Khái quát quá trình hình thành và phát triển của lối sống theo pháp luật ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Một phần của tài liệu Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 50 - 54)

pháp luật ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay

* Từ năm 1945 đến năm 1975

Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ngày từ khi mới thành lập Chính phủ lâm thời đã phải đương đầu với nhiều khó khăn về các mặt chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế. Mặc dù vậy, đây vẫn là một mốc son đánh dấu bước ngoặt của nước ta khi thành lập được một nhà nước với chính phủ riêng và đặc biệt từ đây chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống pháp luật riêng. Minh chứng là ngay sau đó, ngày 09/11/1946, Quốc hội đã họp và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để giải quyết nạn đói và nạn dốt, Chính phủ cách mạng đã ban hành rất nhiều Sắc lệnh giúp ổn định cuộc sống của người dân như Sắc lệnh Bãi bỏ thuế thân, Sắc lệnh chia lại ruộng đất công hay Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh Nha bình dân học vụ… Việc bước đầu xây dựng được hệ thống pháp luật của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhằm ổn định xã hội có một vai trò vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lối sống theo pháp luật

của người dân Việt Nam thời kỳ này bởi hệ thống pháp luật chính là cơ sở hiến định của quá trình xây dựng lối sống theo pháp luật.

Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp lên đất nước ta. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng ta lại vấp phải cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ. Chiến tranh liên miên là thử thách khắc nghiệt đối với dân tộc ta và đã để lại hậu quả nặng nề trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Di chứng của chiến tranh không phải dễ khắc phục, nhất là trong điều kiện một xã hội có nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển; có cơ cấu làng xã cổ truyền tồn tại khá lâu bền. Điều kiện phát triển này của Việt Nam kéo dài hàng ngàn năm, để lại những dấu ấn sâu sắc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trong tư tưởng, tình cảm; tạo nên và duy trì thói quen, nếp sống, cách nghĩ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Về phía người quản lý nhà nước thì quản lý xã hội bằng mệnh lệnh, ý chí, nặng về biện pháp hành chính. Cơ quan lập pháp hoạt động mang tính hình thức, pháp luật thời chiến thì luôn là những mệnh lệnh mang tính cưỡng chế, thể hiện sự thiếu đồng bộ, phiến diện; dẫn đến hệ quả độc đoán duy ý chí, vi phạm dân chủ trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật ở phía người quản lý nhà nước. Về phía người dân, chiến tranh dường như đã xóa mất những lợi ích chính đáng của cá nhân, tập thể, mà thay vào đó là lợi ích của cộng đồng. Với thời gian, người dân nhận thấy pháp luật không mấy tác dụng thiết thực với cuộc sống thường nhật của họ, chỉ thấy bị ràng buộc hơn, thậm chí như một gánh nặng. Từ đó dẫn đến tâm lý thờ ơ, thiếu tôn trọng pháp luật, thậm chí chống đối pháp luật nhà nước. Đói nghèo, lạc hậu, thất học…, là bạn đồng hành của kẻ xâm lược, là sản phẩm không dễ xóa bỏ của chiến tranh và là kẻ thù của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật. Bởi sản phẩm đó tác động trực tiếp đến văn hóa, chính trị, pháp luật, đến việc tuyên truyền tuân thủ pháp luật, thái độ đối với pháp luật.

Khi phân tích quá trình xây dựng ý thức và phát triển lối sống theo pháp luật của người dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, sẽ không công

bằng nếu chỉ nhấn mạnh tác động tiêu cực của chiến tranh. Bởi ở một mức độ nhất định còn có tác động tích cực đến việc hình thành ý thức và lối sống theo pháp luật của người Việt Nam. Trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước, chiến tranh như chất keo kết dính các làng xã, tiểu nông mang đậm dấu ấn của cộng xã nông thôn, kết dính những người nông dân thành một cộng đồng gắn bó đoàn kết, thống nhất, có ý thức trách nhiệm với lợi ích của tập thể, cộng đồng quốc gia, dân tộc. Đó là tiền đề quan trọng về mặt nhận thức của việc hình thành ý thức và lối sống theo pháp luật trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Đồng thời chiến tranh đòi hỏi việc ban hành các mệnh lệnh, chỉ thị, pháp luật đảm bảo tính chuẩn xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn, cũng như đòi hỏi tính thống nhất cao sự chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh. Nghĩa vụ và kỷ luật thời chiến đòi hỏi tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ứng phó kịp thời mọi tình huống đặt ra trong chiến tranh. Vì vậy, mọi thành viên, cộng đồng đều tự giác tham gia, thực hiện, tuân thủ nghiêm pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, chiến tranh với quy luật riêng của nó đã góp phần giảm thói tự do, tùy tiện, tản mạn, thụ động của người nông dân, của các làng xã đóng kín. Tạo điều kiện tăng cường mặt tích cực của dân chủ làng xã trong việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước; góp phần hạn chế tính chuyên chế, quan liêu của Nhà nước, ngăn cản sự lũng đoạn, tham nhũng trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật.

* Từ năm 1975 đến nay

Ngày 30/4/1975 đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta, một dân tộc có chủ quyền, độc lập, tự do. Tuy nhiên, sau chiến tranh, nước ta đối mặt với vô vàn khó khăn: Từ năm 1975 đến 1985 một làn sóng người Việt di cư sang Mỹ, phương Tây và các miền đất mới. Kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước…đều trở nên kiệt quệ. Thời kỳ bao cấp cứng nhắc đã kéo tụt đất nước vốn đã đói nghèo xuống hầm sâu của sự bế tắc... Trong thời kỳ này, dường như việc xây dựng một cuộc sống ổn định còn

là điều mơ ước của triệu triệu người dân, huống chi nói đến việc xây dựng lối sống theo pháp luật.

Phải đến năm 1986, khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra, chúng ta mới có hướng đi mới cho dân tộc. Bởi đây là Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 đã đáp ứng thực tế yêu cầu của cuộc sống và sự vận động khách quan của quy luật kinh tế - xã hội đất nước ta lúc bấy giờ. Và cũng từ đây, việc xây dựng hệ thống pháp luật, hay xây dựng ý thức pháp luật, xây dựng lối sống theo pháp luật mới thực sự có con đường rõ ràng. Đó là xây dựng pháp luật cũng như xây dựng ý thức pháp luật, xây dựng lối sống theo pháp luật trên cơ sở xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ đó, liên tục công cuộc xây dựng pháp luật nói chung, xây dựng lối sống theo pháp luật nói riêng đã được nêu ra trong các nghị quyết của Đảng, trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác của nhà nước. Điển hình là khẳng định tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994: "Tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất và công bằng" [24, tr. 369]. Và trên thực tế, hai từ "pháp luật" đã ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tiềm thức của người dân. Việc học tập, lao động, đến việc sinh hoạt hàng ngày… trong bất cứ lĩnh vực nào dù lớn hay nhỏ cũng đều được pháp luật vạch ra những hành lang pháp lý cho mỗi công dân, mỗi cơ quan, tổ chức đoàn thể thực hiện.

Tuy nhiên, thực sự pháp luật đã đi vào cuộc sống của mỗi chúng ta như một thói quen, một "lối sống theo pháp luật" hay chưa? Chúng ta sẽ có câu trả lời trong phần tiếp theo về thực trạng lối sống theo pháp luật trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)