Chủ nghĩa Dân quyền là vấn đề thứ hai trong hệ thống tư tưởng cách mạng được Tôn Trung Sơn tập trung trình bày trong 6 bài giảng của mình kể từ ngày 9 - 3 - 1924 đến ngày 26 - 4 - 1924. Nó có mối liên hệ chặt chẽ
Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử
Chu Thùy Liên 58
với Chủ nghĩa Dân tộc. Tôn Trung Sơn đã nêu ra Chủ nghĩa Dân quyền với khẩu hiệu dân quyền tự do và kiến lập dân quốc.
Để hình thành tư tưởng dân quyền, Tôn Trung Sơn đã bỏ rất nhiều công sức đi khảo sát lịch sử dân quyền ở các nước phương Tây cũng như trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó, ông biết được rằng, mầm mống dân quyền đã có từ thời Hy Lạp, La Mã cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 200 năm gần đây, nó mới được xác lập một cách vững vàng. Trước đó là thời đại quân quyền và trước quân quyền là thần quyền. Còn ở Trung Quốc, kể từ khi có lịch sử cho đến thời kỳ cận đại, Trung Quốc chưa hề thực hiện chế độ dân quyền mà đều áp dụng chế độ quân quyền. Chế độ này tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm mà không hề thực hiện sự tự do, bình đẳng. Song, trong lịch sử Trung Quốc đã có nhiều người chủ trương dân quyền. Khổng Tử từng nói: “Khi cái đạo lớn được thực hiện thì thiên hạ là của chung”, điều này có nghĩa là ông chủ trương xây dựng một thế giới đại đồng theo chế độ dân quyền. Mạnh Tử cũng từng viết các bậc đế vương không nhất thiết là cần và sẽ không thể tồn tại vĩnh viễn. Như vậy, chúng ta có thể thấy, cách đây hơn 2000 năm, người Trung Quốc cũng đã nghĩ tới dân quyền nhưng họ đã không thể thực hiện được nó vào thời điểm đó. Mãi đến tận năm 1911, khi cuộc cách mạng Tân Hợi giành được thắng lợi, người Trung Quốc mới biến được ước mơ dân quyền trở thành hiện thực. Và chính Tôn Trung Sơn là người đầu tiên đề xướng cách mạng chính trị để xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế bất bình đẳng, thành lập một nước cộng hòa dân chủ theo kiểu Âu - Mỹ.
Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Dân quyền của Tôn Trung Sơn có thể khái quát thành 3 giai đoạn:
Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử
Chu Thùy Liên 59
- Giai đoạn thứ nhất, từ khi Tôn Trung Sơn bắt đầu quyết tâm làm cách mạng đến khi đảng cách mạng Trung Hoa được thành lập năm 1914. Chủ trương cơ bản của thời kỳ này là lật đổ chính thể chuyên chế Mãn Thanh và xây dựng một thể chế chính trị đại nghị theo mô hình Âu - Mỹ. Chủ trương này chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ chủ nghĩa dân chủ của các nước tư bản phương Tây. Khi còn đang học tập tại Hônôlulu, Tôn Trung Sơn đã bị ấn tượng khá mạnh khi tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ này. Sau đó, trong quá trình trao đổi, đàm đạo với các học giả Nhật Bản, chủ trương lật đổ chuyên chế phong kiến, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hoà, hoạch định Hiến pháp ngũ quyền của ông ngày càng được xác lập rõ ràng hơn.
- Giai đoạn thứ hai, được tính từ khi chính quyền tập quyền phong kiến của Viên Thế Khải bị sụp đổ vào năm 1916 đến khi Tôn Trung Sơn giảng về Hiến pháp ngũ quyền năm 1921. Đây là thời kỳ ngăn chặn những tệ nạn của nền chính trị đại nghị, bổ sung những chỗ thiếu sót của nó, đồng thời đề xuất chủ trương dân quyền trực tiếp. Qua tìm hiểu thể chế cộng hoà đại nghị của các nước phương Tây như Hy Lạp, Mỹ, Thuỵ Sĩ…, Tôn Trung Sơn thấy rằng, nền cộng hoà của các nước này vẫn còn tồn tại nhiều khuyết tật. Từ đó, ông tích cực chủ trương thực hiện dân quyền trực tiếp, đề xướng tự trị địa phương, nhấn mạnh việc áp dụng Hiến pháp ngũ quyền vào đời sống chính trị. Tuy nhiên, giai đoạn trước khi Tôn Trung Sơn giảng giải về
Hiến pháp ngũ quyền vào năm 1921 thì dân quyền trực tiếp chỉ giới hạn áp dụng trong phạm vi của tự trị địa phương là chính, nội dung của Hiến pháp ngũ quyền cũng chỉ dừng lại ở việc bổ sung những thiếu sót của Hiến pháp tam quyền phân lập của chủ nghĩa tư bản, chứ chưa hoàn thành lý luận phân chia quyền và năng. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các bài phát biểu quan trọng của Tôn Trung Sơn trong thời gian này.
Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử
Chu Thùy Liên 60
- Giai đoạn thứ ba, được tính từ năm 1921 cho đến khi Tôn Trung Sơn thực hiện các bài giảng đầy đủ về Chủ nghĩa Dân quyền vào năm 1924. Trong giai đoạn này, Tôn Trung Sơn đã chính thức đề xuất việc phân chia giữa quyền và năng, đi tìm sự thống nhất giữa dân quyền trực tiếp và dân quyền gián tiếp, đồng thời đưa ra chủ trương tiến hành cách mạng dân quyền. Tôn Trung Sơn đã đưa ra bốn phương hướng chiến lược cụ thể nhằm thực hiện nền chính trị dân chủ: phân chia thành các huyện để thi hành tự trị, chính trị toàn dân, ngũ quyền phân lập, Quốc dân đại hội. Hai phương hướng đầu tiên dùng để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tức là thực hiện chủ trương “chủ quyền ở dân”; cái sau cùng là nhằm thực hiện quyền dân chủ gián tiếp, do chính quyền Trung ương làm đại diện. Tháng 7 - 1921, trong khi giảng về Hiến pháp ngũ quyền, Tôn Trung Sơn đã xác lập nền tảng chính trị cho việc phân chia quyền và năng, khiến cho chính thể Chủ nghĩa Dân quyền từng bước đi vào giai đoạn hoàn thiện. Như vậy, đến thời kỳ này, chủ trương cách mạng dân quyền đã có cơ sở lý luận, dẫn đến việc toàn bộ hệ thống tư tưởng về Chủ nghĩa Dân quyền được hoàn thiện thông qua 6 bài giảng về Chủ nghĩa Dân quyền của Tôn Trung Sơn vào năm 1924.