Lối sống theo pháp luật chịu sự chi phối ảnh hưởng của rất nhiều các nhân tố khác nhau, trong đó có các nhân tố cơ bản như:
+ Ảnh hưởng của ý thức pháp luật đến lối sống theo pháp luật
Ý thức pháp luật bao gồm hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật - đó là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm khoa học về pháp luật, là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật, trong đó có cả cán bộ nhân viên Nhà nước, tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là của cán bộ nhân viên các cơ quan có chức năng trực tiếp thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật. Ý thức pháp luật còn là thái độ đối với pháp luật, ý thức tôn trọng hay coi thường pháp luật; đó là thái độ đối với những hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội.
Và theo quan điểm thông thường, ý thức pháp luật được hiểu một cách đơn giản, gắn liền với một trong những biểu hiện cụ thể của nó, như ý thức chấp hành pháp luật của một cá nhân hay tập thể nào đó, phản ứng của con người trước một sự kiện pháp lý, thái độ của người dân đối với văn bản pháp quy… Thước đo trình độ ý thức pháp luật của một đối tượng cụ thể trong xã hội phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà chủ thể bộc lộ ra trong quá trình tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật. Tuy còn đơn giản, cảm tính, song cách hiểu này góp phần quan trọng vào việc điều chỉnh hành vi pháp luật của các cá nhân trong xã hội.
Ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình tồn tại và hình thành các giá trị. Theo đó:
- Ý thức pháp luật là nền tảng của lối sống theo pháp luật. Ý thức pháp luật được hình thành ở mỗi cá nhân trên cơ sở sự hiểu biết về pháp luật và thái
độ tâm lý của con người đó đối với pháp luật và các hành vi pháp luật trên thực tế. Con người ta, nếu mất ý thức sẽ không thể có ý thức pháp luật và dĩ nhiên không thể hình thành một lối sống theo pháp luật được.
Thực trạng của ý thức pháp luật phản ánh mức độ, trạng thái của lối sống theo pháp luật. Trước hết phải khẳng định, không phải bao giờ ý thức pháp luật cũng luôn luôn tỷ lệ thuận với lối sống theo pháp luật. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác cũng cần nhận thấy là không thể có một lối sống theo pháp luật với mức độ cao nếu trạng thái ý thức pháp luật còn thấp. Tất cả có thể lý giải bởi mỗi yếu tố có tính độc lập tương đối của nó và trong quá trình tồn tại lại chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố khác nữa. Ngay cả quy luật phát triển của ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật bao giờ cũng còn tồn tại đồng hành cả sự mâu thuẫn, cản trở sự phát triển đó. Thực tế cho thấy ngay cả những quốc gia văn minh có trình độ văn hóa pháp lý, trạng thái ý thức pháp luật rất cao cũng còn tồn tại cả những lối sống phi pháp luật thậm chí có cả những hành vi man rợ, phi nhân tính. Như vậy, không thể quy nạp để lấy một nghiệm đúng tuyệt đối các mối quan hệ giữa ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật, nhưng với tính cách là yếu tố nền tảng thì thực trạng của ý thức pháp luật sẽ cho ta một cảm quan, dự báo về mức độ, trạng thái của lối sống theo pháp luật có thể đem lại.
Ý thức pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xác lập, kiểm soát hành vi pháp luật. Nếu như nhận diện lối sống theo pháp luật của con người thông qua hành vi thực tế của chủ thể thì lối sống theo pháp luật được nhận diện thông qua cơ số hành vi pháp lý trên các lĩnh vực mà chủ thể đó thực hiện. Theo đó, sự ảnh hưởng của ý thức pháp luật đối với quá trình xác lập hành vi không phải bao giờ cũng diễn ra theo chiều hướng tích cực. Trong đa số trường hợp, khi ý thức trở thành nhân tố thúc đẩy chủ thể xác lập hành vi hợp pháp, chủ động và kết quả thực tế đạt được đúng với yêu cầu của pháp luật thì đó là quá trình tác động tích cực. Ngược lại, khi ý thức pháp luật là
yếu tố cản trở quá trình hiện thực hóa hành vi hợp pháp của chính chủ thể thì đó là sự tác động tiêu cực. Dĩ nhiên, trong trường hợp này kết quả đem lại không phù hợp với yêu cầu đặt ra của pháp luật, chẳng hạn vi phạm pháp luật. - Thực trạng lối sống theo pháp luật là thước đo của ý thức pháp luật trên thực tế. Như chúng ta đã biết, ý thức là phạm trù bên trong chỉ có thể được hiện thực hóa các nội dung, giá trị thông qua đời sống hiện thực của con người. Theo đó, lối sống được hình thành từ mọi cá nhân, xã hội là hình ảnh hiện thực về ý thức, sự hiểu biết của mỗi con người. Lối sống theo pháp luật chính là yếu tố phản ảnh ý thức pháp luật của từng loại chủ thể trong đời sống pháp lý. Điều này có ý nghĩa nhất định khi nhìn vào thực trạng của đời sống pháp lý nói chung và lối sống theo pháp luật nói riêng, chúng ta có thể đánh giá về thực trạng của ý thức pháp luật ở từng giai đoạn, trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Tóm lại, nội dung của ý thức pháp luật thể hiện trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật, tình cảm, thái độ của con người đối với pháp luật, thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người, trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội dưới môi trường điều chỉnh của pháp luật. "Ý thức pháp luật - đó là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật…, là thái độ đối với pháp luật, ý thức tôn trọng hay coi thường pháp luật, đó là thái độ đối với hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội" [29, tr. 609]. Như vậy, ý thức pháp luật là cơ sở, nền tảng để định hướng và điều tiết hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể; đồng thời là tiền đề để hình thành thói quen "sống và làm việc theo pháp luật" trong xã hội.
