Nội dung chính của Chủ nghĩa Dân tộc

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử (Trang 42)

2.2.1.2.1. Dân tộc và những yếu tố cấu thành nên dân tộc

Ngay trong bài giảng đầu tiên về vấn đề dân tộc ngày 27 - 1 - 1924, căn cứ vào tình hình tập quán xã hội trong lịch sử Trung Quốc, Tôn Trung Sơn đã khẳng định, ở Trung Quốc “chủ nghĩa Dân tộc là chủ nghĩa Quốc tộc” [41, 50]. Ông nhận thức sâu sắc rằng, từ xưa đến nay, cái mà người Trung Quốc sùng bái nhất là chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa tông tộc. ở Trung Quốc chỉ tồn tại hai loại chủ nghĩa này mà không hề có sự hiện diện của chủ nghĩa quốc tộc. Đó chính là lý do khiến các nhà quan sát nước ngoài cho rằng, người Trung Quốc là một mảng cát rời rạc. Trong mối quan hệ gia tộc, tông tộc, người Trung Quốc có sự liên kết vô cùng chặt chẽ. Để bảo vệ tông tộc của mình, họ có thể sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản. Còn đối với quốc gia, sự hy sinh đó có

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 40

phần hạn chế, chưa có tinh thần đoàn kết cao như trong tông tộc. Điều này làm cho Trung Quốc mặc dù đã có một nền văn minh rực rỡ với lịch sử phát triển gần 5000 năm, có số dân đông nhất thế giới, nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn tụt hậu hơn so với các nước tư bản Âu, Mỹ. Trung Quốc phải chịu sức ép xâm lược của bọn đế quốc chủ nghĩa cả về kinh tế lẫn chính trị.

Để phân biệt ranh giới giữa dân tộc và quốc gia, Tôn Trung Sơn đã đi tìm nguồn gốc hình thành nên dân tộc và quốc gia. Qua tìm hiểu, ông biết được rằng, từ Dân tộc được bắt nguồn từ ngôn ngữ La-tinh, viết là Natio. Nó được dùng để chỉ những tộc người có cùng huyết thống. Nhưng về sau, do mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủng tộc trong cuộc sống mà các chủng tộc được liên kết với nhau trên nền tảng huyết thống dần dần trở thành các chủng tộc liên kết với nhau trên nền tảng văn hoá. Trên cơ sở đó, Tôn Trung Sơn cho rằng, dân tộc được hình thành bởi năm nhân tố tự nhiên là huyết thống, đời sống, ngôn ngữ, tôn giáo và phong tục tập quán, trong đó bốn yếu tố sau có thể gộp chung lại thành yếu tố văn hoá. Thông thường, người ta lấy yếu tố huyết thống để phân biệt chủng tộc, ngoài huyết thống ra, yếu tố văn hoá dùng để phân biệt các dân tộc. Dân tộc do nhiều chủng tộc kết hợp lại phát triển thành, nhưng dân tộc không có nghĩa là chủng tộc. Người của nhiều chủng tộc kết hợp lại thành một dân tộc tất nhiên phải trải qua một quá trình chung sống lâu dài để cùng nhau tạo nên những giá trị văn hoá chung của cộng đồng. Song, mối quan hệ huyết thống cũng vô cùng quan trọng bởi vì dân tộc được hình thành từ các chủng tộc, mà chủng tộc lại ra đời trên cơ sở của mối quan hệ huyết thống.

(1) Huyết thống: Tôn Trung Sơn nói: “Sở dĩ, người Trung Quốc có màu da vàng là do tổ tiên để lại. Huyết thống tổ tiên như thế nào thì vĩnh viễn để lại cho đời sau như thế. Vì thế, sức mạnh của huyết thống là rất lớn” [41, 53]. Những người có chung tổ tiên thì sẽ cùng chung huyết thống. Song về mặt

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 41

nhân chủng học mà nói thì rất khó tìm được một dân tộc có dòng máu thuần nhất. Hiện nay, trên thế giới, tất cả các dân tộc văn minh đều đã trải qua nhiều lần pha tạp dòng máu. Tuy nhiên, để phân biệt các dân tộc chủ yếu trên thế giới, chúng ta vẫn có thể dựa vào những đặc trưng được hình thành từ huyết thống để nhận biết.

