Thẩm mỹ chứa đựng ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất là đối tượng thẩm mỹ, bao gồm cái đẹp, cái xấu, cái hài, cái anh hùng, cái tuyệt vời của cá nhân và thực tiễn xã hội. Bộ phận thứ hai là chủ thể thẩm mỹ, bộ phận này phản ánh các hoạt động thẩm mỹ của con người thông qua các giác quan của họ; Các nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ đều là sự phản ánh, tích hợp các kinh nghiệm hoạt động thẩm mỹ của con người. Bộ phận thứ ba là thế giới nghệ thuật, sự tương tác giữa chủ thể thẩm mỹ và đối tượng thẩm mỹ thể hiện tập trung nhất trong thế giới nghệ thuật với các loại hình cụ thể: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu và điện ảnh. Trong thế giới này, cái thẩm mỹ chứa đựng các phạm trù: thụ cảm, sáng tạo, tình cảm, hình tượng, giá trị, đánh giá, loại hình, tác phẩm…
Vậy, lối sống theo thẩm mỹ là gì? Lối sống theo thẩm mỹ chính là lối sống theo chuẩn mực thẩm mỹ, chuẩn mực đó là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi về mặt thẩm mỹ đối với hành vi xã hội của con người, tuân theo những quan điểm, quan niệm đang được phổ biến, thừa nhận trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái anh hùng, cái tuyệt vời, được xác lập trong các quan hệ thẩm mỹ, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong lối sống và sinh hoạt của cá nhân và các nhóm xã hội.
Chuẩn mực thẩm mỹ nói trên là loại chuẩn mực xã hội bất thành văn, nghĩa là các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi thẩm mỹ của con người không được ghi chép thành văn bản dưới dạng "cẩm nang" hay "đạo luật" nào đó, mà chúng tồn tại, biến đổi, phát huy tác dụng bằng con đường truyền miệng, giáo dục, thông qua xã hội hóa cá nhân và lưu truyền qua các thế hệ. Trong quá trình đó, các quan niệm, giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ được tích tụ, thẩm thấu vào trong nhận thức, kinh nghiệm của mỗi cá nhân, trở thành "khuôn mẫu hành vi" và bộc lộ thành hành vi thực tế khi con người tham gia vào các quan hệ thẩm mỹ nhất định. Đó cũng chính là quá trình hình thành và tồn tại của lối sống theo thẩm mỹ.
Lối sống theo thẩm mỹ mang tính lợi ích, tính hài hòa và tính hình tượng. Tính lợi ích gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, nghĩa là các quan điểm, quan niệm thẩm mỹ trước tiên phải xuất phát từ chỗ nó mang lại hoặc đáp ứng được những nhu cầu, lợi ích nhất định cho cộng đồng xã hội và cho mỗi cá nhân. Tính hài hòa nghĩa là lối sống đó luôn phải đặt trong mối tương quan hài hòa với các điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội nhất định; hoặc phải phù hợp trong từng tình huống cụ thể của cuộc sống. Tính hình tượng thể hiện lối sống theo thẩm mỹ phản ánh ý chí chung của nhiều người, của đa số các thành viên trong xã hội, họ thừa nhận, tán thành và làm theo. Nó được coi như hình tượng, khuôn mẫu, là "tấm gương" để mỗi cá nhân tự soi mình vào đó mà điều chỉnh hành vi thẩm mỹ sao cho phù hợp nhất.
Lối sống theo thẩm mỹ và lối sống theo pháp luật có sự tác động qua lại lẫn nhau. Lối sống theo thẩm mỹ đòi hỏi các bộ luật, đạo luật được ban hành phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ đang phổ biến trong xã hội thì mới dễ dàng được nhân dân tuân thủ và thực hiện. Khi đó, bản thân các bộ luật, đạo luật cũng mang các giá trị thẩm mỹ, là một "tác phẩm nghệ thuật". Các văn bản luật của nhà nước điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trật tự công cộng, ứng xử nơi công sở, kiến trúc… là những minh chứng sống động cho mối liên hệ này. Như vậy, lối sống theo thẩm mỹ là cơ sở lý luận và thực tiễn để nhà nước xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, văn hóa - nghệ thuật, quảng cáo, du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, thời trang…
Lối sống theo pháp luật là lối sống giúp cho các văn bản luật đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành pháp luật thường trực trong hành vi mỗi con người. Nhìn trên phương diện này, lối sống theo thẩm mỹ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hành vi pháp luật của các cá nhân phù hợp với các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp, vì những lý do nhất định, các cá nhân không biết đến các quy định của pháp luật, nhưng do
các quy tắc pháp luật phù hợp với các chuẩn mực thẩm mỹ, nên các hành vi pháp luật cũng trùng với hành vi thẩm mỹ; các cá nhân thực hiện hành vi pháp luật dựa trên quan điểm, quan niệm thẩm mỹ của họ.
Lối sống theo thẩm mỹ luôn vận động và biến đổi, có những quy tắc thẩm mỹ mất đi và có những chuẩn mực thẩm mỹ mới ra đời, đáp ứng yêu cầu của quan hệ thẩm mỹ trong xã hội. Lối sống theo pháp luật, do đặc trưng là lối sống theo các quy định của pháp luật, mà quy định của pháp luật lại có sức mạnh cưỡng chế của nó nên đã góp phần củng cố, bảo vệ lối sống theo thẩm mỹ tiến bộ, phù hợp; đồng thời, loại bỏ những quy tắc thẩm mỹ đã lạc hậu và xây dựng những chuẩn mực thẩm mỹ mới tương ứng với lối sống văn minh, hiện đại và hợp pháp.
Chương 2