Chấm dứt pháp nhân:

Một phần của tài liệu Pháp nhân - Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (Trang 53)

Chấm dứt pháp nhân là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức với tư cách là chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật mà trước đó tổ chức đó tham gia với tư cách pháp nhân. Các căn cứ làm chấm dứt pháp nhân được quy định tại điều 99 Bộ luật Dân sự, đó là:

- Hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 94, 95, 96 và 98 của Bộ luật này;

- Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Pháp nhân chấm dứt được thực hiện dưới hai hình thức: Giải thể và cải tổ pháp nhân. Còn trường hợp pháp nhân bị tuyên bố phá sản được điều chỉnh bởi Luật Phá sản và được tiến hành bởi con đường pháp lý khác.

2.1.3.1.Về giải thể pháp nhân:

Pháp nhân có thể bị giải thể trong các trường hợp được quy định tại điều 98 Bộ Luật Dân sự, đó là:

- Theo quy định của điều lệ;

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, pháp nhân bị giải thể có thể do: Đã thực hiện xong nhiệm vụ; Đã đạt được mục đích khi thành lập pháp nhân đó đặt ra; hoạt động của pháp nhân trái với mục đích khi thành lập gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội, vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc sự tồn tại của pháp nhân không cần thiết nữa; Khi thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ đã hết...

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập pháp nhân thì có quyền quyết định giải thể pháp nhân đó. Khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản của mình như: nộp thuế, nộp bảo hiểm, trả nợ lương, các khoản nợ có bảo đảm, các khoản nợ khác ....

Pháp nhân bị chấm dứt theo một trong các trường hợp trên kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Khoản 2 Điều 99 Bộ luật dân sự quy định: "pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng kí pháp nhân". Như vậy, để thực hiện thủ tục chấm dứt pháp nhân cần phải tổ chức việc đăng ký pháp nhân không chỉ riêng cho doanh nghiệp để có tên pháp nhân trong sổ đăng ký rồi thực hiện việc xóa tên nó trong trường hợp cần chấm dứt pháp nhân

2.1.3.2. Cải tổ pháp nhân:

Bên cạnh các hình thức chấm dứt pháp nhân theo cách thức giải thể pháp nhân trên, hình thức tổ chức lại pháp nhân cũng làm chấm dứt pháp nhân nhưng các quyền và nghĩa vụ của nó được giao cho pháp nhân mới lập ra do kết quả việc tổ chức lại pháp nhân.

Việc tổ chức lại pháp nhân được thực hiện dưới các hình thức sau: - Hợp nhất pháp nhân: Điều 94 Bộ luật Dân sự quy định về hợp nhất pháp nhân. Đó là trường hợp hai hay nhiều pháp nhân liên kết thành một pháp nhân hoàn toàn mới theo quy định của Điều lệ, theo thỏa thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc hai hay nhiều pháp nhân liên kết lại thành pháp nhân hoàn toàn mới, các pháp nhân ban đầu chấm dứt sự tồn tại nhưng các quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển giao cho pháp nhân mới. Việc hợp nhất pháp nhân phải được tiến hành như việc thành lập pháp nhân.

- Sáp nhập pháp nhân: Điều 95 Bộ luật Dân sự quy định về sáp nhập pháp nhân. Đó là việc một pháp nhân sáp nhập vào một pháp nhân khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo thỏa thuận của các pháp nhân đó. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt sự tồn tại các quyền và nghĩa vụ của nó để chuyển giao cho pháp nhân mới.

- Chia pháp nhân: Điều 96 Bộ luật Dân sự quy định về chia pháp nhân. Đó là trường hợp một pháp nhân được chia ra làm hai hay nhiều pháp nhân riêng rẽ độc lâp trong đó pháp nhân bị chia chấm dứt sự tồn tại để giao cho môt hoặc một số pháp nhân mới đảm nhiệm.

- Tách pháp nhân: Điều 97 Bộ luật Dân sự quy định về tách pháp nhân. Đó là trường hợp một pháp nhân được tách ra làm hai hay nhiều pháp nhân riêng rẽ độc lập theo quy định của Điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi tách, pháp nhân bị tách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân được tách. Lúc này sẽ tồn tại ít nhất hai pháp nhân, cả pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách đều thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động của các pháp nhân đó. Mặc dù tách pháp nhân được coi là một trong những hình thức cải tổ pháp nhân, tức là việc tách pháp nhân chỉ làm chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân bị tách theo nguyên nghĩa ( tức là không còn đầy đủ tài sản, quyền và nghĩa vụ như lúc chưa tách ) và tạo ra những pháp nhân mới đó là pháp nhân được tách ra và pháp nhân bị tách ( do nó chuyển một số tài sản, quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân được tách ).

Cải tổ pháp nhân về bản chất là sự kế quyền tổng hợp giữa pháp nhân mới hình thành và pháp nhân ban đầu. Cải tổ pháp nhân khác giải thể pháp nhân ở chỗ giải thể pháp nhân là chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân như một chủ thể, các quyền và nghĩa vụ của nó chấm dứt thông qua việc thanh lý tài sản và không còn chủ thể kế tục quyền và nghĩa vụ của chúng. Cải tổ pháp nhân cũng chấm dứt sự hoạt động của pháp nhân nhưng quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển cho pháp nhân mới. Giải thể kèm theo sự hủy bỏ toàn bộ cơ cấu, tổ chức của pháp nhân. Còn cải tổ là việc sắp xếp lại tổ chức của pháp nhân, thực chất là sự chuyển cơ cấu tổ chức cho pháp nhân mới hoặc giảm cơ cấu tổ chức của pháp nhân.

Phá sản và giải thể đều là các hình thức chấm dứt pháp nhân, tuy nhiên tuyên bố phá sản doanh nghiệp là một hình thức “giải thể” đặc biệt đối với các pháp nhân là doanh nghiệp nhằm giải quyết tình trạng làm ăn thua lỗ đến mức không có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Doanh nghiệp bị phá sản chấm dứt sự tồn tại cũng giống như pháp nhân bị giải thể. Tuy nhiên, phá sản và giải thể pháp nhân là hai chế định pháp lý riêng rẽ và chúng có một số điểm khác nhau được thể hiện như sau:

- Về chủ thể, giải thể là việc các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội... là pháp nhân thuộc mọi hình thức sở hữu được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam bị giải thể theo các hình thức được quy định tại Điều 98 Bộ luật Dân sự. Còn phá sản là việc các doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản và phải yêu cầu giải quyết các thủ tục phá sản.

- Về lý do, giải thể là việc tiến hành khi pháp nhân đã không đạt được mục tiêu đề ra hoặc có những hoạt động trái pháp luật vi phạm lợi ích của nhà nước, của xã hội... Còn phá sản là tiến hành khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

- Về thẩm quyền quyết định giải thể do cơ quan có thẩm quyền của pháp nhân đã được điều lệ của pháp nhân quy định hoặc do cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập quyết định. Còn phá sản là việc tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chỉ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân.

- Về thủ tục: Giải thể được tiến hành theo thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Còn phá sản là thủ tục tư pháp do tòa án thực hiện theo trình tự và thủ tục của pháp luật về phá sản doanh nghiệp và pháp luật về tố tụng.

- Về hậu quả, giải thể làm chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của pháp nhân, còn phá sản sẽ không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Một phần của tài liệu Pháp nhân - Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (Trang 53)