2.3.3.1. Nguyên nhân chủ quan
Trình độ phân tích của cán bộ thẩm định chưa toàn diện. Khả năng phân tích kỹ thuật của dự án và phân tích thị trường của cán bộ tín dụng còn hạn chế. Việc đánh giá khả năng cạnh tranh, khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án trên thị trường liên quan đến nhiều khía cạnh, đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp, dự đoán nhạy bén của cán bộ tín dụng.
Công tác phân tích tình hình tài chính của đơn vị vay vốn chưa được coi trọng. Phân tích tính khả thi của dự án chủ yếu dựa vào kết quả phân tích đánh giá trên phương diện kinh tế tài chính của dự án nhưng nguồn số liệu, cơ sở để phân tích chủ yếu được lấy từ các báo cáo của đơn vị vay vốn gửi tới với độ tin cậy không cao, chưa được xác nhận của cơ quan kiểm toán.
Ngân hàng chưa coi trọng công tác marketing ngân hàng. Các thông tin về thị trường và khách hàng còn thiếu và chưa thường xuyên. Ngân hàng chưa có các biện pháp tích cực để lôi kéo khách hàng, đôi khi còn quá tin tưởng vào các khách hàng quen mà quên rằng nếu họ luôn được các ngân hàng khác chào mời thì ngân hàng có thể mất khách.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tài bảo đảm thiếu chính xác, nhiều tài sản bảo đảm không đủ cơ sở pháp lí để phát mại, gây thêm tổn thất cho ngân hàng khi phải thu tận nợ từ xử lí tài sản bảo đảm.
Công tác kiểm tra sau khi cho vay không thường xuyên, cũng mang tính hình thức nên không kịp thời phát hiện được tình trạng khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, có nguy cơ làm tăng nợ xấu của ngân hàng.
Hệ thống phần mềm hiện đại mà chi nhánh hiện đang sử dụng còn chưa ổn định, nhiều nghiệp vụ thực hiện trên máy bị báo lỗi, cần được hoàn thiện hơn để phát huy hiệu quả quản trị rủi ro đối với hoạt động tín dụng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của chi nhánh còn hạn chế do thiếu cán bộ và thiếu thông tin. Do vậy, bộ phận này chưa phân tích đầy đủ và kịp thời tình hình hoạt động tín dụng của chi nhánh để cảnh báo sớm những biểu hiện mất an toàn trong cho vay.
2.3.3.2. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, môi trường kinh tế Việt Nam ba năm qua có nhiều diễn biến bất
lợi đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, thị trường tín dụng những tháng đầu năm 2010 tương đối yên ả. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường tiền tệ những tháng cuối năm do tình hình kinh tế có nhiều biến động mà đỉnh cao là cơn sốt đua lãi suất đã khiến ngành ngân hàng rơi vào cảnh ngồi ghế nóng trong năm 2010, biểu hiện cụ thể là diễn biến lãi suất trong 2 tháng cuối năm 2010 lại khá căng thẳng, nhận được sự quan tâm của dư luận và gây ra nhiều phản ứng mạnh trong chính các ngân hàng khiến cơ quan nhà nước phải nhanh tay để bình ổn. Vì vậy, để dập tắt cơn sốt nóng trong việc huy động tiền gửi, chỉ trong 3 ngày giữa tháng 12/2010 Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra 15.000 tỷ đồng để bình ổn thị trường. Việc thắt chặt hơn đối với cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng cũng như mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2010 ở mức 25% đã khiến thị trường ngân hàng trong năm qua không bị tăng trưởng quá nóng và nợ xấu cũng ở mức độ vừa phải. Đến năm 2012, kinh tế toàn thế giới vẫn chịu sự ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng, kinh tế trong nước mặc dù có những điểm sáng như lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá hối đoái ổn định,… nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít những khó khăn không ngừng gia tăng do hệ lụy kéo dài từ những năm
vừa qua.
Thứ hai, biến động giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế làm tăng
chi phí đầu vào của những doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như ngành sản xuất thép, một trong những ngành có tỉ trọng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ của chi nhánh. Các doanh nghiệp này cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới thâm nhập vào thị trường khi nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới. Những doanh nghiệp này gặp rủi ro kéo theo rủi ro tín dụng cho ngân hàng, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng khi cho các doanh nghiệp này vay vốn.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước chưa đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin
giữa các ngân hàng, chưa đưa ra được cơ chế hiệu lực để đảm bảo tính chính xác, kịp thời và đầy đủ về thông tin tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Hoạt động của trung tâm CIC hiện tại chưa hiệu quả.
Thứ tư, nhiều khách hàng của ngân hàng hiện nay là các doanh nghiệp nhà
nước có trình độ quản lí kinh doanh hạn chế, hoạt động không hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán, do vậy tăng khả năng ngân hàng bị mất vốn không thu hồi được.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đã đánh giá được thực trạng chất lượng tín dụng đối với DNVVN tại chi nhánh để thấy được những kết quả mà ngân hàng đã đạt được đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, và nhận định một số nguyên nhân gây nên những tồn tại đó. Những nhận xét được đưa ra ở chương 2 sẽ làm căn cứ để chuyên đề đưa ra những biện pháp khắc phục trong chương 3, nhằm tạo điều kiện cho các DNVVN được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn mà ngân hàng vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng của chi nhánh mình.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DNVVN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM