trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và mở cửa, hội nhập quốc tế
Qua hơn 30 năm đổi mới, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các mặt của đời sống, trong đó đời sống pháp luật đã có sự tiến bộ, lối sống theo pháp luật đã từng bước phát triển và đã được ghi nhận. Có thể nhìn nhận những sự thay đổi tích cực của lối sống theo pháp luật trong thời kỳ này qua những nét chính sau:
- Ở cấp độ xây dựng pháp luật, các văn bản pháp luật ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quản lý xã hội. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tiễn mọi mặt của đất nước và có sự tương đồng với luật pháp quốc tế, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân luôn là yêu cầu cấp bách trong các chiến lược phát triển của nhà nước ta. Qua đó, vai trò của pháp luật được đề cao hơn, có sự phân định rõ ràng giữa vai trò định hướng của các văn bản của Đảng và vai trò điều tiết của các văn bản pháp luật. Những nhà hoạch định chính sách đã chú trọng tới việc thể chế các văn bản của Đảng thành pháp luật. Cũng do sự chú trọng tới các văn bản pháp luật mà công tác lập pháp được chú trọng, số lượng các văn bản pháp luật được ban hành nhiều hơn. Nếu tìm trong cơ sở dữ liệu pháp luật thì từ năm 1975 đến 31/11/1986 chỉ có 10 đạo luật, trong đó có Bộ luật Hình sự và các Luật về tổ chức nhà nước, trong khi từ năm 1987 đến 07/12/2010 có thể tìm được 440 văn bản luật được ban hành. Đây chính là cơ sở hiến định quan trọng để từng bước đưa pháp luật vào đời sống nhân dân, hình thành lối sống theo pháp luật. Đồng thời, sự chiếm ưu thế của các văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành chứng tỏ pháp luật đã có vị trí quan trọng hơn trong thời kỳ đổi mới, khẳng định một bước phát triển đáng kể trong lối sống theo pháp luật ở Việt Nam.
- Nhu cầu có một hệ thống pháp luật có chất lượng gắn liền với nhu cầu và khả năng tuân thủ pháp luật của người dân. Sự tuân thủ pháp luật của người dân bây giờ cũng không còn máy móc, thụ động như trước kia mà ngày càng chủ động và có ý thức rõ rệt, thái độ tôn trọng pháp luật ở một mức độ nhất định đã được nâng cao hơn, gắn liền với tình trạng vận dụng pháp luật để lách các quy định pháp luật không phù hợp: Chẳng hạn trong lĩnh vực doanh nghiệp, trước năm 2005, pháp luật không thừa nhận 01 cá nhân có thể thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và để lách quy định này, rất nhiều cá nhân đã nhờ người khác cùng đứng tên với mình để thành lập công ty, thay vì phải thành lập dưới hình thức một doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành thì đã có nhiều công ty do một cá nhân làm chủ được thành lập.
- Mở cửa hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập lối sống theo pháp luật của các nước tiên tiến. Ở những nước có nền kinh tế tiên tiến, có chế độ xã hội ổn định, có hệ thống pháp luật lâu đời thì sống theo pháp luật là lẽ tự nhiên. Khi Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, muốn tồn tại được, chúng ta phải xử sự theo cách mà các nước tiên tiến xử sự. Vậy là, lối sống theo pháp luật của các nước tiên tiến đã được tiếp nhận như một giá trị cần có trong điều kiện mới.
Song, bên cạnh những thành tựu, tiến bộ đã đạt được, lối sống theo pháp luật ở Việt Nam hiện nay vẫn còn có những hạn chế như sau:
- Pháp luật vẫn còn mang nặng ý chí chủ quan của người xây dựng nó và vì thế mà nhiều khi xa rời thực tiễn. Các văn bản pháp luật được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống còn khá nhiều. Có sự không tương xứng giữa mức độ đề cao vai trò của pháp luật trong xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật trên thực tế. Việc ban hành pháp luật nhiều khi không chú ý tới các điều kiện đảm bảo thực thi tương ứng, dẫn đến hậu quả thực thi các quy định là kém. Chẳng hạn, nhận xét về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ở
Việt Nam, GS. David Dapice nhận định "dù rằng người vay có thể có tài sản hoặc khả năng trả nợ nhưng không mấy chắc chắn là họ thực sự sẽ trả hoặc có thể bị bắt buộc phải trả với một mức giá hợp lý". Câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm dưới đây cũng là một ví dụ cho điều này: vào thời điểm năm 1996, khi quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm lần đầu tiên có hiệu lực thì tính thực thi cũng rất thấp bởi khi đó, nền sản xuất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trang bị mũ bảo hiểm cho tất cả người dân. Với những trường hợp tương tự như vậy, tác động điều chỉnh của các quy định pháp luật sẽ bị suy giảm đáng kể.
- Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật còn hạn chế. Ở một bình diện rộng, người dân chưa có thái độ tích cực trong việc sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Việc thực thi pháp luật còn nửa vời, còn thỏa hiệp, chưa thực sự nghiêm minh, mang tính vận động theo hướng có lợi cho lợi ích cục bộ, cá nhân, làm méo mó vai trò của pháp luật và pháp luật không đạt được mục tiêu điều chỉnh của mình. Hiện tượng "phạt cho tồn tại" trong lĩnh vực xây dựng có thể là minh chứng cho điều này.
- Trong khi các quy định pháp luật được ban hành tương đối nhiều và vẫn tiếp tục được ban hành thì việc tuân thủ pháp luật lại chưa thực sự được đưa vào hệ thống giá trị chung mang tính phổ biến: chưa tạo ra một thái độ phản kháng đối với các hành vi vi phạm pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật được đánh giá không phải thông qua mức độ vi phạm mà được đánh giá qua mức độ hậu quả gây ra. Thói quen tuân thủ pháp luật chưa thực sự hình thành. Mặc dù câu khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" đã xuất hiện từ lâu song chưa thực sự đi vào đời sống. Dường như để thực hiện một quy định điều chỉnh hành vi của tất cả những người dân trong xã hội thì luôn cần phải có sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của tất cả các cơ quan quản lý và sự phối hợp tuyên truyền của báo chí để quy định đó đi vào được cuộc sống. Thực tế về việc các nhà quản lý Việt Nam đã mất hơn
mười năm để đưa quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đi vào cuộc sống là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Nếu như tất cả những quy định pháp luật đều đòi hỏi những nỗ lực to lớn như thế để đưa nó vào cuộc sống thì sẽ làm tăng chi phí thời gian và tiền bạc cho việc thực thi pháp luật, từ đó hạn chế nguồn lực cho các yêu cầu phát triển khác. Có thể nói việc thiếu vắng thói quen tự giác tuân thủ pháp luật là một cản trở cho việc xây dựng lối sống theo pháp luật thời kỳ đổi mới.
Tình trạng giao thông hỗn loạn, nhức nhối ở Việt Nam là một minh chứng sâu sắc cho sự thiếu vắng thói quen tự giác tuân thủ pháp luật làm cản trở cho việc xây dựng lối sống theo pháp luật. Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông có diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều gia đình và xã hội, năm 2010 số người chết vì tai nạn giao thông đã lên đến 31 người/ngày, cao hơn nhiều lần các vụ khủng bố đẫm báo trên thế giới. Đến đâu, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những hành vi vi phạm pháp luật giao thông, tác phong tuỳ tiện khi tham gia giao thông; sự vô nguyên tắc, vượt quá tốc độ đối với người điều khiển phương tiện giao thông, tâm lý "lách luật" để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông hay các lực lượng chức năng khác. Tại các khu vực tổ chức lễ hội, các khu vui chơi giải trí hay các khu vực đền, chùa, nhiều người vẫn sẵn sàng bất chấp tất cả để tranh nhau chen lên phía trước khi tham gia giao thông. Nếu đường có hơi ùn tắc lại một chút thì người đi sau sẽ nhao nhao thúc giục người đi trước, ô tô lấn đường xe máy, xe máy lấn đường xe đạp, đi lên hành lang, vỉa hè hay quay đầu tạt ngang cướp đường ô tô... Người này ngăn cản đường đi của người khác và rồi chính sự nóng vội đó đã khiến đường đã ùn lại thêm tắc chỉ trong chốc lát. Không những thế, tại một số tuyến đường, đâu đó vẫn còn tình trạng người đi bộ tuỳ tiện "lưu thông" dưới lòng lề đường hay các phương tiện giao thông mạnh ai nấy đi, không tuân theo luật, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ và vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa sử dụng điện thoại di động... Ngoài ra, cũng
còn phải kể đến tình trạng cố tình lấn chiếm lòng lề đường làm nơi phơi hàng hoá nông sản, để vật liệu xây dựng, và nguy hiểm hơn cả là tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, trao đổi hàng hoá…
Tất cả những hình ảnh trên là hình ảnh không đẹp về bộ mặt giao thông của Việt Nam, dưới con mắt của những du khách nước ngoài thì giao thông Việt Nam như là "trò mạo hiểm chết người". Đó cũng là những hành vi thiếu văn hoá cần phải được toàn xã hội chung sức nhanh chóng loại bỏ, để từ đó xây dựng một môi trường văn hóa pháp luật giao thông với các giá trị chân, thiện, mỹ, ích.
Mặc dù tiến trình đổi mới cùng với việc phát huy dân chủ đã làm dần hình thành nên thói quen hành xử theo các quy định của pháp luật và bảo vệ mình bằng các quy định pháp luật nhưng khía cạnh thứ hai này được thực hiện khá rụt rè, ít nhất là khi hành xử đối với các cơ quan công quyền. Điều này thể hiện ở một thực tế là: người dân, doanh nghiệp khi có vướng mắc với cơ quan công quyền thì thường sử dụng những biện pháp mềm dẻo, thậm chí "lót tay" với tiêu chí được việc thay vì đấu tranh đến cùng để làm rõ ai sai, ai đúng. Lý do, bên cạnh vì muốn được việc còn vì người ta không biết mình đúng, sai đến đâu (thể hiện nhận thức về pháp luật chưa cao và còn ngại sự tùy tiện của người thi hành công vụ). Đôi khi, sự thỏa hiệp mang đến lợi ích cho cả hai bên, và không ai băn khoăn về việc tính nghiêm minh của pháp luật, hay lợi ích của nhà nước, hay sự uy nghiêm của cơ quan công quyền, và sâu hơn đó là những giá trị của lối sống theo pháp luật đang bị xâm hại.
