên kiếp này phải trả, nên em nghĩ em bị vậy là cái tội mà bản thân phải chịu”(PVS TKT vận động, nam, 14 tuổi, lớp văn hóa)

Chính những suy nghĩ mang định kiến, lạc hậu, thiếu hiểu biết như vậy đã đẩy gia đình và TKT vào con đường mặc cảm với cộng đồng. Hơn nữa, ở những vùng còn lạc hậu, nghèo nàn, cơ hội để TKT được tiếp cận với các dịch vụ xã hội còn khó khăn, chính sách hỗ trợ và việc thực thi chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn khiến cho cách nhìn nhận về khuyết tật chưa đúng đắn và TKT được tiếp cận với các cơ hội học tập và làm việc là chưa cao.

Nhìn chung, nước ta đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực giúp đỡ TKT hòa nhập cộng đồng với việc quan tâm tới những hệ thống có thể trợ giúp TKT có thể hòa nhập được tốt hơn. Việc nắm bắt, tìm hiểu các hệ thống trợ giúp là một vấn đề cơ bản và mang tính bền vững trong hoạt động hỗ trợ TKT hòa nhập cộng đồng.

TKT trong trung tâm Dạy nghề người tàn tật Nghệ An hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn và ở các vùng sâu, vùng xa được vào học theo chế độ chính sách của Nhà nước. Trước hết, sự hòa nhập, thích ứng với môi trường mới của TKT được thể hiện thông qua sự tham gia của trẻ vào các hoạt động tại trung tâm và các hoạt động ngoài trung tâm.

Hầu hết các em khi vừa chuyển vào trung tâm đều có sự bỡ ngỡ và chưa kịp thích ứng với môi trường sinh hoạt mới.

“Em mới chuyển đến trung tâm gần năm nay, do quy củ trong trung tâm khá nhiều, khác với ở nhà nên em vẫn chưa thích ứng kịp” (PVS TKT vận động, nam, 14 tuổi, lớp văn hóa)

Bên cạnh đó, những em trưởng thành hơn thì khả năng thích ứng với nơi ở mới nhanh hơn các em nhỏ tuổi hơn.

“Em cũng vào trung tâm được gần 2 năm rồi, ban đầu thì sẽ có sự bỡ ngỡ, nhưng rồi cũng sẽ phải quen thôi, có ai mà lo, quan tâm đến mình mãi được, học nhanh thì sẽ sớm được rời trường nhanh” (PVS TKT khiếm thính, nữ, 16 tuổi, lớp hướng nghiệp may mặc)

Tuy nhiên, có một số em dù đã vào trung tâm một thời gian nhất định nhưng vẫn chưa thể thích ứng với môi trường trung tâm mà vẫn đang cảm thấy lạc lõng, ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như giới hạn khả năng tiếp xúc của mình.

“Có những bạn đến trung tâm cũng lâu rồi mà còn như lúc mới đến, có người còn chả thèm nói chuyện với ai, học thì cứ im lìm, không tiến bộ khiến nhiều khi cô giáo còn phải nhắc nhở ấy” (PVS TKT khiếm thính, nam, 17 tuổi, lớp tin học)

“Cũng có em vào trung tâm một thời gian rồi mà vẫn chưa thích ứng được, một số em do đã quá quen với cách sống ở nhà luôn có người làm cho hết, lại chỉ ở trong nhà, không nói chuyện với ai. Thành thử khi vào trung tâm các em cứ im lặng, hỏi thì cứ ậm ừ, chả mấy khi chia sẻ” (PVS nữ, 40 tuổi, nhân viên phụ trách sinh hoạt nội trú)

Lý giải cho vấn đề trên, các ý kiến cho rằng vì số lượng trẻ thì đông nhưng người chăm sóc thì ít, lượng công việc cũng nhiều nên sự quan tâm, chú ý về mặt tâm lý cho các em không được thường xuyên và sát sao. Điều này dẫn đến tình trạng có không ít trẻ cảm thấy lạc lõng và khó thích nghi với môi trường mới.

“Cũng phải thừa nhận là do người phụ trách ít mà số lượng trẻ thì nhiều, trong khi đó còn rất nhiều thứ phải lo nên không thể nào quan tâm hết tất cả các con được, chủ yếu là lo cho các con không thiếu ăn, thiếu mặc là đã đảm bảo lắm rồi, còn về tinh thần thì mỗi thầy cô và người phụ trách cùng chia sẻ với nhau giúp đỡ các con” (PVS nữ, 40 tuổi, nhân viên phụ trách sinh hoạt nội trú)

Bản thân có những trẻ thì cho rằng do cách sinh hoạt quá khác so với khi ở nhà và cách suy nghĩ của các anh chị bạn bè cũng khác bản thân nên khó có thể nói chuyện hòa hợp được, nhất là những em còn ít tuổi.

