Pháp nhân là sự liên kết của các cá nhân cùng chung sức, tài sản để hoạt động cho mục đích của tập thể trong đó tài sản và con người được tổ chức thành môt thực thể thống nhất. Nhưng thực thể này chủ yếu tham gia các quan hệ pháp luật thông qua hành vi của người quản lí tài sản và quyết định các công việc chung của tập thể các thành viên. Những người đảm nhận các
công việc trên được gọi là cơ quan điều hành của pháp nhân. Vì vai trò quan trọng này, khoản 1 điều 89 Bộ luật Dân sự quy định: " Pháp nhân phải có cơ quan điều hành"
Cơ quan điều hành là bộ phận không thể thiếu được của pháp nhân. Các hành vi mà cơ quan điều hành của pháp nhân thực hiện trong phạm vi điều lệ hoăc trong quyết định thành lập pháp nhân được coi là hành vi của pháp nhân, do vậy làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự cho pháp nhân.
Hoạt động của pháp nhân được tiến hành chủ yếu thông qua cơ quan điều hành của pháp nhân. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân ( theo khoản 2 điều 89 Bộ luật Dân sự). Các pháp nhân khác nhau thì cơ quan điều hành cũng khác nhau. Cơ quan điều hành pháp nhân của pháp nhân trong trường hợp pháp nhân là cơ quan nhà nước do cấp đã quyết định thành lập chính pháp nhân bổ nhiệm như: Giám đốc doanh nghiệp nhà nước...
Đối với pháp nhân là đơn vị kinh tế tập thể hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp, thì cơ quan điều hành là Ban quản trị, Ban chấp hành, Ban thường vụ... do các pháp nhân bầu ra.
Cơ quan điều hành của pháp nhân, dù được bổ nhiệm hay được bầu đều có nhiệm vụ soạn thảo chương trình hoạt động và điều hành công việc hàng ngày của pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của pháp nhân.
Ví dụ: Giám đốc là người được ủy quyền đầy đủ quyền hạn để điều hành hoạt động kinh doanh của công ty và có quyền họat động nhân danh công ty trong mọi trường hợp.