(2) Lối sống: Lối sống chỉ phương pháp mưu sinh, ví dụ như du mục, trồng trọt, công thương v.v… Phương pháp sinh tồn giống nhau thường tạo nên những đặc trưng văn hoá tương đồng. Tôn Trung Sơn nói: “Phương pháp mưu sinh khác nhau sẽ hình thành nên những dân tộc khác nhau, giống như người Mông Cổ cư trú đuổi theo nước và cỏ, sống theo lối du mục, ở đâu có nước và cỏ thì di cư đến đó, và nhờ tập quán di cư này nên du cư đến đâu họ cũng có thể kết hợp được thành một dân tộc” [41, 53 - 54]. Như vậy, có thể thấy, hoàn cảnh địa lý và phương thức sinh hoạt cũng là một nhân tố hình thành nên dân tộc. Bởi vì hoàn cảnh địa lý khác nhau sẽ ảnh hưởng đến phương thức sống. Tập đoàn người có lối sống giống nhau đương nhiên sẽ hình thành nên những dân tộc có cùng chung nền văn hoá và phong tục tập quán.

(3) Ngôn ngữ: Ngôn ngữ, bao gồm cả văn tự (chữ viết) là công cụ để người dân trao đổi tư tưởng, tiếp thu văn hoá trong cộng đồng dân tộc. Có ngôn ngữ chung thì dễ dàng có sự thống nhất về văn hoá, khiến cho giữa con người và con người nảy sinh tình cảm với nhau, dễ dàng liên kết lại với nhau hơn.

(4) Tôn giáo: Thời cổ đại, tôn giáo là nội dung chủ yếu của văn hoá. Các dân tộc cổ xưa đều được hình thành trên cơ sở có cùng chung tôn giáo như người ả Rập, người Do Thái. Tôn Trung Sơn nói, tôn giáo có sức mạnh vô cùng to lớn trong lực lượng quần chúng, giống như hai nước ả Rập và Do Thái tuy đã bị diệt vong từ rất lâu rồi nhưng hai dân tộc đó cho đến nay vẫn tồn tại. Đất nước của họ tuy bị tiêu diệt nhưng sở dĩ họ còn tồn tại là do họ có

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 42

tôn giáo của mình. Cho đến nay, tự do tín ngưỡng đã trở thành nguyên tắc phổ biến, ảnh hưởng của tôn giáo đối với dân tộc cũng yếu dần. Tuy vậy, tôn giáo vẫn đóng một vai trò đáng kể trong việc hình thành tính dân tộc và thúc đẩy đoàn kết dân tộc.

(5) Phong tục tập quán: Phong tục tập quán là những quan niệm và tập tục từ ngàn xưa để lại, là những tư tưởng và lối sống mà một dân tộc cùng tuân theo, chi phối thành viên của dân tộc đó một cách có ý thức hoặc vô thức như lối sống, tang ma, giỗ chạp, cưới hỏi, giao tiếp v.v… Thông thường, một nét phong tục sau khi hình thành thì thường đã mang trong mình tính cố định, lưu truyền đời đời, rất khó thay đổi. Nếu có sự tác động của nhân tố bên ngoài buộc nó phải thay đổi thì sự thay đổi đó cũng diễn ra rất chậm chạp. Vì thế, sự khác biệt về phong tục tập quán giữa các dân tộc là rất rõ nét. Nó tạo nên nét đặc trưng riêng cho từng dân tộc.

Tôn Trung Sơn coi 5 nhân tố tự nhiên hình thành nên dân tộc nói trên là những nhân tố khách quan. Từ đó, ông còn đưa ra thêm một nhân tố chủ quan mà ông cho rằng cũng có ý nghĩa khá quan trọng đối với việc hình thành nên một dân tộc. Đó chính là ý chí. Tôn Trung Sơn nói: “Phạm vi của Chủ nghĩa Dân tộc, có người quy về huyết thống, tôn giáo, có người cho là lịch sử, tập quán, có người lại quy về ngôn ngữ, văn tự… Tuy nhiên, phạm vi của Chủ nghĩa Dân tộc tối thượng lại chính là ý chí” [85, 75]. ý chí ở đây chính là chỉ ý thức dân tộc, là nhân tố chủ quan hình thành nên dân tộc. Nó đem lại cho người ta cảm giác dân tộc mình khác với dân tộc khác và bản thân có mối liên hệ “vinh nhục cùng hưởng” với dân tộc mình. ý thức dân tộc nằm trong nội tâm mỗi con người. Cái gọi là cội nguồn của Chủ nghĩa Dân tộc chính là ý thức dân tộc. Tôn Trung Sơn đã lấy Thuỵ Sĩ làm ví dụ để bàn về Chủ nghĩa Dân tộc. Dân tộc Thuỵ Sĩ vốn được hình thành bởi người dân của ba quốc gia Roman, Italia và Pháp. Tuy lịch sử, huyết thống và ngôn ngữ của những thành

