Trong kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh ngoại hối luôn được các ngân hàng chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, hoạt động này luôn tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam bởi hệ thống thông tin thiếu minh bạch và không đầy đủ, trình độ quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, tính chuyên nghiệp của cán bộ ngân hàng chưa cao… Sau một thời gian thực tập tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga và trên cơ sở so sánh với các ngân hàng lớn như BIDV, Eximbank, …là những ngân hàng mạnh trong kinh doanh ngoại tệ, em xin đề xuất một số biện pháp sau để giảm thiểu rủi ro kinh doanh ngoại hối tại VRB:
* Đẩy mạnh mua bán ngoại tệ có kỳ hạn: Nghiệp vụ này giúp tránh được
rủi ro kinh doanh ngoại tệ khi tỷ giá thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Giao dịch ngoại hối kỳ hạn là giao dịch hai bên cam kết sẽ mua bán với nhau một số lượng ngoại tệ theo một mức tỷ giá xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Ngoài các khách hàng quen thuộc như công ty may xuất khẩu Hà Bắc, công ty cổ phần đầu tư và xuất khẩu Tây Nguyên, công ty TNHH Minh Chí, công ty TNHH An Phúc…, ngân hàng VRB cần tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm này tới nhiều khách hàng mới nhằm nâng cao hoạt động kinh doanh đồng thời cân bằng được trạng thái ngoại tệ của ngân hàng. Để thực hiện điều này đòi hỏi ngân hàng phải quảng bá tốt thương hiệu nhằm thu hút nhiều khách hàng. Ngân hàng cần đưa ra các Slogan, thực hiện các chiến dịch quảng cáo nhằm nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu. Hiện nay các ngân hàng chủ yếu ưu tiên nguồn ngoại tệ mua được của khách hàng để phục vụ các mục đích thanh toán L/C đến hạn. Tuy nhiên tình hình thị trường ngoại tệ trong nước được dự đoán nhu cầu USD không giảm do nhu cầu USD khan hiếm vì nhu cầu thanh toán cuối năm tăng trong khi lượng ngoại về từ kiều hối không nhiều như mọi năm. Bên cạnh đó lãi suất VND giảm
mạnh khiến tâm lý dân cư có nhu cầu mua USD tích trữ. Điều này làm cho ngân hàng có nguy cơ gặp rủi ro nếu không mua đủ USD thanh toán. Do đó, căn cứ vào nguồn VND trên thị trường Liên ngân hàng tương đối dư thừa và ổn định với lãi suất khoảng 8% - 9%/ năm, VRB cần tiến hành mua lại ngoại tệ kỳ hạn từ các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ như Công ty cổ phấn xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, công ty TNHH Minh Chí hoặc các doanh nghiệp cho vay ưu đãi VND theo cơ chế hoán đổi tiền tệ tại hội sở chính, chi nhánh Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
* Thực hiện hoán đổi trong mua bán ngoại tệ: Mục đích của nghiệp vụ này là cân đối trạng thái tại một thời điểm, tránh được sự mất cân đối ngoại tệ tại một thời điểm nhất định, đáp ứng nhu cầu khách hàng và thu lợi nhuận. Swap không làm thay đổi trạng thái thực của một ngân hàng nhưng Swap có thể kéo dài vị thế của đồng tiền muốn đầu cơ. Hoạt động Swap tại ngân hàng thời gian qua còn hạn chế do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nâng doanh số thực hiện giao dịch Swap lên con số 20 triệu USD trong thời gian tới. Trước diễn biến bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính lớn lâm vào tình trạng phá sản, có tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Để đảm bảo mục tiêu an toàn của toàn hệ thống VRB, ngăn ngừa rủi ro phát sinh, VRB cần rà soát toàn diện khách hàng: Rà soát toàn bộ các khách hàng hiện có, đánh giá lại năng lực tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, đánh giá sức chịu đựng rủi ro, khả năng chống đỡ của các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, phân loại theo 3 nhóm khách hàng:
+ Nhóm khách hàng có khả năng chống đỡ, duy trì được sự tăng trưởng ổn định.
+ Nhóm khách hàng có sức chống đỡ yếu, có khả năng tài chính tạm thời cần tái cấu trúc nợ vay để hoạt động ổn định,
+ Nhóm khách hàng không có khả năng chống đỡ, có nguy cơ giải thể, phá sản.
Khi thực hiện giao dịch hoán đổi chéo, cần lựa chọn khách hàng có quan hệ chủ yếu, khách hàng có doanh số xuất khẩu lớn, thị trường xuất khẩu đa dạng, nguồn thu ngoại tệ ổn định, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Châu Âu
thấp. Khách hàng xuất khẩu có phương án kinh doanh khả thi, thị trường xuất khẩu ổn định, có đơn đặt hàng và hợp đồng xuất khẩu đảm bảo điều kiện thanh toán chắc chắn. Các hợp đồng xuất khẩu có phương thức thanh toán bằng L/C mở tại các ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng có uy tín và đang hoạt động ổn định, các thị trường xuất khẩu không chịu sự tác động nhiều của tình hình tài chính hiện nay.
* Cần đa dạng hóa các loại tiền tệ: Đa dạng hóa tiền tệ cũng là cách phòng tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Các giao dịch liên quan đến đồng RUB tại ngân hàng thời gian qua còn rất hạn chế thậm chí là rất ít. Trong khi ngân hàng VRB là ngân hàng liên doanh với ngân hàng ngoại thương của Nga, có ngân hàng con tại Nga nên nguồn đồng RUB dồi dào. Do đó, ngoài ngoại tệ chính mà ngân hàng thường xuyên giao dịch là USD và EUR, ngân hàng cần tăng cường các giao dịch sử dụng đồng RUB là thế mạnh của ngân hàng.
