Theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Dân sự có quy định: "Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động". Pháp nhân tự định đoạt tên gọi của mình và được độc quyền về tên gọi nhưng tên gọi của pháp nhân phải phân biệt với tên gọi của pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Tên gọi của pháp nhân có thể bao gồm tên của cơ quan cấp trên mà pháp nhân đó trực thuộc và tên của chính pháp nhân đó hoặc tên và hình thức hoạt động của nó hoặc chỉ là tên hiệu của pháp nhân nhưng phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân. Các yêu cầu này đối với tên gọi của pháp nhân tạo ra những đặc điểm riêng biệt, đặc thù, dễ nhận dạng của pháp nhân, giúp cho pháp nhân và các chủ thể khác thuận lợi trong việc giao dịch với nhau. Theo khoản 3 điều 31 Luật Doanh nghiệp thì căn cứ vào quy định về tên Doanh nghiệp, cho phép cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp. Quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng. Và điều 32 Luật Doanh nghiệp quy định những điều nghiêm cấm trong đặt tên Doanh nghiệp, cụ thể là:
Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó
Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Trong kinh doanh, các yêu cầu đối với tên gọi của pháp nhân còn có ý chống cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cũng trong Điều 87 khoản 2 và 3 quy định: "Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự" và "Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ". Mọi chủ thể không được sử dụng tên gọi của pháp nhân khi không được sự đồng ý của pháp nhân.
Tuy nhiên, điều 38 Nghị định 102 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp lại cho phép công ty mẹ được phép sử dụng cum từ “Tập đoàn” như là một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ. Điều này gây nhầm lẫn cho việc sử dụng tên của “Tập đoàn” với tư cách là nhóm công ty không có tư cách pháp nhân và “Tập đoàn” với từ cách là công ty mẹ có tư cách pháp nhân. Điều này sẽ được tác giả phân tích rõ ở chương 3 của Luận văn.
Cùng với tên gọi, một số loại pháp nhân còn có biểu tượng riêng của mình (Logo). Biểu tượng của pháp nhân là ký hiệu riêng của mỗi pháp nhân để phản ánh đặc trưng riêng biệt của pháp nhân và cũng là dấu hiệu để phân biệt pháp nhân đó với các pháp nhân khác, đặc biệt là với các pháp nhân cùng loại. Tuy nhiên, biểu tượng của pháp nhân không mang tính bắt buộc như đối
với tên gọi của pháp nhân, nhưng nếu pháp nhân có biểu tượng thì cũng được pháp luật công nhận và bảo vệ thông qua đăng ký sử hữu trí tuệ.