+ Ảnh hưởng củapháp luật đến lối sống theo pháp luật.
Bản thân pháp luật nhất là pháp luật hiện hành, là nhân tố ảnh hưởng rõ rệt nhất đến lối sống theo pháp luật. Ảnh hưởng của pháp luật lên lối sống xảy ra theo con đường thiết lập và đưa vào cuộc sống những quy tắc xử sự
cho các thành viên trong xã hội, thiết lập những khuôn mẫu hoạt động sống cho con người trong những tình huống, hoàn cảnh điển hình của các quan hệ xã hội. Quy phạm pháp luật là phương tiện tư vấn cho con người trong các hoạt động xã hội bằng cách thông báo cho họ về sự hợp pháp, không hợp pháp, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của họ, về các hình thức liên hệ tương hỗ trong gia đình, trong tập thể và trong xã hội, về nghĩa vụ giai cấp, nghĩa vụ quốc tế…Do vậy, nếu pháp luật hoàn thiện, phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội thì việc tôn trọng và thực hiện chúng sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn đối với hầu hết các cá nhân và tổ chức trong xã hội.
+ Ảnh hưởng của điều kiện kinh tế đến lối sống theo pháp luật
Phương thức sản xuất thể hiện những hình thức hoạt động của con người, mỗi phương thức sản xuất có thể tạo ra lối sống nói chung và lối sống theo pháp luật khác nhau. Với những phương thức sản xuất mà việc tổ chức lao động và phân phối không cần chặt chẽ, chính xác thì có thể tạo ra lối sống khá tự do. Điều đó dẫn đến yêu cầu tuân thủ pháp luật không cao, xã hội chưa thực sự coi trọng lối sống theo pháp luật và ngược lại.
Điều kiện kinh tế cụ thể của từng cá nhân, của xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống theo pháp luật. Thông thường, con người dành sự quan tâm đầu tiên cho những nhu cầu thiết yếu của mình như ăn, mặc, ở. Khi những nhu cầu đó được đáp ứng thì người ta mới quan tâm đến những vấn đề khác, những vấn đề chung của xã hội. Thực tế chứng minh khi kinh tế phát triển, các điều kiện về cơ sở vật chất đầy đủ thì con người mới có thể học tập, nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật, từ đó mới sống và làm việc theo pháp luật;
+ Ảnh hưởng của các yếu tố điều chỉnh xã hội đến lối sống theo pháp luật
Cùng với pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, các tín điều tôn giáo đều là các yếu tố điều chỉnh xã hội, đều có giá trị điều chỉnh đối với cá nhân và đối với các tình huống khác nhau để làm cho các mối quan hệ xã hội ổn
định và phát triển theo hướng phù hợp với lợi ích của các giai cấp và các nhóm xã hội. Các yếu tố điều chỉnh xã hội khá đa dạng, chúng tồn tại độc lập với khả năng điều chỉnh riêng, vừa đan chéo nhau, vừa bổ sung cho nhau, đôi khi xung đột nhau. Có hai khả năng các yếu tố điều chỉnh xã hội ảnh hưởng đến lối sống theo pháp luật đó là: hỗ trợ lối sống theo pháp luật và ngược lại ngăn trở lối sống theo pháp luật.
+ Ảnh hưởng của lịch sử và truyền thống đến lối sống theo pháp luật. Truyền thống lịch sử của mỗi quốc gia cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến lối sống nói chung và lối sống theo pháp luật nói riêng của công chúng. Đối với Việt Nam, đây lại là nhân tố khá đặc biệt do đặc thù lịch sử dân tộc. Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử Việt Nam cho đến Cách mạng tháng Tám, phần lớn thời gian đó người Việt có thói quen chống đối lại pháp luật. Thói quen này được hình thành trên cơ sở tình yêu quê hương, đất nước nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo tồn văn hóa dân tộc. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước mới xây dựng pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của chiến tranh, nhà nước không thể xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng thời trong suốt thời kỳ bao cấp với yếu tố chủ quan, duy ý trí đã làm cho pháp luật khó đi vào cuộc sống. Chính những điều kiện lịch sử cụ thể đó dẫn đến thực tế là việc hình thành, duy trì lối sống theo pháp luật của người dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.