Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC)
Trong hoạt động tín dụng, đòi hỏi phải thực sự an toàn - hiệu quả - bền vững bởi nó luôn tiềm ẩn rủi ro. Đây không phải là đòi hỏi của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, mà còn là nỗi lo chung của họat động Ngân hàng trong khu vực và toàn cầu khi mà nền kinh tế thế giới cũng tồn tại nhiều bất ổn, phát triển không vững chắc. Do vậy việc Nhà nước tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia là hết sức cần thiết.
Một là, giúp cho Ngân hàng Trung ương có thêm thông tin cần thiết để thực hiện chức năng quản lý và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nước.
Hai là, giúp cho các tổ chức tín dụng đối phó với vấn đề thông tin không cân xứng. Thông tin tín dụng bao gồm thông tin tích cực và thông tin không tích cực. Thông tin tích cực giúp Ngân hàng giảm chi phí thông tin, giảm thời gian xem xét quyết định tín dụng, không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng tốt. Thông tin tiêu cực giúp Ngân hàng ngăn ngừa rủi ro, tránh được các khoản nợ xấu. Việc chia sẻ thông tin giúp cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng nhỏ không có đủ kinh nghiệm và chi phí để điều tra thông tin, tức là góp phần thúc đẩy sự phát triển các tổ chức tín dụng.
Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng trong việc xích lại gần hơn với nguồn vốn tín dụng khi có đủ thông tin lưu trữ tại Trung tâm thông tin tín dụng. Hệ thống thông tin giúp loại trừ ý tưởng không lành mạnh của một số khách hàng không tốt khi đồng thời đi vay tại nhiều ngân hàng, vì họ biết rằng hành vi của họ không qua mặt được hệ thống chia sẻ thông tin của ngân hàng. Từ đó cũng góp phần năng cao tư cách đạo đức của doanh nghiêp.
Bốn là, do có thêm thông tin từ cơ quan Thông tin tín dụng nên các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay, tăng trưởng dư nợ tín dụng cao, điều đặc biệt là dư nợ tăng nhưng vẫn đảm bảo chất lương. Đây là nhân tố thúc đẩy kinh tế phát triển.