8. Cấu trúc luận án
3.3.3. Địa hình karst
Trên bản đồ địa mạo, các dạng địa hình này được đánh số từ 17 đến 23 bao gồm tập hợp các bề mặt đỉnh, thung lũng và sườn karst. Địa hình karst phân bố chủ yếu ở phía đông bắc tỉnh, nơi có nền địa chất là các đá vôi thuộc hệ tầng Hà Giang (\2 hg) và hệ tầng Chang Pung (\3 cp). Các bề mặt đỉnh karst dạng vòm, dạng tháp và các phễu karst ở các bậc độ cao khác nhau, ứng với các bề mặt san bằng đã trình bày ở trên. Các bề mặt đỉnh này tập hợp lại thành những bậc địa hình khá đặc trưng ở khu vực đông bắc của tỉnh. Các bề mặt đáy trũng khép kín do mở rộng các phễu karst với tích tụ deluvi phân bố dọc theo các thung lũng suối bậc 2, bậc 3. Ứng với mức độ tinh khiết khác nhau, các sườn karst tại khu vực cũng phân ra làm 2 dạng rõ rệt là sườn rửa lũa – hòa tan – đổ lở karst dốc trên 45º và sườn bóc mòn – hòa tan karst dốc 20-45º.
Các bề mặt sườn dốc trên 45º hay phần lớn là vách đứng chủ yếu là sườn của các khối núi đá vôi sót và trên vùng sơn nguyên, các khối núi vùng Bắc Hà, Mường Khương. Quá trình bóc mòn chủ yếu là đá đổ, đá lở (trọng lực nhanh) và rửa lũa - hoà tan đã tạo cho bề mặt sườn ở đây rất phức tạp. Về mặt hình thái, bề mặt sườn này không có trắc diện ổn định, bề mặt là các đá tai mèo sắc nhọn lởm chởm giữa các luống đá dạng carư này đôi chỗ còn lấp đầy bởi các sản phẩm terarosa nằm trực tiếp trên đá với chiều dày không ổn định. Tuổi của bề mặt sườn này xếp vào Đệ tứ không phân chia (Q).
Sườn rửa lũa - tích tụ deluvi chủ yếu trên bề mặt sơn nguyên Mường Khương và Bắc Hà, cấu tạo bởi đá biến chất xen đá vôi. Thực chất đây là dạng karst phủ. Trắc diện sườn lồi lõm đến thẳng, độ dốc biến đổi tuỳ theo từng khu vực và vị trí
của nó trong địa hình dao động từ 8-15º và 15-25º . Các thành tạo sét pha lẫn sỏi sạn, các sản phẩm terarosa bị pha trộn không điển hình. Thành phần cơ giới của đất nặng, đôi chỗ trơ đá gốc, bề dày từ 0,5-1,5m. Tuổi của bề mặt sườn này giả định là Đệ tứ không phân chia (Q).