Nội dung hoạt động của giáo dục văn hóa – phục hồi chức năng cho TKT được xây dựng kỹ lưỡng và tính đến đặc điểm riêng của từng loại khuyết tật, chương trình học của trung tâm là theo dạng bổ túc văn hóa, trình độ tiểu học. Kế hoạch hoạt động được soạn thảo cho từng ngày, từng tuần, từng tháng và tổng kết. Các hoạt động chính trong nội dung gồm có: học theo chương trình soạn thảo như tập viết, tập đọc (đọc, kể chuyện), toán, chương trình chuyên biệt xen kẽ cùng chương trình giáo dục phổ thông, trong đó cũng bao gồm những hoạt động như phục hồi phát âm cho trẻ khiếm thính, phát âm cho trẻ tự kỷ… Mỗi một hoạt động cụ thể trong chương trình đều có những tác dụng cụ thể tới sự học tập và phát triển của các em. Mục đích của hoạt động nhằm dạy các em các nhận thức cơ bản nhất là biết nghe lời và tự phục vụ bản thân, tiếp đó là có những kiến thức cơ bản giúp các em trong việc học nghề.
Cha mẹ có TKT đang học tại trung tâm cảm thấy may mắn vì trung tâm đã mở thêm lớp học giáo dục đặc biệt cho con em của những gia đình có nhu cầu. Trước khi được vào học, hầu hết các em đều ở nhà vì không theo học được các lớp học bình thường, số ít trẻ được đi học thì lại không thích ứng được trong trường học cơ sở bình thường hoặc có một số em được đưa vào trị liệu phục hồi chức năng tại bệnh viện nhi Nghệ An, tuy nhiên vì thời lượng
học quá ít chỉ một tiếng rưỡi một buổi, thời gian học lại không cố định khiến cho gia đình cũng gặp khó khăn trong việc đưa đón đi học.
“Bây giờ trung tâm có mở thêm lớp học này khiến chúng tôi vui mừng lắm. Ở nhà không biết dạy nó như thế nào, cứ để nó thế kia thì càng ngày càng hỏng. Từ khi đi học đến giờ nó cũng thay đổi nhiều lắm, biết chú ý khi có người gọi, biết làm sai khi bị mắng, biết cất đồ chơi khi chơi xong. Quả thật với chúng tôi đấy đã là một niềm vui lớn rồi” (PVS GĐ, nam, 37 tuổi, công chức nhà nước)
Hiện tại trung tâm đang có 133 em đang theo học các lớp văn hóa – phục hồi chức năng, phân bố thành 9 lớp bao gồm: Từ lớp 1 đến lớp 5, học theo chương trình bổ túc văn hóa. Lớp học được phân theo lứa tuổi và trình độ nhận thức của các em. Trong đó, có những lớp chuyên biệt và những lớp học sẽ xen kẽ cả giáo dục chuyên biệt và chương trình bậc tiểu học có sự điều chỉnh. Lớp giáo dục chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, chủ yếu là dạy các em nhận thức cơ bản về hình khối, màu sắc, giáo dục các kỹ năng hàng ngày, những lớp này thì thời gian học sẽ dài hơn và giáo trình cơ bản hơn rất nhiều. Đối với những trẻ tự kỷ nhẹ, có nhận thức tốt hơn sẽ được theo học chương trình giáo dục chuyên biệt xen kẽ chương trình tiểu học cùng những trẻ có dạng khuyết tật khác phù hợp với sự phát triển nhận thức của trẻ. Sau khi số học sinh đang học văn hóa tại trung tâm đến hết bậc tiểu học thì sẽ chuyển các em sang đào tạo nghề theo đúng kế hoạch, tùy một số đối tượng chưa thể chuyển đổi thì sẽ ở lại lớp.
Đánh giá mức độ nặng, nhẹ và khả năng học tập của TKT tại trung tâm vẫn chưa theo một khung chuẩn đánh giá nào mà chủ yếu do sự tìm hiểu, tìm đọc các tài liệu văn bản liên quan, học hỏi từ một số trung tâm khác và kinh nghiệm từ những cán bộ dạy lâu năm tại trường soạn thảo ra cảm thấy phù hợp với mức độ của TKT tại trung tâm.
