Ở Việt Nam, thành lập doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để đầu tư, phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên người dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh, do Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn còn bất cập, đó là: Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kèm theo đó - các loại giấy phép “con” ngày một nhiều. Những ngành nghề có điều kiện và điều kiện kinh doanh được quy định rất phân tán bởi rất nhiều văn bản pháp luật đã tạo nên không ít khó khăn, rắc rối cho người thực thi, áp dụng. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp thì phân thành ngành nghề cấm, có điều kiện và tự do kinh doanh. Trong khi đó, Luật Thương mại lại chia ra hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế và kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư thì quy định về lĩnh vực cấm, có điều kiện và những lĩnh vực đầu tư còn lại...
Trên thực tế tất cả những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền (không phải do luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành) đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện luật Doanh nghiệp.
Vì vậy, để thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, Tác giả luận văn thiết nghĩ và kiến nghị các nhà làm luật cần quy định luôn những ngành nghề nào cần phải kinh doanh có điều kiện để thực hiện,
tránh tình trạng Luật đã ban hành nhưng chưa thực hiện được mà phải đợi Nghị định, Thông tư hướng dẫn gây khó khăn cho việc thực hiện, đồng thời tạo điều kiện cho việc sách nhiễu người dân trong việc đăng ký kinh doanh.