- Những ứng xử thiếu minh bạch và không thể tiên liệu trước của những người áp dụng pháp luật làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đầu tư. Pháp luật, một khi đã được ban hành, vẫn chưa thực sự trở thành một yếu tố mang tính khách quan mà vẫn còn phụ thuộc vào người áp dụng nó: dẫn đến việc rất khó khăn để có thể tiên liệu trước được hành động của nhà chức trách, đây là một hiện tượng rất nguy hiểm và là cơ hội cho tham nhũng
và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Chuẩn mực pháp luật được đánh giá thông qua chính các quy định mà qua người có thẩm quyền là một hiện tượng vẫn còn phổ biến trong xã hội, thể hiện qua những biến thể đa dạng của nó như hiện tượng chạy tội vẫn còn phổ biến và in khá sâu vào ý thức một bộ phận lớn nhân dân; sự phổ biến của tình trạng khiếu nại vượt cấp, một phần do người dân không tin tưởng vào cơ quan cấp dưới khi áp dụng pháp luật, một phần vì niềm tin rằng phải bằng sức mạnh của người có thẩm quyền tối cao thì mới giải quyết được, thay vì hiểu rằng các quy định pháp luật ràng buộc các cơ quan có thẩm quyền như nhau và đối với một sự việc thì việc áp dụng đúng pháp luật sẽ có hiệu lực đối với tất cả các cơ quan nhà nước, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất; hay trong các tình huống áp dụng pháp luật cụ thể mà có các cách hiểu pháp luật khác nhau thì người dân, doanh nghiệp bao giờ cũng phải chấp nhận cách giải thích của người áp dụng pháp luật.
- Tồn tại trong xã hội rằng pháp luật không đáng sợ bằng chính những con người có thẩm quyền thừa hành nó, nhất là khi tư tưởng: người dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì luật không cấm chưa được người dân tận dụng một cách triệt để và chính những người thi hành công vụ cũng chưa thực sự thấm nhuần nguyên tắc này. Chính vì vậy, việc sử dụng pháp luật để bảo vệ mình chưa mang tính phổ biến và chưa trở thành cách thức ứng xử của người dân; không tin tưởng hiệu quả của pháp luật bằng những người thi hành pháp luật, dẫn đến sự hành xử tùy tiện của người có thẩm quyền, pháp luật không được chú ý hoàn thiện và hạn chế khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người dân; phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người thi hành pháp luật, hiện tượng khiếu nại vượt cấp …
- Còn tồn tại tư tưởng chưa coi pháp luật như tài sản chung của xã hội. Đã có thời người dân muốn thi hành pháp luật cũng không biết tìm văn bản ở đâu. Chỉ sau khi thực hiện các yêu cầu về minh bạch hóa chính sách của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tình trạng này mới được khắc phục.
- Tâm lý chủ quan khi ứng xử với pháp luật là tình trạng phổ biến và điều này đã tạo ra những cú sốc pháp lý đối với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế mà điển hình là vụ Hàng không Việt Nam bị kiện tại Italia; vụ một huấn luyện viên nước ngoài kiện đòi bồi thường hợp đồng; vụ kiện cá ba sa tại Mỹ v.v...
- Tâm lý đám đông dường như đang là yếu tố chi phối cách ứng xử với pháp luật của một bộ phận lớn dân cư. Việc thực hiện một quy định pháp luật nhiều khi còn phụ thuộc vào việc nhìn xem người khác có tuân thủ hay không. Trong trường hợp một hành vi vi phạm pháp luật được nhìn thấy mà không mang lại hậu quả pháp lý gì thì thực tế là sẽ có nhiều người vi phạm theo.
- Một bộ phận nhỏ dân cư trên thực tế vẫn còn tồn tại tư tưởng lợi dụng pháp luật, chống đối pháp luật và sống không tuân theo pháp luật. Có thể thấy rất rõ tình trạng này qua hàng loạt các vụ tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn mưu lợi cho bản thân xảy ra những năm gần đây như vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ - nguyên Giám đốc Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt hồi tháng 2 năm 2009 về tội nhận hối lộ; vụ ông Vũ Ngọc Sơn - nguyên Trung tá cảnh sát Phòng PC17 công an Quảng Ninh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và làm môi giới hối lộ bị phát hiện hồi đầu năm 2010. Tư tưởng chống đối pháp luật, sống không tuân theo pháp luật cho thấy sự không thiện cảm với pháp luật của một số đối tượng, họ