Hòa nhập trong cộng đồng

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 75)

Trong trung tâm hoạt động được chú trọng cho các em tham gia nhiều nhất là học văn hóa và học nghề. Với những em còn nhỏ hay chưa được học bổ túc thì các em sẽ được cho học bổ túc văn hóa sau đó chuyển sang học nghề. Ngay trong quá trình học thì sự tham gia của các em cũng có những sự khác biệt nhất định.

Khi học văn hóa – phục hồi chức năng, các em không nhất định phân lớp học theo độ tuổi, loại khuyết tật mà dựa vào trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu của các em, tuy nhiên với trẻ khiếm thị, khiếm thính thì các em có chương trình học riêng của mình.

“Tuy là cùng một lớp nhưng có khi chúng em có những bài học không giống nhau, cái đó thì tùy vào cô giáo cho chúng em học bài gì” (PVS TKT vận động, nam, 14 tuổi, học văn hóa)

“Cùng một lớp nhưng bài tập cho các em là khác nhau, cái đó tùy vào khả năng tiếp thu của các em vậy nên các thầy cô giáo luôn phải chú ý với mỗi đối tượng thì có chuyên môn giảng dạy như thế nào cho phù hợp. Ví dụ như không thể yêu cầu một em tự kỷ nhẹ học nhanh như một trẻ khuyết tật vận động được” ((PVS nữ, 39 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – phục hồi chức năng)

Chính sự đặc thù như vậy nên cách tiếp xúc và mối quan hệ bạn bè trong lớp cũng có sự khác biệt. Những trẻ học kém hơn thì cô giáo sẽ chỉ định hoặc chính trẻ khác yêu cầu được kèm bạn yếu hơn học bài sau khi đã hoàn thành bài tập của mình, từ đó nảy sinh nên mối quan hệ thân thiết hơn giữa các em.

Trong quá trình học tập, những em có tư duy tốt thì khả năng học tập cao và dễ dàng được lên lớp. Nó giúp các em cảm thấy tự tin vào khả năng của mình hơn, giúp các em có một tinh thần lạc quan và càng phấn đấu học tập nhiều hơn để có thể nhanh chóng ra trường tìm kiếm việc làm.

Những em học kém hơn khi thấy bạn khác học tốt mà khả năng tiếp thu của mình có hạn thì có tâm lý buồn rầu, chán nản, cảm thấy tự ti hơn khi tiếp xúc với người khác, các em thường có xu hướng thu mình và không muốn cởi mở nói chuyện, nhất là với những người lạ.

“Em học kém hơn các bạn khác, nhiều khi buồn lắm chị à, em cũng cố gắng lắm nhưng vẫn cảm thấy thật khó khăn, e rất buồn” (PVS TKT câm điếc, nam, 13 tuổi)

Đối với nhiều thầy, cô giáo, TKT trí tuệ là đối tượng mà thầy, cô giáo cảm thấy cần có nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nhiều nhất. Với nhiều thầy cô, chỉ cần nhận thấy một sự tiến bộ nhỏ nhoi nơi các em đã là một niềm vui lớn với thầy cô. Nhiều TKT trí tuệ thấy rằng, được đi học là một niềm vui với các em, nhờ đó mà các em có thể được học, được chơi với bạn bè.

“Đi học được gặp các bạn, vui lắm” (PVS TKT trí tuệ, 7 tuổi)

Các bậc phụ huynh cũng thấy rằng, nhờ việc cho TKT đi học mà trẻ đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong những kỹ năng sinh hoạt cơ bản, điều mà trước đó nhiều cha mẹ phải làm thay hoặc rất vất vả dạy cho con mình nhưng nhanh chóng thất bại do dạy không đúng cách cho trẻ.

“Đi học rồi, được thầy cô dạy bảo nó khác nhiều lắm, vui vẻ hơn trước kia, sinh hoạt cá nhân cũng có thể tự làm được, chúng tôi thấy mà rớt nước mắt, cảm ơn thầy cô nhiều lắm” (PVS GĐ, nữ, 33 tuổi, buôn bán nhỏ)

Được biết, trong và sau quá trình học tập tại trung tâm nhiều TKT đã có sự thay đổi đáng kể trong cách suy nghĩ hay thái độ, hành vi. Các em trở nên tự tin nhiều hơn, có thể chủ động chào hỏi người khác và cởi mở trong chuyện trò. Tuy nhiên, dù bản thân các em đã có những suy nghĩ tích cực hơn vẫn có những rào cản cản trở các em hòa nhập với môi trường ở cộng đồng như suy nghĩ định kiến của cộng đồng về TKT.

