"Lối sống theo pháp luật" hình thành song song cùng với sự hình thành của "pháp luật". Có thể nói rằng pháp luật xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam đó là thời kỳ Bắc thuộc. Với truyền thống pháp trị đã được đề cao từ thời Tần, các chính quyền đô hộ của Trung Hoa trên đất nước ta về cơ bản đã dùng pháp luật của các triều đại Trung Hoa để cai trị dân Việt. Bắt người Việt phải theo tục lệ Hán, phải tuân thủ luật Hán là một bộ phận trong chính sách đồng hóa của các triều đại Trung Hoa. Như vậy, luật pháp - một sản phẩm của xã hội văn minh mà người Việt lần đầu tiên biết đến lại là công cụ nô dịch, áp bức và đồng hóa của ngoại bang. Do đó, lối sống theo pháp luật dường như chỉ tồn tại rất ít ở những kẻ bán nước, hèn nhác. Còn phần lớn những người dân yêu nước lại có ý thức chống lại luật pháp. Chính vì vậy, trong những cuốn sử biên niên của các triều đại Trung hoa khi chép về cư dân Giao chỉ, Cửu Chân… thường có nhận xét là hay phản loạn, bất tuân… Tuy nhiên chính lối sống đó đã góp phần giữ gìn được bản sắc dân tộc, nhờ đó người Việt đã không bị đồng hóa và dân tộc ta tránh được họa diệt vong.
Sau 1000 năm Bắc thuộc, đến thế kỷ thứ X, Việt Nam giành được độc lập. Các chính quyền tự chủ đều ban hành pháp luật. Qua ghi chép lịch sử, chúng ta đều biết rằng thời Tiền Lê, thời Lý, thời Trần đều có soạn thảo và đưa ra thi hành các Bộ luật với các tên gọi như Hình thư, Hình luật,…Đây là thời kỳ các chính quyền trung ương thực hiện chính sách cai trị thần dân.
Dưới thời Lý - Trần, chịu trách nhiệm trước triều đình chưa phải là cá nhân người dân mà là cộng đồng làng. Khen thưởng cũng cho làng mà trừng phạt cũng thi hành với cả làng. Do đặc điểm của hệ thống pháp luật thời Lý - Trần như vậy nên trên thực tế chế định quan trọng thời kỳ này không khác tục lệ làng xã là bao. Lối sống theo tập tục địa phương vì thế tiếp tục được củng cố. Đến thời Lê Sơ, Nhà nước chủ trương nắm tới tận người dân và tìm mọi cách để đặt phép vua (luật pháp) lên trên hết. Vì sự quản lý thống nhất trên quy mô cả nước, nhiều điều luật ban hành đã can thiệp vào công việc mà trước đó điều được giải quyết bằng tục lệ. Hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh và được thực hiện một cách nghiêm minh đã tạo nên sức mạnh kỷ cương cho nước Đại Việt thời Lê Sơ. Và như vậy, chúng ta có thể khẳng định đây là thời kỳ mà "lối sống theo phép nước" hay chính là sự khởi nguồn của lối sống theo pháp luật bắt nguồn từ đây.
Có thể thấy luật thời Lê được tôn trọng và được thi hành khá nghiêm chỉnh, hệ thống luật pháp này có sức sống, tạo được một lối sống (ở một mức độ nào đó) theo pháp luật là do nó có tính phù hợp, tính thích ứng cao. Song, nói như vậy không có nghĩa là từ thời Lê sơ (thế kỷ XV) người Việt đã có một lối sống hoàn toàn theo pháp luật. Bởi sức mạnh của tục lệ làng mà cơ sở kinh tế của nó là sự hậu thuẫn của các thế lực địa chủ, hào cường trong làng vẫn ngày càng phát triển, phản ánh sức sống dai dẳng của quan hệ làng xã, đồng thời cũng phản ánh truyền thống của người Việt trọng tục lệ hơn pháp luật. Phương châm xử thế của người nông dân làng xã vẫn là "phép vua thua lệ làng".
"Lối sống theo pháp luật" mới được tạo dựng với những cơ sở đầu tiên thì lịch sử Việt Nam lại bước vào thời kỳ loạn li từ sau khi Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê (1527) đến khi triều Nguyễn thiết lập quyền cai trị trên quy mô cả nước (1902). Những chế định điều tiết hành vi xã hội của người Việt chủ yếu là luật tục địa phương, tục lệ làng xã chứ không phải là pháp luật của nhà nước. Khi lên cầm quyền, nhà Nguyễn, nhất là dưới thời vua Minh Mạng
(1802-1841), đã có ý thức khá rõ đặc điểm trọng tục lệ hơn trọng luật của người Việt Nam nên đã có biện pháp tăng cường pháp chế. Bên cạnh tính chất hà khắc của chế độ phong kiến, chúng ta cũng cần thấy đó là một thang bậc phải qua của một cư dân nông nghiệp trong quá trình hình thành lối sống theo pháp luật. Đó là sự chuẩn bị cần thiết cho những bước xây dựng phát triển tiếp theo của lối sống theo pháp luật trong thời kỳ cận đại.
Thực dân Pháp đã nổ tiếng súng tấn công Việt Nam năm 1858 chấm dứt thời kỳ phát triển tự thân của lịch sử Việt Nam. Hệ thống pháp luật mà thực dân Pháp áp dụng ở Việt Nam trong ngót một thế kỷ chiếm đóng là một thứ công cụ đô hộ và nô dịch. Và như thế lối sống bất tuân pháp luật của dân tộc ta lại một lần nữa sống dậy.