Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc áp dụng các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất tại tỉnh Hà Nam

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 62)

các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất tại tỉnh Hà Nam

Nghiên cứu, tìm hiểu về việc áp dụng các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất tại tỉnh Hà Nam cho thấy những tồn tại, hạn chế của công tác này bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm xác lập

cơ sở pháp lý để người sử dụng đất thực hiện các quyền sử dụng đất nói chung và quyền thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng tiến hành rất chậm là do: Một là, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt là ở cấp xã; hai là, sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương với ngành tài nguyên và môi trường trong việc đo vẽ, lập hồ sơ địa chính làm căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp; ba là, công tác đo đạc, xây dựng phương án lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đủ có kinh phí để thực hiện. Mặt khác, thực tế có rất nhiều trường hợp không thu được tiền của dân nên không có đủ kinh phí để hoàn thiện hồ sơ địa chính. Nhiều xã trước đây đã bán đất hoặc giao đất trái thẩm quyền nên khi lập phương án đo vẽ, xây dựng hồ sơ địa chính sợ bị phát hiện, xử lý nên tìm cách né tránh.

Thứ hai, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao

trình độ hiểu biết cho người dân về các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất còn bộ lộ một số tồn tại, hạn chế là do những nguyên nhân như: (i) Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn yếu về năng lực, trình độ chuyên môn; đặc biệt nhiều báo cáo viên ở cấp cơ sở chưa được đào tạo về kiến thức pháp luật. Họ thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm việc của bản thân hoặc qua việc tự nghiên cứu; (ii) Việc phân bổ kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện tản mát, không tập trung theo đầu mối thống nhất. Các địa phương đều sử dụng

kinh phí trích từ nguồn ngân sách của đơn vị để thực hiện. Do sự hạn chế về kinh phí nên việc chuẩn bị tài liệu, xây dựng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng còn sơ sài, nghèo nàn; hình thức tuyên truyền đơn điệu không hấp dẫn người dân tham gia...

Thứ ba, một số nội dung quy định về thừa kế quyền sử dụng đất của

Luật Đất đai năm 2003 không nhất quán với các quy định được ban hành trước đây; cụ thể: Luật Đất đai năm 1993 quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng không bắt buộc phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng mà chỉ ghi tên người đại diện của vợ chồng. Luật Đất đai năm 2003 ra đời quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này phải ghi họ, tên vợ và họ, tên chồng. Chính vì vậy khi triển khai thực thi các quy định này gặp khó khăn; đặc biệt trong trường hợp giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ tư, trình độ hiểu biết pháp luật và năng lực chuyên môn của đội

ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất của tỉnh Hà Nam chưa đồng đều; thậm chí có một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ xét xử các vụ án tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, năng lực và trình độ chuyên môn còn yếu. Điều này được thẳng thắn thừa nhận trong Báo cáo tổng kết công tác năm 2005, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của ngành Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam: "... trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao, nhất là một số Thẩm phán chưa nắm bắt kỹ, sâu pháp luật, trách nhiệm thấp nên khi giải quyết có vụ án bị cải sửa, bị hủy" [55, tr. 4].

Chương 3

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 62)