Kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo của Malaysia

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp xóa đói giảm nghèo cho nông hộ ở huyện sơn động - bắc giang (Trang 25)

5. Kết cấu của luận văn

1.2.4.Kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo của Malaysia

Chính sách xoá đói giảm nghèo của Malaysia chính thức được hình thành từ năm 1971 gắn liền với việc ban hành chính sách kinh tế mới của Chính phủ. Kể từ đó, nó luôn được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với nội dung của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, như chính sách kinh tế mới (1970 - 1990), chính sách phát triển mới (1990 - 2000) và tầm nhìn 2020.

Mục tiêu tổng thể của Chính sách xoá đói giảm nghèo của Malaysia là xoá bỏ hoàn toàn nghèo đói trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói được đặt ra theo từng thời kỳ nhất định, từ 49,3% năm 1970 xuống còn 16,7% năm 1990 và 7,2% năm 2000 [6].

Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ Malaysia đã lựa chọn các chiến lược nhằm tạo cơ hội cho người nghèo tham gia tự tạo việc làm và các hoạt động có thu nhập cao hơn. Do đa số người nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, nên Chính phủ dành nhiều ưu tiên thực hiện các chương trình và dự án nhằm tạo điều kiện cho

người dân nông thôn hiện đại hoá phương thức canh tác, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu sản phẩm để nâng cao thu nhập.

- Chương trình tái định cư nhằm đưa những người không có ruộng đất hoặc những người có ruộng đất nhưng sản xuất không có hiệu quả đến những vùng đất mới, ở đó họ có thể làm việc trong các đồn điền cao su hoặc sản xuất dầu cọ. Tại nơi ở mới, những người định cư được cung cấp nhà ở với kết cấu hạ tầng tốt về điện, nước.

- Chương trình cải tạo đất nông nghiệp thông qua việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Ở một số nơi, chương trình này cũng được thực hiện theo mô hình hợp tác xã để đạt được những lợi ích sản xuất trên quy mô lớn.

- Chương trình kết hợp phát triển nông nghiệp và nông thôn với những hoạt động chế biến nông sản, khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh ở nông thôn để tạo thêm nguồn thu nhập.

- Chương trình sản xuất tăng vụ, liên canh và xen canh cây trồng trên cùng một thửa đất để nâng cao hiệu quả và năng suất canh tác.

- Dự án thành lập các chợ của nông thôn ở các trung tâm đô thị để họ bán trực tiếp sản phẩm của mình thay vì qua các trung gian.

- Chương trình hỗ trợ về đào tạo, tín dụng, khoa học kỹ thuật, tiếp thị... cho người dân nông thôn để họ có thể tìm được những việc làm phi nông nghiệp hoặc thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh của riêng mình ở các vùng nông thôn hoặc các thành thị.

Bên cạnh các chương trình và dự án nhằm nâng cao thu nhập, Chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo, chẳng hạn như thông qua việc cung cấp kết cấu hạ tầng và các dịch vụ xã hội. Đối với các vùng nông thôn, Chính phủ đã xây dựng đường điện, điện thoại, ống nước, đường giao thông, cung cấp các dịch vụ y tế, xây dựng trường học, bao gồm cả nhà ở nội trú cho học sinh...

Ngoài ra các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân cũng tự nguyện tham gia tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo. Những hoạt động chính của các chủ thể này bao gồm: hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho người nghèo, ngoài ra họ còn có các biện pháp hỗ trợ về điều kiện nhà ở và việc học tập của con cái những người nghèo.

Thành tựu xoá đói của Malaysia: nhờ những nỗ lực nêu trên, trong vài thập kỷ qua tỷ lệ người nghèo của Malaysia đã giảm từ mức gần 50% năm 1970 xuống còn 15% năm 1990 và trên 4% năm 2002, vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể hơn, năm 1990, tỷ lệ người nghèo ở các vùng nông thôn và các vùng thành thị đã giảm xuống tương ứng còn 19,3% và 7,3% (từ các mức tương ứng 58,7% và 21,9% của năm 1970); các con số tương ứng của năm 2010 là 7% và gần 2% [6]. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, với tốc độ như trong thời gian vừa qua, chỉ trong một vài năm nữa ở Malaysia sẽ không còn ai phải sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập dưới 2 USD mỗi ngày.

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp xóa đói giảm nghèo cho nông hộ ở huyện sơn động - bắc giang (Trang 25)