Đặc điểm của thừa kế quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 29)

Tìm hiểu về thừa kế quyền sử dụng đất cho thấy dạng thừa kế này mang một số đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cũng giống như thừa kế các tài sản khác, thừa kế quyền sử

dụng đất bao giờ cũng gắn liền với một sự kiện pháp lý, đó là người sử dụng đất chết. Điều này có nghĩa là thừa kế quyền sử dụng đất chỉ đặt ra khi người có quyền sử dụng đất chết;

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của chế độ sở hữu đất đai ở nước ta: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy trong trường hợp này, di sản để lại thừa kế không phải là đất đai (vật) mà là quyền sử dụng đất (quyền sử dụng vật hay còn gọi là vật quyền). Hơn nữa, do tính chất đặc thù của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nên việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất không chỉ tuân theo các quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2005 mà còn phải phù hợp với các quy định của pháp luật đất đai được đề cập tại khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai năm 2003.

Thứ hai, thừa kế quyền sử dụng đất là trường hợp đặc biệt của

chuyển quyền sử dụng đất. Tính đặc biệt này thể hiện ở các khía cạnh sau: - Việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho người khác luôn gắn liền với một sự kiện pháp lý là người có quyền sử dụng đất chết;

- Người nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất không phải nộp bất kỳ một khoản tiền nào cho người có quyền sử dụng đất chuyển giao cho mình;

- Sự chuyển dịch quyền sử dụng đất trong trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện trong phạm vi và đối tượng hẹp; đó là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng hoặc có nghĩa vụ kinh tế trực tiếp với nhau.

Thứ ba, không phải bất cứ chủ thể sử dụng đất nào cũng có quyền để

thừa kế quyền sử dụng đất mà chỉ các chủ thể sau đây mới được pháp luật cho hưởng quyền năng này:

- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê;

- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01/07/2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành) mà đã trả tiền

thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là 5 năm;

- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không thu tiền sử dụng đất sang đất có thu tiền sử dụng đất;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Thứ tư, bên cạnh việc tuân thủ các quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2005, thừa kế quyền sử dụng đất còn phải thực hiện đúng các quy định tại khoản 1 Điều 106, Điều 129 Luật Đất đai năm 2003. Hơn nữa, người được thừa kế quyền sử dụng đất không được tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất.

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 29)