Chính trị là toàn bộ các yếu tố tạo nên đời sống chính trị của xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, bao gồm môi trường chính trị, hệ thống các
chuẩn mực chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và quá trình tổ chức thực hiện chúng; các quan hệ chính trị và ý thức chính trị; hoạt động của hệ thống chính trị; cùng với đó là nền dân chủ xã hội và bầu không khí chính trị - xã hội. Yếu tố chính trị có ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc thực hiện lối sống theo pháp luật của các chủ thể pháp luật, đặc biệt là các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật.
Môi trường chính trị - xã hội của đất nước ta trong những năm qua luôn ổn định, phát triển bền vững chính là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển lối sống theo pháp luật, vì nó củng cố ý thức và niềm tin chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, gia tăng lập trường chính trị - tư tưởng của các cá nhân có thẩm quyền áp dụng pháp luật.
Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng có ảnh hưởng rất quan trọng tới việc định hướng, xây dựng lối sống theo pháp luật. Ở nước ta, sự vận hành của hệ thống pháp luật trên các phương diện xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng, muốn xây dựng được một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh vận hành trên cơ sở các nguyên tắc, quy định của pháp luật thì vấn đề thực hiện pháp luật một cách nhất quán, nghiêm minh từ phía cán bộ, đảng viên và nhân dân phải luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Muốn cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc thì cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước, gương mẫu thực hiện và có "năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường đối của Đảng, pháp luật của nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân" [9, tr. 84-85]. Chính vì vậy, Đảng ta luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát đối với các mặt hoạt động của pháp luật, trong đó có xây dựng, củng cố, phát triển lối sống theo pháp luật.
Vấn đề xây dựng và nâng cao ý thức và lối sống theo pháp luật là một vấn đề quan trọng trong chiến lược con người của Đảng và Nhà nước ta. Từ
chiến lược này, chúng ta mới có cơ sở đầu tiên để tiến hành quá trình xây dựng lối sống theo pháp luật. Khi đề cập đến việc xây dựng lối sống theo pháp luật, chúng ta không thể không quan tâm đến quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, cùng thực trạng nhận thức của nhân dân ta về các quyền và nghĩa vụ của mình. Bởi vì quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người và nhận thức của nhân dân ta về quyền và nghĩa vụ của mình ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức và lối sống theo pháp luật của chính bản thân người dân. Khi nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, muốn thực hiện các quyền và nghĩa vụ này, người dân cần phải biết được phương tiện hay cơ chế nào có hiệu quả hơn. Từ việc đánh giá vai trò của các cơ chế và mối quan hệ giữa cơ chế pháp lý bảo vệ quyền con người với ý thức và lối sống theo pháp luật, người dân có thể dần dần nhận thức được về lối sống theo pháp luật và tầm quan trọng của việc xây dựng lối sống theo pháp luật.
Ý thức chính trị cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xây dựng lối sống theo pháp luật. Ý thức chính trị, thể hiện, trước hết, ở việc các chủ thể có chức năng áp dụng pháp luật quán triệt, thấm nhuần nhiệm vụ chính trị của mình, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Điều đó sẽ giúp cho quá trình xây dựng lối sống theo pháp luật thực sự đạt được chất lượng, hiệu quả cao, khơi dậy ý thức, trách nhiệm chính trị của các chủ thể khác trong lối sống theo pháp luật.
Tính chất, mức độ của nền dân chủ xã hội cũng có ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động xây dựng lối sống theo pháp luật. Trong điều kiện xã hội có nền dân chủ rộng rãi, thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều, các tầng lớp xã hội có thể thẳng thắn, công khai, cởi mở bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng của mình đối với các vấn đề pháp luật và các cơ quan pháp luật, sẵn sàng sử dụng quyền chủ thể của mình trong thực hiện pháp luật hoặc yêu cầu các cơ quan pháp luật trợ giúp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.