“Về nhà em cũng chào hỏi bà con làng xóm nhưng họ cứ nhìn em với ánh mắt thương hại khiến em rất buồn, hàng xóm thân thiết, gần gũi với gia đình thì không sao, nhưng khi bố mẹ đưa em ra ngoài thì mọi người cứ nhìn ngó, xì xầm làm em khó chịu” (PVS trẻ đa khuyết tật, nữ, 17 tuổi, học thêu)

Với một số em học kém hay tâm lý quá nhạy cảm thì sự chủ động là rất ít, các em có xu hướng muốn về nhà với gia đình và sống khép kín như trước kia.

“Em chỉ muốn được về nhà thôi, em học không được, mà ở cũng không quen. Nhưng em sợ khi đòi về mà chưa học xong thì bố mẹ sẽ buồn, lại khó chịu” (PVS TKT vận động, nữ, 14 tuổi, học văn hóa)

Đặc biệt, có những em lại rất thích học và chỉ muốn học mãi ở trung tâm mà thôi. Các em cho rằng học ở trung tâm vừa vui, vừa được học nghề lại không phải chịu những ánh mắt dò xét, chế giễu từ người khác.

“Em mong mình có thể học ở trung tâm mãi thôi, ở đây có các bạn, có thầy cô, có anh chị tình nguyện hay đến chơi. Họ khác lắm, đối xử với chúng em rất công bằng và xem chúng em như những người bình thường khác. Không giống như ở nhà chỉ toàn bị chỉ trỏ, chế giễu mà không chế giễu thì lại

là thương hại. Em ghét như vậy” (PVS TKT vận động, nam, 17 tuổi, lớp tin học)

Tại trung tâm có nhiều hoạt động hỗ trợ cho TKT và các em thường có những hoạt động yêu thích khác nhau. Tuy nhiên, khi được hỏi các em cảm thấy hứng thú với hoạt động nào nhất thì các em cảm thấy hứng thú với các hoạt động ngoại khóa, giao lưu với các anh chị tình nguyện hay các hoạt động tập văn nghệ, thể thao. Theo các em, từ những hoạt động đó, các em được làm quen với các anh chị tình nguyện viên, quen với những người bạn mới ở nơi khác khi tham gia các hoạt động ngoại khóa.

“Học là cái quan trọng nhất khi chúng em ở trung tâm, nhưng em cũng rất thích các hoạt động ngoại khóa, chúng em thường hay mong chờ lúc các anh chị tình nguyện viên đến trung tâm, em có thể hỏi rất nhiều thứ, các anh chị cũng rất nhiệt tình và thân thiện” (PVS TKT vận động, nam, 13 tuổi, học văn hóa)

Nhiều em thích thú với các hoạt động ngoại khóa, nhưng cũng có những em rất ít nói, trầm mặc, không hứng thú với các hoạt động ngoại khóa mà các em chỉ muốn mau chóng học xong rồi sẽ về nhà với gia đình. Những em này thường ngại tiếp xúc với người khác, thường xuyên chơi thân với một số bạn bè nhất định mà thôi.

Điều chúng ta có thể nhận rõ là những hoạt động ngoại khóa này có tác động rất lớn tới các em, giúp các em trở nên tự tin hơn rất nhiều. Khi các em trở về quê vào mỗi dịp nghỉ lễ tết, nghỉ hè, nhiều em đã mạnh dạn hơn trước khi vào trung tâm rất nhiều. ngoài việc các em đã có thể tự tin ra khỏi nhà và trò chuyện với hàng xóm, các em còn có những suy tính và trao đổi về nghề nghiệp với bố mẹ để bắt đầu kế hoạch trong tương lai.

“Em dự định sau khi học xong sẽ về nhà mở một cửa tiệm nhỏ, may quần áo cho mọi người, cũng có nói qua với bố mẹ rồi, bố mẹ bảo cố gắng học

nghề cho giỏi thì không sợ gì hết, hàng xóm cũng bảo sẽ ủng hộ, giới thiệu khách cho em nên em thấy tự tin hơn” (PVS TKT khiếm thính, 17 tuổi, nữ, học may)

TKT hầu hết đều tham gia vào các hoạt động được triển khai tại trung tâm. Tuy nhiên, có một số trẻ với dạng đa khuyết tật thì bị hạn chế hơn trong một số hoạt động do tình trạng sức khỏe và nhận thức của em bị hạn chế.

“Một số em vừa bị khuyết tật về trí tuệ thuộc dạng tự kỷ khá nặng, lại bị hạn chế về khả năng đi lại nên một số hoạt động ngoại khóa khó mà cho các em tham gia được” (PVS nữ, 39 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – Phục hồi chức năng)

Như vậy, nhìn chung các hoạt động tại trung tâm đã có những thành công đáng kể trong các hoạt động nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng và trung tâm đã đáp ứng được cơ bản những nhu cầu mà TKT cần có. Tóm lại, bên cạnh hiệu quả mà các hoạt động hỗ trợ cho TKT mà trung tâm đã mang lại thì vẫn còn một số yếu tố khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình hỗ trợ cho trẻ, nhất là vấn đề kỹ năng sống cho trẻ.

Một phần của tài liệu Hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)