* Xây dựng các hạn mức kinh doanh ngoại tệ, khối lượng giao dịch, giới hạn loại tiền kinh doanh một cách hợp lý: Một biện pháp hạn chế rủi ro hữu hiệu là sử dụng hạn mức trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Hạn mức là công cụ để quản lý rủi ro. Hạn mức do mỗi ngân hàng đặt ra tùy thuộc vào đặc điểm kinh doanh và khả năng chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Ngân hàng phải xây dựng và duy trì một hạn mức chi tiết và rõ ràng. Riêng VRB mới chỉ xây dựng hạn mức mua bán ngoại tệ cho các phòng ban nhưng chưa có hạn mức cho từng loại ngoại tệ, hạn mức cho từng loại giao dịch như giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi…Để hạn chế rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ, ngoài việc sử dụng các công cụ phái sinh VRB cần phải xây dựng các hạn mức một cách hợp lý.
* Tăng vốn tự có để tăng hạn mức kinh doanh cũng như khả năng trong
thanh toán quốc tế và các nghiệp vụ khác. Từ số vốn điều lệ đăng ký là 10 triệu USD, đến tháng 5/2008 số vốn điều lệ của Ngân hàng Liên doanh Việt Nga đã tăng lên 62,5 triệu USD và dự kiến đến năm 2010 VRB sẽ tăng vốn điều lệ lên 187 triệu USD. Để tăng vốn tự có của ngân hàng, VRB có thể phát hành trái phiếu. Ưu điểm của phương án này là chi phí thấp và không làm phân tán quyền kiểm soát của ngân hàng. Đây là phương pháp hiệu qủa vì trái phiếu này được các nhà đầu tư ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, phương án này cũng có
nhược điểm là phải hoàn trả cho người mua trái phiếu khi đến hạn, lãi trả cho trái phiếu là gánh nặng cho ngân hàng về tài chính. Ngoài ra, VRB còn có thể thực hiện các biện pháp tăng vốn từ nguồn bên ngoài khác như bán tài sản và thuê lại, chuyển đổi chứng khoán nợ thành cổ phiếu... VRB còn có thể tăng vốn tự có từ nguồn bên trong, chủ yếu do tăng lợi nhuận giữ lại. Đây là lợi nhuận ngân hàng đạt được trong năm, nhưng không chia cho các cổ đông mà giữ lại để tăng vốn. Ưu điểm: Không tốn kém chi phí, không làm loãng quyền kiểm soát ngân hàng và không phải hoàn trả. Phương pháp này giúp ngân hàng không phụ thuộc vào thị trường vốn nên tránh được chi phí huy động vốn. Ngân hàng liên doanh Việt Nga là ngân hàng mới thành lập, quy mô còn nhỏ bé nên để tăng vốn tự có trong giai đoạn tới ngân hàng nên phát hành trái phiếu hoặc bán tài sản và thuê lại thay vì sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn tự có. Vì sử dụng nguồn bên trong chỉ áp dụng với các ngân hàng lớn, làm ăn có lãi liên tục và đều đặn. Hình thức này không thể áp dụng thường xuyên vì nó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
* Nâng cao hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao uy tín của hệ thống
ngân hàng: Một ngân hàng có uy tín không chỉ thể hiện qua cơ cấu tổ chức, trình độ kinh nghiệm làm việc, lợi nhuận, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tự có, thanh toán đúng hạn mà còn được đánh giá qua vốn hoạt động. Mức vốn thấp sẽ hạn chế ngân hàng trong việc mở rộng các nghiệp vụ như option, hoán đổi lãi suất hay thành lập các công ty trực thuộc như công ty chứng khoán, công ty cho thuê tài chính..
* Nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ nhân viên hoạt động trong ngân hàng: Để ngân hàng ngày càng vững mạnh đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường nội địa và quốc tế đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân viên giỏi nghiệp vụ, năng động, tìm tòi học hỏi, tuân thủ đúng qui định của ngân hàng và có đạo đức kinh doanh. Để đạt được mục tiêu trên ngân hàng phải quan tâm đến công tác quản trị và đào tạo nhân viên về nghiệp vụ, ngoại ngữ, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, chế độ khen thưởng, thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn cho nhân viên kinh doanh ngoại tệ đồng thời hỗ
trợ của các phòng nghiên cứu và quan hệ khách hàng trong hoạch định chiến lược.
* Trích lập quỹ rủi ro: Ngoài một số phương pháp nhằm hạn chế rủi ro mà ngân hàng đang áp dụng, VRB cần trích một phần lợi nhuận để dành làm quỹ rủi ro về kinh doanh ngoại tệ. Cũng giống như hoạt động tín dụng, hàng năm đều phải trích một phần lợi nhuận để bù đắp và phòng ngừa cho những khoản nợ khó đòi hay tiểm ẩn nguy cơ khó thu hồi nợ. Trong kinh doanh ngoại tệ, rủi ro luôn luôn xuất hiện đồng thời với giao dịch mở nghĩa là trạng thái ngoại tệ không cần bằng. Trích lập quĩ rủi ro có thể là 10% -20% lợi nhuận của năm đó về kinh doanh ngoại tệ.