Môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến Môi trường làm việc

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện từ thực tiễn Cà Mau (Luận văn Thạc sỹ hành chính công năm 2012) (Trang 30)

Môi trường làm việc

Môi trường làm việc đối với cán bộ, công chức (được tiếp cận là môi trường bên trong) bao gồm: cơ sở vật chất, tinh thần, chế độ chính sách, mối quan hệ giữa lãnh đạo đối với nhân viên và giữa nhân viên với nhân viên… trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Môi trường làm việc tốt là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cán bộ, công chức cũng như quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong môi trường làm việc cần đặc biệt chú ý tới công tác quản lý. Công tác quản lý công chức từ việc tuyển dụng, bố trí công chức phù hợp với đặc điểm, tính chất và yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; sự minh bạch trong phân công nhiệm vụ; đánh giá đúng thực chất trong quá trình sử dụng với các tiêu chí đánh giá phù hợp, rõ ràng gắn với chức trách nhiệm vụ và kết quả hoàn thành công việc; quản lý đào tạo, bồi dưỡng đúng mục tiêu, yêu cầu,

cách thức, phù hợp với từng loại công chức; quản lý việc khen thưởng, kỷ luật để giúp công chức thấy hứng thú với công việc được giao và phát huy hết được khả năng của mình; quản lý việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn của từng công chức… Tất cả hoạt động quản lý công chức trên đều cho thấy ảnh hưởng tới năng lực thực thi công vụ của công chức. Quản lý tốt thì sẽ phát huy cao năng lực của mỗi công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Quản lý không tốt sẽ gây trở ngại, không tạo được động lực khuyến khích công chức đề cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác.

Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý đến vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả năng lực cá nhân của công chức. Trang bị kiến thức kỹ năng quản lý hành chính nhà nước chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để nâng cao năng lực quản lý hành chính nhà nước của đội ngũ công chức. Có nhiều trường hợp cán bộ, công chức làm việc kém không phải vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng mà vì thiếu môi trường, thiếu điều kiện, động cơ làm việc.

Cá nhân công chức nếu được đặt không đúng vị trí, công việc được giao không cho phép họ phát huy đúng mức khả năng, không có cơ hội để thể hiện thì năng lực của họ sẽ dần bị mai một.

Vì vậy, để phát huy được cao nhất năng lực của đội ngũ công chức trong cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện thì cần phải tạo môi trường, điều kiện tốt và phù hợp. Những điều kiện đó phụ thuộc vào việc quy hoạch, sử dụng, ưu đãi công chức. Khi người công chức toàn tâm, toàn ý phục vụ công việc thì những kiến thức, kỹ năng của họ mới phát huy tối đa tác dụng, đạt được hiệu quả mong muốn của cơ quan, người sử dụng công chức.

Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực chung của tập thể cơ quan hành chính nhà nước. Năng lực cá nhân được phát huy cao trong điều kiện môi trường làm việc tốt mà ở đây chính là tập thể cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện nói riêng. Năng lực của

tập thể dựa trên nền tảng của năng lực cá nhân nhưng muốn tổ chức hoạt động tốt thì cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ, tinh thần trách nhiệm cao của nhiều thành viên trong đó.

Hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước phần lớn phụ thuộc vào năng lực chung của tập thể cơ quan. Một thành viên không thể hoàn thành nhiệm vụ chung của cả tổ chức cho dù cá nhân đó có năng lực tốt mà phải cần nhiều thành viên trong tập thể. Do vậy việc nâng cao năng lực cho mỗi thành viên là điều rất quan trọng để tổ chức đó phát triển.

Như vậy, hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại các cơ quan hành chính nhà nước phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ công chức. Đội ngũ công chức trong cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương. Năng lực của đội ngũ công chức cấp huyện không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước hành chính trên địa bàn cấp huyện mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống, đặc biệt là cấp xã – cấp chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp huyện.

Năng lực thực thi công vụ của công chức muốn phát huy hiệu quả bên cạnh các yêu cầu nắm vững kiến thức chuyên môn, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có thái độ đối với nghề thì cũng cần phải chú ý đến môi trường làm việc. Môi trường làm việc tốt sẽ tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong tổ chức phát huy cao nhất năng lực thực thi công việc của mình.

Năng lực của tập thể cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp huyện là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương. Vì vậy tổ chức đó phải biết tập hợp, khai thác, phát huy năng lực của mỗi cá nhân và hướng các cá nhân theo mục tiêu chung của tổ chức. Năng lực thực thi công vụ của mỗi thành viên là nền tảng trong hoạt động quản lý hành chính của cơ quan đó nhưng đều phải nhằm tới mục tiêu chung là hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.

Thực tế cho thấy không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị có môi trường làm việc không tốt dẫn đến những hậu quả có thể nhìn thấy được như: chất lượng, hiệu quả làm việc kém; mất đoàn kết; thậm chí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực xin thôi việc hoặc chuyển công tác…

Để xây dựng một môi trường làm việc tốt, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là đối với người phụ trách phải xác định đây là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu song song với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Cơ hội thăng tiến

Năng lực của công chức trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước chịu tác động rất lớn của những cơ hội thăng tiến. Đó có thể là thăng tiến trong một ngạch lương, đề bạt từ ngạch thấp đến ngạch cao đòi hỏi thông qua các kỳ thi tuyển, thăng tiến trong một chức vụ chuyên môn, chính trị... Những cơ hội thăng tiến này cũng là yếu tố thúc đẩy công chức nâng cao trình độ chuyên môn của mình để đạt tới chuẩn để thăng tiến trong công việc.

Tuy nhiên khi xét theo ngạch cũng có những hạn chế là những công chức công tác lâu năm thì được đề bạt do đã đủ các yếu tố nhưng với những công chức trẻ khi họ có những sáng tạo mang tính đột phá, làm lợi cho đơn vị thì cũng nên tạo điều kiện cơ hội thăng tiến để họ cống hiến và phát huy năng lực cao nhất trong quá trình thực thi công vụ. Đây cũng là yếu tố khuyến khích các công chức trẻ tích cực hơn nữa trong công tác.

Để nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cần sử dụng các biện pháp liên quan đến cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và sử dụng các biện pháp ghi nhận và tôn vinh đóp góp của công chức giỏi sẽ hiệu quả hơn là giữ chân công chức giỏi với các biện pháp liên quan đến lương thưởng và đãi ngộ.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện từ thực tiễn Cà Mau (Luận văn Thạc sỹ hành chính công năm 2012) (Trang 30)