Tuy là một hệ tư tưởng tiến bộ mang tính cách mạng nhưng bên cạnh những giá trị tích cực, Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế.
Cho dù là trước khi Tôn Trung Sơn ra đời hay sau khi ông mất thì xã hội mà Chủ nghĩa Tam dân muốn xây dựng cũng chỉ giống như một ước mơ tươi đẹp mà thôi. Trên con đường hướng tới Trung Hoa dân quốc (dân quốc theo khái niệm của Tôn Trung Sơn) luôn có một sự ngăn trở khó có thể vượt qua được. Đó chính là chính quyền quân phiệt quan liêu. Chủ nghĩa Tam dân chưa đủ khả năng lật đổ nó, ngược lại còn bị nó lợi dụng sau khi Tôn Trung Sơn từ chức Tổng thống và qua đời. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề này,
Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử
Chu Thùy Liên 104
chúng tôi cho rằng, đó là vì Chủ nghĩa Tam dân chưa giải quyết triệt để được bất cứ một vấn đề nào.
Trong Chủ nghĩa Tam dân, Tôn Trung Sơn đã chỉ ra được, nhu cầu sinh tồn của con người là động lực để xã hội tiến lên phía trước. Dân sinh chính là “đời sống của nhân dân, sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng” [66, 765]. Nó bao hàm cả đời sống kinh tế xã hội, đồng thời cũng chỉ ra được ham muốn và nhu cầu sinh tồn của con người. Như vậy, cùng một lúc, ông coi cả vật chất và ham muốn là hai mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ông muốn dựa trên cơ sở này để cải tạo xã hội. Tuy nhiên, dưới tiền đề chưa tiến hành cuộc cách mạng kinh tế thì điều này là rất khó thực hiện được ở Trung Quốc. Bên cạnh đó ông còn yêu cầu “phù trợ nông công” mà vẫn chưa nghĩ ra được rằng, nông dân có thể tự mình giành được ruộng đất. Như thế, tuy đã tiếp cận được với mấu chốt của việc đưa xã hội Trung Quốc tiến lên phía trước nhưng ông vẫn chưa thể phát động được một lực lượng đồng minh đông đảo. Đó chính là giai cấp nông dân. Chế độ kinh tế phong kiến mà ông khao khát thay đổi vẫn tồn tại, chế độ ruộng đất phong kiến vẫn còn. Nhà nước lý tưởng của ông chỉ có thể là mơ ước, trên thực tế, ông đã bước vào con đường cùng: “Nước Cộng hoà của giai cấp tư sản phương Tây không phải là hoàn thiện, Trung Hoa dân quốc là giả hiệu, thế giới đại đồng là hư vô” [53, 124].
Nếu chúng ta đối chiếu một chút với tư tưởng khai sáng của phương Tây thì sẽ phát hiện ra rằng, phong trào Chủ nghĩa Dân quyền trước hết xuất hiện từ sự giải phóng con người khỏi sự thống trị của thần quyền, xác định giá trị của bản thân con người. Vì vậy, Chủ nghĩa Dân quyền chính là chủ nghĩa nhân quyền, lấy giải phóng cá tính, theo đuổi sự tự do làm tiêu chí, nhấn mạnh rằng, chỉ khi cá nhân có được độc lập thì mới có thể có một nước độc lập. Nhưng ngược lại, Chủ nghĩa Dân quyền của Chủ nghĩa Tam dân lại phản
Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử
Chu Thùy Liên 105
đối vô điều kiện chủ nghĩa cá nhân, coi thường sự tự do và giá trị của cá nhân, nhấn mạnh chủ nghĩa quốc tộc, không có cá nhân, chỉ có nhà nước. Đó là nét đặc sắc riêng của nền chính trị Trung Quốc trong điều kiện lịch sử nhất định. Nhưng trong quá trình giải phóng tư tưởng của con người, một người chưa ý thức được đầy đủ giá trị của bản thân thì sẽ không thể coi trọng và yêu mến dân quyền được. Cô lập nhấn mạnh Chủ nghĩa Dân quyền, vô hình chung học thuyết của Tôn Trung Sơn đã bóp chết chủ nghĩa cá nhân. Kết quả của nó chính là Chủ nghĩa Dân quyền không thể mở rộng, khiến cho cái vỏ phong kiến vẫn có thể tồn tại dưới sự che đậy của Chủ nghĩa Dân tộc. Trước việc không thừa nhận giá trị của quần chúng nhân dân cũng như chưa phát huy đầy đủ vai trò của quần chúng, chủ nghĩa tập thể rất dễ có thể bị dẫn dắt thành chủ nghĩa chuyên chế. Cho nên, làm thế nào để giải quyết chính xác mối quan hệ giữa Chủ nghĩa Dân quyền và Chủ nghĩa Dân tộc là vấn đề thứ hai mà Tôn Trung Sơn để lại cho hậu thế. Điều này cũng có nghĩa là, cùng với việc phản đế thì đồng thời phải là thế nào để khiến cho Trung Quốc trở thành một nước cộng hoà dân chủ chân chính?
Lấy tiến hoá luận làm thế giới quan khiến cho người ta dễ tiếp thu tư tưởng mới, tư tưởng Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn đã dựa vào lý luận này, từng bước hướng tới việc tiếp cận hoàn toàn với hiện thực của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng đem tới những vấn đề trên phương diện khác. Đó chính là “tính bao dung” của hệ thống lý luận Chủ nghĩa Tam dân. Quan sát theo chiều ngang, nguồn gốc của Chủ nghĩa Tam dân tương đối phức tạp, vừa có tư tưởng của giai cấp tư sản phương Tây, còn dung hợp cả văn hoá truyền thống của Trung Quốc, lại thấm sâu tinh thần của chủ nghĩa xã hội Liên Xô. Chính những nguyên nhân nói trên khiến cho lý luận của Tôn Trung Sơn không tránh khỏi việc xuất hiện một số điểm mâu thuẫn, logic không chặt chẽ. Ngoài ra, tính thực dụng vội vã càng làm nó trở nên mờ mịt.
Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử
Chu Thùy Liên 106
Vì vậy, làm thế nào để nắm bắt được những tinh tuý của Chủ nghĩa Tam dân trở thành vấn đề thứ ba mà Tôn Trung Sơn để lại cho mọi người.
Tóm lại, dù vào thời điểm đó hay cho đến tận bây giờ vẫn còn tồn tại một số ý kiến cho rằng, Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn còn chưa triệt để, mang nặng tư tưởng đại Hán tộc và có màu sắc không tưởng, nhưng cần phải khẳng định rõ ràng một điều là, xét cho đến cùng, Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn đã chỉ ra được một cách tương đối rõ ràng mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc trước khi chủ nghĩa Mác truyền bá vào Trung Quốc. Đồng thời trên cơ sở lý luận đó, kết hợp với thực tiễn đất nước, Tôn Trung Sơn đã chỉ đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX.