Về thái độ

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện từ thực tiễn Cà Mau (Luận văn Thạc sỹ hành chính công năm 2012) (Trang 59)

4 Lập kế hoạch công tác cá nhân

2.2.3.Về thái độ

Thái độ của công chức đã được quy định trong quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ. Chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện đầy đủ và đúng quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Khi giải quyết yêu cầu công việc của tổ chức công dân phải hướng dẫn công khai, giải quyết đúng quy trình, đúng luật, đúng thời gian quy định ;trong quan hệ xã hội khi tham gia các hoạt động xã hội phải thể hiện văn minh lịch sự trong giao tiếp, ứng xử để người dân tin yêu; phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân tham gia vào các hoạt động thuộc lĩnh vực mình được giao đúng quy định của pháp luật và có trách nhiệm phát hiện, thông báo với cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Đội ngũ công chức trong các cơ quan hành chính cấp huyện tỉnh Cà Mau nhìn chung có ý thức trách nhiệm với công việc của mình, bước đầu có thay đổi trong thái độ tiếp dân. Theo ý kiến của người dân được ghi nhận qua sổ góp ý của các cơ quan, đơn vị thì thái độ phục vụ của công chức hiện nay đã cải thiện nhiều so với trước đây, hướng dẫn xử lý thủ tục hành chính tận tình, hòa nhã, vui vẻ.

Tuy nhiên, tại một số cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện vẫn còn những hạn chế về thái độ của công chức. Nhiều công dân ngại khi đến chính quyền một phần do thái độ của công chức lẫn người làm bảo vệ có những phát ngôn với bộ mặt lạnh lùng như: “Có việc gì không?”, “Đi đâu đấy?”, “Đến có việc gì?”. Tại sao chúng ta không bắt đầu một cuộc tiếp dân bằng câu chào và

hỏi xem có giúp được gì hay không thay vì những câu nói trên. Nếu chúng ta chỉ thay câu hỏi “Có việc gì không?” bằng câu “Tôi có thể giúp gì anh/chị?” thì hiệu quả sẽ rất khác.

Thái độ, tinh thần phục vụ của một bộ phận công chức thường thể hiện mang vẻ kẻ cả, ban ơn, xin - cho, vô cảm. Trong giao tiếp hành chính, họ ít thể hiện sự niềm nở, bình đẳng mà thường hạch họe, quan trọng hóa, đòi hỏi gây khó khăn. Trong khi đó, kết quả làm việc thường chậm, lần lữa, hẹn nhưng chưa làm. Đặc biệt nhiều cán bộ công chức tại bộ phận làm việc theo cơ chế "một cửa" thường có thái độ cư xử không mấy thân thiện với người dân.

Một số nơi công chức chấp hành thời gian làm việc, thực hiện các quy chế văn hóa công sở chưa tốt. Chất lượng công chức quyết định chất lượng công vụ. Bằng cấp, kỹ năng, trình độ có thể nâng cấp, đào tạo lại, nhưng “khó đào tạo” là thái độ, tinh thần trách nhiệm. Dù đã có tiến bộ, nhưng quả thật cải cách hành chính chưa “chạy” theo kịp tốc độ phát triển kinh tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện từ thực tiễn Cà Mau (Luận văn Thạc sỹ hành chính công năm 2012) (Trang 59)