luật ở Việt Nam hiện nay
Việc hình thành và phát triển lối sống theo pháp luật nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng luôn chịu sự chi phối và ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau. Bởi vậy việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng lối sống theo pháp luật ở nước ta hiện nay phải xét từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Nhìn một cách bao quát và toàn diện, có thể điểm qua một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, xuất phát từ những hạn chế về hệ thống pháp luật (đặc biệt là vấn đề chất lượng điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật)
Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức nhất định. Hệ thống pháp luật giữ vai trò quyết định đối với quá trình hình thành và phát triển của lối sống theo pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật so với các thời kỳ trước đã có nhiều bước tiến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên vẫn bộc lộ một số điểm chưa hợp lý. Đó là tình trạng ban hành văn bản
quy phạm pháp luật diễn ra quá ồ ạt. Trong khi đó hoạt động rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng và hiệu quả đạt được của hoạt động này là không cao. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc là quy định quá khái quát, hoặc quá chi tiết, hoặc có sự mâu thuẫn, chồng chéo với nhau gây nhiều khó khăn cho công tác áp dụng pháp luật. Thậm chí, tạo nhiều lỗ hổng, khe hở cho những kẻ có chút hiểu biết pháp luật (có thể là những luật sư hay những cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, Kiểm sát hay các cơ quan nhà nước) trục lợi riêng cho bản thân, Từ đó là tiền đề cản trở việc đưa pháp luật đến với đời sống của người dân.
Mặc dù văn bản quy phạm pháp luật thì nhiều nhưng có một số lĩnh vực của đời sống xã hội chưa có sự tham gia điều chỉnh của pháp luật như việc đẻ thuê, việc thuê người giúp việc gia đình…Bởi vậy, khi phát sinh quan hệ xã hội đó, người dân sẽ phải tìm những loại quy tắc xử sự khác để điều chỉnh, và như vậy, tình trạng này sẽ cản trở việc hình thành lối sống theo pháp luật.
Thứ hai, xuất phát từ ý thức pháp luật của người dân còn chưa cao, đặc biệt là việc nhận thức pháp luật và thái độ của người dân đối với pháp luật.
Ý thức pháp luật là yếu tố hết sức quan trọng của lối sống theo pháp luật. Ý thức pháp luật là tiền đề tư tưởng trực tiếp để xây dựng và hoàn thiện pháp luật, là cơ sở bảo đảm cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật một cách đúng đắn trong thực tiễn đời sống. Trên thực tế, khi xây dựng một đạo luật hay lối sống theo pháp luật thì cần phải xác định rõ tư tưởng chỉ đạo, những quan điểm và nguyên tắc cơ bản thể hiện trong đạo luật đó cũng như phải suy nghĩ về nội dung và những quy phạm cụ thể sẽ ban hành. Các nhà chức trách và mọi công dân khi có sự hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ nội dung và yêu cầu của các quy phạm pháp luật sẽ có ý thức tôn trọng và chủ động tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật một cách có hiệu quả hơn trong thực tế.
Như chúng ta đã biết, dân số nước ta có tới 80% dân số làm nông nghiệp, trình độ học thức thấp, sự hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Bên cạnh đó
là bộ phận cán bộ, nhân viên nhà nước, tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân, là tầng lớp học sinh, sinh viên… tựu chung là tầng lớp tri thức là những người có sự hiểu biết tương đối về luật pháp, nhưng ý thức chấp hành, tuân theo pháp luật thì cũng còn rất hạn chế. Từ sự thiếu hiểu biết pháp luật tất yếu sẽ dẫn đến ý thức pháp luật kém, thái độ thờ ơ đối với pháp luật. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng lối sống không tuân theo pháp luật đang hiện hữu trong xã hội hiện nay.
Thứ ba, nguyên nhân từ phía các cơ quan nhà nước trong quá trình giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của các cán bộ, công chức, viên chức; vai trò của nhà nước trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đông đảo nhân dân trên phạm vi cả nước.
Có thể nói, hiệu quả giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước Việt Nam là chưa cao, do vậy, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không được phát hiện kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng dân cư khác nhau, ở các vùng miền khác nhau chưa hiệu quả, chưa thể hiện được trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, thực trạng lối sống theo pháp luật ở Việt Nam hiện nay có thể còn bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác như điều kiện kinh tế, xã hội hay xu hướng thời đại, yếu tố quốc tế…
Từ thực trạng và nguyên nhân dẫn đến thực trạng lối sống theo pháp luật ở Việt Nam hiện nay như phân tích ở trên đã đặt ra nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết, trong đó phải tìm ra những phương hướng, những giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh việc đưa pháp luật đi vào đời sống, hay chính là việc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển một lối sống mới - lối sống theo pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Đây vừa là một đòi hỏi xong cũng vừa là một yêu cầu bức thiết trong xu hướng hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Chương 3