“Em chuyển vào trung tâm cũng được gần hai năm, vẫn chưa thích nghi được hoàn toàn, cách sinh hoạt ở đây khác với ở nhà khiến em cảm thấy khá khó khăn, hơn nữa em cũng ngại nói chuyện, cách suy nghĩ của anh chị khác của em” (PVS TKT vận động, nữ, 13 tuổi, lớp văn hóa)

Trong mối quan hệ với bạn bè, nhìn chung các em có những quan hệ gắn kết theo nhóm, những em ở trung tâm theo diện nội trú thì có sự thân thiết, gắn bó nhiều hơn so với những trẻ học ngoại trú.

“Bình thường thì những người học nội trú trong trường thì sẽ thân thiết hơn vì tụi em cùng ăn, ở sinh hoạt trong trung tâm, có gì thì có thể giúp đỡ được nhau nhiều hơn” (PVS TKT vận động, nữ, 16 tuổi, lớp hướng nghiệp may mặc )

“Tụi em cũng thân với các bạn khác đó chứ, nhưng ít thân với các bạn ngoại trú nhiều hơn vì thời gian gặp gỡ ít hơn” (PVS TKT vận động, nam, 16 tuổi, mộc dân dụng)

Các em cho rằng, việc có thích nghi được với môi trường mới hay không phụ thuộc rất lớn tới sự quan tâm của thầy cô, người phụ trách sinh hoạt và thái độ của các anh, chị, những người đã ở trung tâm lâu hơn.

“Theo em, cái quan trọng nhất giúp chúng em thích nghi nhanh với môi trường mới đó là sự chỉ dẫn, quan tâm của các mẹ, các cô trong trung tâm, chỉ cho chúng em biết làm gì và làm như thế nào. Nhiều khi, chúng em buộc phải làm như thế này, thế này nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể cho chúng em là làm như thế nào cả” (PVS TKT vận động, nam, 17 tuổi, lớp điện) “Lúc mới vào trung tâm, cái gì cũng lạ lẫm, nếu không có sự giúp đỡ, chỉ dẫn, quan tâm của các anh chị ở trung tâm lâu rồi thì em cũng khó mà thích nghi nhanh được, em nghĩ sự quan tâm, cởi mở là rất quan trọng” (PVS TKT khiếm thính, nữ, 14 tuổi, lớp văn hóa)

Mối quan hệ giữa người phụ trách sinh hoạt và TKT thường khá thân thiết, các em thường gọi họ bằng từ ngữ thân thiết là “mẹ”. Họ thường chăm sóc, quan tâm đến vấn đề sức khỏe và ăn ở của các em, quan tâm đến tâm lý của các em nếu các em có biểu hiện bất thường hay chưa quen với nơi ở mới thì các mẹ hoặc những người quản sinh, những anh chị khuyết tật đã ở thời gian khá lâu sẽ chú ý, hướng dẫn cho các em và khuyến khích, động viên để các em trở nên mạnh dạn hơn.

Không phải bất cứ trẻ nào cũng thân thiết, gần gũi với các mẹ mà có một số em thường thích thân thiết, gần gũi với các thầy, các cô nhiều hơn. Các em thường chia sẻ những điều thầm kín, bí mật của mình với thầy cô mà mình tin tưởng, gần gũi từ đó xin lời khuyên từ những người thầy, người cô này.

“Khi có vướng mắc gì em hay nói với cô Lan, cô rất tâm lý và luôn gần gũi với học sinh, ở cạnh cô em có cảm giác an toàn, cô có thể cho em lời khuyên khi em có vướng mắc mà không biết chia sẻ với ai” (PVS TKT vận động, nữ, 15 tuổi, lớp văn hóa)

“Có nhiều em rất thân thiết với thầy cô của mình và khi các em có vấn đề gì khó nói thì sẽ tâm sự với thầy cô giáo, từ đó vừa giải tỏa tâm lý của các

em, vừa cho các em lời khuyên cần thiết và đúng lúc” (PVS nữ, 39 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – phục hồi chức năng)

Như vậy, bên cạnh những trẻ hòa nhập trong môi trường mới được dễ dàng thì cũng có một số trẻ không dễ dàng nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới. Chính vì vậy, ngoài sự quan tâm của các mẹ, anh, chị, bạn bè thì các thầy cô cũng sẽ chú ý tới biểu hiện của các em khi ở trên lớp và sẵn sàng nghe các em tâm sự, chia sẻ về những khó khăn của mình, từ đó thầy cô sẽ động viên và tìm cách điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp, giúp các em hòa nhập được nhanh hơn.

