Về giáo dục văn hóa lối sống

Một phần của tài liệu Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 89 - 92)

Không thể có một xã hội hiện đại nếu một quốc gia có nền dân trí thấp. Sự hiểu biết của con người là tiêu chuẩn đầu tiên khẳng định trình độ phát triển của nhân loại. Việc giáo dục đào tạo vì vậy trở thành quốc sách hàng đầu mà bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển cũng đều phải thừa nhận. Việc thực hiện chính sách giáo dục toàn diện, căn bản ở các cấp học phổ thông, đại học, sau đại học ở tất cả các lĩnh vực sẽ tạo ra một nền dân trí cao có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại mà ở đó mỗi người đều có thể tự ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân trước xã hội. Lối sống theo pháp luật phải được hình thành từ mỗi cá nhân với sự hiểu biết của họ và vì vậy lối sống đó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của mỗi cá nhân trong xã hội. Điều này cũng khẳng định rằng một nền giáo dục quốc dân căn bản và chất lượng là điều kiện vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành phát triển lối sống theo pháp luật.

Cùng với nền giáo dục tốt, nền văn hóa và lối sống cũng là điều kiện môi trường tác động sâu sắc đến việc xây dựng phát triển lối sống theo pháp luật. Các yếu tố văn hóa - lối sống bao giờ cũng thuộc về một môi trường văn hóa - xã hội nhất định và gắn liền với phạm vi không gian - xã hội nhất định, nơi các cá nhân và cộng đồng người tổ chức các hoạt động sống, lao động, sinh hoạt, cùng nhau tạo dựng, thừa nhận và chia sẻ các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng… Với những mặt, những khía cạnh biểu hiện của mình, các yếu tố văn hóa lối sống chính là môi trường, là cái nôi để hình thành và phát triển lối sống theo pháp luật, thể hiện trên các điểm sau:

Sống văn minh thì không thể không có văn hóa. Bởi vì "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội" [9, tr. 55], quan điểm này một mặt nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa nói chung, chỉ rõ tính xuyên suốt, thấm sâu của văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mặt khác đã đề ra phương châm phải gắn kết những vấn đề văn hóa với với đề kinh tế - xã hội trong đó có xây dựng lối sống theo pháp luật trong xã hội. Và hơn nữa, như chúng ta đã biết, lối sống nói chung và lối sống theo pháp luật nói riêng là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa, vì thế xây dựng lối sống theo pháp luật phải trên cơ sở, điều kiện về một môi trường có văn hóa.

Lối sống đô thị và lối sống nông thôn cũng là những điều kiện, môi trường có ảnh hưởng khác nhau tới lối sống theo pháp luật. Đặc trưng nổi bật của lối sống đô thị là tính tích cực chính trị - xã hội ở đô thị tương đối cao. Cư dân đô thị có nhiều điều kiện tiếp xúc với các thông tin chính trị - xã hội và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội lớn mà phần nhiều được tổ chức tại các đô thị. Các phong trào có sức huy động quần chúng ở các đô thị thường diễn ra nhanh hơn so với nông thôn. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì đô thị thường là nơi tập trung nhiều thành phần xã hội có trình độ học vấn tương đối cao, như tầng lớp trí thức, cán bộ, viên chức nhà nước. Tại các thành phố, phạm vi giao tiếp xã hội, về cơ bản, tương đối rộng, cường độ giao tiếp cao và

mang tính ẩn danh trong giao tiếp. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật và hành vi hợp pháp của lối sống theo pháp luật.

Lối sống nông thôn là lối sống mang tính cộng đồng rất cao và rất chặt chẽ, liên kết các thành viên trong làng xã lại với nhau, mỗi người đều hướng tới những người khác. Tính cộng đồng, trước hết, được coi là điều kiện thuận lợi đối với việc xây dựng lối sống theo pháp luật. Bằng ý thức cộng đồng, nó giúp cho các cán bộ pháp luật dễ dàng hơn trong việc phổ biến, tuyên truyền và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo người dân nông thôn. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết giúp cho các cơ quan hành chính, tư pháp hoàn thành tốt các nhiệm vụ thực thi và bảo vệ pháp luật, vì "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Khi truyền thống dân chủ làng xã được phát huy, người dân cởi mở, thẳng thắn tham gia ý kiến về những cái được và cái chưa được trong quá trình xây dựng lối sống theo pháp luật.

Quan hệ dòng họ, thân tộc trong điều kiện xã hội hiện nay, nhất là ở nông thôn cũng là điều kiện ảnh hưởng tốt tới công tác xây dựng lối sống theo pháp luật. Quan hệ họ hàng tạo nên sự đoàn kết nhất trí, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau những lúc khó khăn; quan hệ họ hàng là cơ sở hình thành nên tình cảm quê hương, cội nguồn, có giá trị trong đời sống tinh thần của người dân. Niềm tự hào về truyền thống của dòng họ có thể là nhân tố tích cực thúc đẩy các chủ thể thực hiện pháp luật tích cực, nhiệt tình hơn.

Ngoài ra những điều kiện về địa lý, khí hậu như địa bàn nơi dân cư sinh sống (vùng núi, vùng đồng bằng, thành thị hay vùng sâu, vùng xa…), vùng quá nóng hoặc quá lạnh, thậm chí cả tình hình thiên tai, địch họa cũng có ảnh hưởng tới việc thực hiện lối sống theo pháp luật. Một môi trường tự nhiên thuận lợi cũng là điều kiện tác động tích cực đến việc xây dựng lối sống theo pháp luật. Như vậy:

Nếu thực tiễn áp dụng pháp luật có đủ khả năng "đưa vào cuộc sống" những gì quy phạm định đạt được thì khi đó quy phạm có hiệu quả cao, và ngược lại, nếu thực tiễn có những khiếm khuyết về mặt này hay mặt khác, tỏ ra chưa sẵn sàng cho việc áp dụng quy phạm, thì mức độ khiếm khuyết và mức độ sẵn sàng đó sẽ ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của pháp luật [27, tr. 263].

Một phần của tài liệu Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)