“Khung chuẩn đánh giá chung thì chưa có đâu, chủ yếu là dựa vào văn bản, tài liệu về trẻ khuyết tật và kinh nghiệm của giáo viên rồi soạn thảo ra thôi” (PVS nữ, 42 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – phục hồi chức năng)
Cách thức kiểm tra đánh giá của trung tâm là các giáo viên sẽ có bài kiểm tra đánh giá trình độ nhận thức của trẻ rồi sau đó xếp lớp cho trẻ. Riêng TKT trí tuệ thì sẽ có những bài kiểm tra đánh giá phản ứng của trẻ và mức độ nhận thức của trẻ với những yêu cầu cơ bản nhất.
“Riêng đối với trẻ khuyết tật trí tuệ thì sẽ xác định dựa trên phản ứng của trẻ đối với những yêu cầu mình đưa ra. Khi tiếp nhận một trẻ khuyết tật trí tuệ thì các cô sẽ làm một bài test, kiểm tra phản ứng của trẻ trước những yêu cầu cơ bản nhất và khả năng nhận thức của trẻ trước những yêu cầu mình đưa ra. Sau đó giáo viên sẽ xác định mức độ của trẻ là nặng hay nhẹ để có phương thức can thiệp hợp lý” (Thảo luận nhóm cán bộ, nhân viên)
Bảng 4: chất lượng học tập cụ thể của trung tâm năm 2012
Chất lượng Số lượng Tỷ lệ (%) Giỏi 13 9,8 Khá 58 43,6 Trung bình 35 26,3 Yếu 13 9,8 Không xếp loại 14 10,5 Tổng 133 100
(Chú thích: Bảng số liệu kết quả học tập của trung tâm năm 2012 đối với giáo dục chuyên biệt có lồng ghép chương trình bậc tiểu học theo dạng bổ túc văn
hóa)
Nhìn vào bảng số liệu báo cáo chất lượng học tập năm 2012 của trung tâm, chúng ta thấy rằng chất lượng giáo dục văn hóa – phục hồi chức năng của trung tâm năm học vừa qua có chất lượng học sinh giỏi đạt 9,8% và khá là
43,6%, 26,3% xếp loại trung bình. Tuy nhiên, vẫn còn 9,8% xếp loại yếu và có 10,5% em ở trong hình thức không xếp loại. Lý giải cho vấn đề này chúng tôi đã thu được thông tin như sau:
“Lớp học không phân chia theo độ tuổi mà các con được xếp chung lớp với nhau tùy vào mức độ nhận thức trong học tập của các con”. (PVS nữ, 43 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – Phục hồi chức năng)
“Thường thì những em khuyết tật vận động hay khiếm thính thì học nhanh hơn các em bị khuyết tật trí tuệ, nhất là một số em khiếm thính, nhiều em học cũng rất nhanh, chỉ cần cô giáo nhắc lại một chút là các em có thể tự làm bài và tính toán nhưng với các em trí tuệ thì điều đó lại không hề dễ dàng” (PVS nữ, 27 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – Phục hồi chức năng)
“Lớp học được phân chia theo năng lực của các em, có những em khuyết tật mà trình độ tư duy nhận thức tốt sẽ được xếp vào những lớp học theo chương trình cao hơn, còn những em có khả năng kém hơn thì sẽ được dạy theo chương trình riêng. Những em xếp loại yếu và không xếp loại hầu hết đều là các em khuyết tật trí tuệ, khi dạy phải theo chương trình giáo dục chuyên biệt hoàn toàn, chỉ có rất ít em là ý thức quá kém thôi.” (PVS nữ, 39 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – Phục hồi chức năng)
Xếp loại yếu và không xếp loại là những trường hợp mà không hoàn thành được những nội dung cơ bản trong chương trình học” (PVS nữ, 43 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – Phục hồi chức năng)
Như vậy, vấn đề học sinh yếu và không xếp loại hầu hết là những đối tượng có sự nhận thức kém về tư duy và được học theo chương trình giáo dục chuyên biệt, không phải vì các em quá ngỗ nghịch hay ý thức kém. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo chương trình lồng ghép nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác giáo dục đã gặt hái được một số thành quả nhất định.