Quan niệm về thừa kế quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 27)

Trong đời sống thực tiễn, tài sản do cá nhân làm ra thuộc sở hữu của riêng họ. Pháp luật ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân đối với tài sản.

Điều này có nghĩa là chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình; thậm chí trong trường hợp chết, họ cũng có toàn quyền quyết định việc để lại tài sản của mình cho những người còn sống tiếp tục chiếm hữu, sử dụng. Pháp luật gọi việc làm này là thừa kế.

- Theo Từ điển Luật học do Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) biên soạn:

Thừa kế: Sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống;

Thừa kế luôn gắn với sở hữu. Sở hữu là yếu tố quyết định thừa kế và thừa kế là phương tiện để duy trì, củng cố quan hệ sở hữu. Pháp luật quy định hai hình thức thừa kế: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật [72, tr. 754].

- Theo Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam (tập 1) của Trường Đại học Luật Hà Nội xuất bản năm 2008:

Thừa kế với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự trong đó các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong quan hệ này, người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác. Những người có quyền nhận di sản họ có thể nhận hoặc không nhận di sản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) [62, tr. 299].

Trong lĩnh vực đất đai, vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất được đặt ra khi Luật Đất đai năm 1993 được ban hành. Việc ra đời chế định thừa kế quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong việc sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và gắn kết chặt chẽ người lao động với đất đai - tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Vậy thừa kế quyền sử dụng đất là gì? Câu hỏi này đã được Bộ luật Dân sự năm 2005 và các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý khác trả lời cụ thể:

- Theo Điều 733 Bộ luật Dân sự năm 2005: "Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai".

- Theo Từ điển Luật học do Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) biên soạn:

Thừa kế quyền sử dụng đất: Sự chuyển dịch quyền sử dụng đất của người chết cho người còn sống. Ở Việt Nam, với đặc thù đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu, Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản chung của hộ gia đình hoặc quyền tài sản riêng của cá nhân. Bởi vậy, khi cá nhân hoặc thành viên trong hộ gia đình chết thì quyền sử dụng đất của họ được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật [72, tr. 754]. - Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội: "Thừa kế quyền sử dụng đất: Chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đất đai" [58, tr. 69].

Như vậy, thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật đất đai.

Một phần của tài liệu Thực trạng thi hành các quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)