3.2.2. Hòa nhập trong cộng đồng

Trong trung tâm hoạt động được chú trọng cho các em tham gia nhiều nhất là học văn hóa và học nghề. Với những em còn nhỏ hay chưa được học bổ túc thì các em sẽ được cho học bổ túc văn hóa sau đó chuyển sang học nghề. Ngay trong quá trình học thì sự tham gia của các em cũng có những sự khác biệt nhất định.

Khi học văn hóa – phục hồi chức năng, các em không nhất định phân lớp học theo độ tuổi, loại khuyết tật mà dựa vào trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu của các em, tuy nhiên với trẻ khiếm thị, khiếm thính thì các em có chương trình học riêng của mình.

“Tuy là cùng một lớp nhưng có khi chúng em có những bài học không giống nhau, cái đó thì tùy vào cô giáo cho chúng em học bài gì” (PVS TKT vận động, nam, 14 tuổi, học văn hóa)

“Cùng một lớp nhưng bài tập cho các em là khác nhau, cái đó tùy vào khả năng tiếp thu của các em vậy nên các thầy cô giáo luôn phải chú ý với mỗi đối tượng thì có chuyên môn giảng dạy như thế nào cho phù hợp. Ví dụ như không thể yêu cầu một em tự kỷ nhẹ học nhanh như một trẻ khuyết tật vận động được” ((PVS nữ, 39 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – phục hồi chức năng)

Chính sự đặc thù như vậy nên cách tiếp xúc và mối quan hệ bạn bè trong lớp cũng có sự khác biệt. Những trẻ học kém hơn thì cô giáo sẽ chỉ định hoặc chính trẻ khác yêu cầu được kèm bạn yếu hơn học bài sau khi đã hoàn thành bài tập của mình, từ đó nảy sinh nên mối quan hệ thân thiết hơn giữa các em.

Trong quá trình học tập, những em có tư duy tốt thì khả năng học tập cao và dễ dàng được lên lớp. Nó giúp các em cảm thấy tự tin vào khả năng của mình hơn, giúp các em có một tinh thần lạc quan và càng phấn đấu học tập nhiều hơn để có thể nhanh chóng ra trường tìm kiếm việc làm.

Những em học kém hơn khi thấy bạn khác học tốt mà khả năng tiếp thu của mình có hạn thì có tâm lý buồn rầu, chán nản, cảm thấy tự ti hơn khi tiếp xúc với người khác, các em thường có xu hướng thu mình và không muốn cởi mở nói chuyện, nhất là với những người lạ.

“Em học kém hơn các bạn khác, nhiều khi buồn lắm chị à, em cũng cố gắng lắm nhưng vẫn cảm thấy thật khó khăn, e rất buồn” (PVS TKT câm điếc, nam, 13 tuổi)

Đối với nhiều thầy, cô giáo, TKT trí tuệ là đối tượng mà thầy, cô giáo cảm thấy cần có nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nhiều nhất. Với nhiều thầy cô, chỉ cần nhận thấy một sự tiến bộ nhỏ nhoi nơi các em đã là một niềm vui lớn với thầy cô. Nhiều TKT trí tuệ thấy rằng, được đi học là một niềm vui với các em, nhờ đó mà các em có thể được học, được chơi với bạn bè.

“Đi học được gặp các bạn, vui lắm” (PVS TKT trí tuệ, 7 tuổi)

Các bậc phụ huynh cũng thấy rằng, nhờ việc cho TKT đi học mà trẻ đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong những kỹ năng sinh hoạt cơ bản, điều mà trước đó nhiều cha mẹ phải làm thay hoặc rất vất vả dạy cho con mình nhưng nhanh chóng thất bại do dạy không đúng cách cho trẻ.

“Đi học rồi, được thầy cô dạy bảo nó khác nhiều lắm, vui vẻ hơn trước kia, sinh hoạt cá nhân cũng có thể tự làm được, chúng tôi thấy mà rớt nước mắt, cảm ơn thầy cô nhiều lắm” (PVS GĐ, nữ, 33 tuổi, buôn bán nhỏ)

Được biết, trong và sau quá trình học tập tại trung tâm nhiều TKT đã có sự thay đổi đáng kể trong cách suy nghĩ hay thái độ, hành vi. Các em trở nên tự tin nhiều hơn, có thể chủ động chào hỏi người khác và cởi mở trong chuyện trò. Tuy nhiên, dù bản thân các em đã có những suy nghĩ tích cực hơn vẫn có những rào cản cản trở các em hòa nhập với môi trường ở cộng đồng như suy nghĩ định kiến của cộng đồng về TKT.

“Về nhà em cũng chào hỏi bà con làng xóm nhưng họ cứ nhìn em với

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)