Những điểm hạn chế, tồn tạ

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 58)

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác thực thi pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất tại tỉnh Hà Nam trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại được biểu hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân nhằm xác lập cơ sở pháp lý để người sử dụng đất thực hiện các quyền do pháp luật đất đai quy định thực hiện rất chậm. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam: Tính đến nay, các địa phương trong tỉnh mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân đạt 86%. Chính việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đã gây trở ngại trong việc áp dụng pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất; cụ thể:

- Do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân không có cơ sở pháp lý để thực hiện các quyền sử dụng đất nói chung và quyền thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng do pháp luật quy định. Vì vậy, trên thực tế có một số trường hợp người sử dụng đất khi chết để thừa kế quyền sử dụng đất bằng giấy tờ viết tay không theo đúng quy định của pháp luật; nên khi phát sinh tranh chấp về quyền thừa kế, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp;

- Do một số trường hợp người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền thiếu chặt chẽ và hiệu quả; đặc biệt khi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về đất đai nói chung và tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng đã đặt các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" rất khó giải quyết.

Thứ hai, khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Trường

hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng". Tuy nhiên, các quy định trước đây về vấn đề này không bắt buộc việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng phải ghi tên cả hai vợ chồng. Thực tế ở tỉnh Hà Nam, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này ghi tên chủ hộ gia đình (thông thường nam giới là chủ hộ). Chính vì vậy, người chồng có vai trò quyết định trong việc để thừa kế quyền sử dụng đất; còn người vợ dường như không có tiếng nói đối với việc thừa kế tài sản chung của vợ chồng. Trong một số trường hợp khi người chồng chết, gia đình bên chồng đòi quyền thừa kế quyền sử dụng đất và không cho người vợ thừa kế. Do không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người vợ thường ở vị trí yếu thế hoặc đuối lý trong cuộc chiến pháp lý về chia thừa kế quyền sử dụng đất với gia đình nhà chồng.

Hơn nữa, theo điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai: "Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại Điều 121 của Luật Đất đai thì chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng là cá nhân trong nước". Thực tế áp dụng quy định này cho thấy dường như quyền thừa kế quyền sử dụng đất của vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc trường hợp được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam không được đảm bảo; bởi lẽ, việc không được ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các đối tượng này sẽ không có "tiếng nói" trong việc để thừa kế quyền sử dụng đất hoặc họ sẽ rất khó được thừa kế quyền sử dụng đất khi một bên vợ hoặc chồng là cá nhân trong nước chết.

Thứ ba, trình độ hiểu biết pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về

thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng của người dân còn thấp cũng gây khó khăn cho việc thực thi các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất. Điều này thể hiện:

- Khi sử dụng đất hoặc khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân không làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất; nên không đủ cơ sở pháp lý để Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Do vậy, người sử dụng đất không đủ điều kiện để thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất;

- Trong nhiều trường hợp, do nhận thức giản đơn người dân (đặc biệt ở khu vực nông thôn) thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất không theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Di chúc được lập bằng hình thức "giấy tờ viết tay" không có người làm chứng, không có chứng thực hoặc xác nhận của công chứng nhà nước hay Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi tranh chấp

về thừa kế quyền sử dụng đất phát sinh rất khó giải quyết; đặc biệt trong trường hợp nội dung di chúc có sự tẩy xóa hoặc các đương sự xuất trình nhiều bản di chúc được lập tại cùng một thời điểm.

Thứ tư, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật

đất đai nói chung và các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng còn chưa đồng đều; cá biệt có một số cán bộ năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật còn thấp. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực thi pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất; cụ thể:

- Đối với cán bộ địa chính cấp xã, do trình độ hiểu biết pháp luật đất đai và năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế nên khi người dân có nhu cầu thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất. Họ không thể hướng dẫn, giải thích cho người dân hiểu về các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất hoặc áp dụng không đúng quy định về trình tự, thủ tục khi giải quyết việc thừa kế quyền sử dụng đất cho người dân;

- Hiện một bộ phận cán bộ công tác tại Tòa án nhân dân do sự hiểu biết pháp luật về đất đai và trình độ chuyên môn còn hạn chế nên việc áp dụng các quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất còn có sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử.

Thứ năm, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói

chung và pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng tuy có nhiều cố gắng và đạt được một số thành tích nhất định; nhưng vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như việc tiến hành chưa thường xuyên, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền còn thấp; phương thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn v.v. Hậu quả là một bộ phận nhân dân (đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn) chưa nhận thức được việc tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất. Họ hành xử mang nặng cảm tính, bản năng; thậm chí vi phạm pháp luật khi giải quyết các tranh chấp, bất đồng, mâu thuẫn về thừa kế quyền sử dụng đất.

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 58)