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 43

phần cấu thành nên dân tộc khác nhau nhưng do cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ nên đã sản sinh ra lối sống giống nhau. Hơn nữa, Thuỵ Sĩ đã từng chịu sự thống trị của thực dân Anh. Người dân ở đây trải qua một quá trình cùng nhau đấu tranh gian khổ, đã hình thành cho mình một tinh thần, một quan niệm, một tư tưởng cùng chung hoạn nạn, cùng hưởng lợi ích, từ đó nảy sinh tình cảm với nhau. Quan niệm yêu dân tộc mình hình thành trên cơ sở tình cảm dân tộc chính là ý thức dân tộc. Năm nhân tố tự nhiên hình thành nên dân tộc kể trên có khả năng sinh ra ý thức dân tộc, thì những yếu tố chủ quan như tinh thần, tư tưởng, tâm lý cũng có thể nảy sinh ý thức dân tộc. ý thức dân tộc luôn là nền tảng của Chủ nghĩa Dân tộc bởi vì chỉ khi có ý thức dân tộc thì mới có thể có tình yêu đối với dân tộc mình. Khi giữa các dân tộc có sự giao lưu tiếp xúc lẫn nhau thì ý thức dân tộc mới có cơ hội thể hiện rõ. Còn khi giữa các dân tộc nảy sinh xung đột thì ý thức dân tộc càng bộc lộ sự linh hoạt của mình. Qua đây, có thể thấy rằng, ý thức dân tộc không những là cuội nguồn của Chủ nghĩa Dân tộc, mà nó còn là nền tảng tinh thần không thể thiếu để một dân tộc dựa vào đó tồn tại và phát triển.

Những điều trình bày trên đây cho chúng ta thấy, sự hình thành dân tộc luôn bao gồm hai yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó nhân tố chủ quan - ý thức dân tộc là điều không thể thiếu đối với bất cứ dân tộc nào. Còn đối với năm nhân tố khách quan, tuy không nhất thiết là phải có đầy đủ nhưng điểm tương đồng của chúng càng nhiều thì khả năng hình thành dân tộc càng lớn, sự đoàn kết dân tộc càng vững chắc hơn.

2.2.1.2.2. Vấn đề dân tộc ở Trung Quốc và nguyên nhân Trung Quốc đánh mất tinh thần dân tộc

Trong bài giảng thứ hai về Chủ nghĩa Dân tộc, Tôn Trung Sơn đã rất đau lòng khi phải cho rằng, đất nước Trung Quốc chỉ xứng đáng là “thứ thuộc

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 44

địa”, chứ không được là “thuộc địa”. Vậy, tại sao Trung Quốc lại rơi vào hoàn cảnh như vậy? Qua phân tích, tìm hiểu, Tôn Trung Sơn cho rằng, có ba nguyên nhân chính khiến cho dân tộc Trung Hoa bị rơi vào địa vị “thứ thuộc địa”. Đó là: áp lực dân số, áp lực chính trị và áp lực kinh tế.

áp lực dân số. Trên thực tế, sức ép tự nhiên mà Tôn Trung Sơn nói đến chính là áp lực dân số. Trong bài giảng đầu tiên về Chủ nghĩa Dân tộc, Tôn Trung Sơn đã nói: “Trong khoảng gần 100 năm, dân số Mỹ tăng gấp 10 lần, dân số Anh tăng gấp 3 lần. Dân số Nhật Bản cũng tăng lên 3 lần, Nga tăng lên 4 lần, Đức tăng lên 2,5 lần” [66, 559]. Còn theo điều tra của công sứ Mỹ tại Trung Quốc thì dân số Trung Quốc không những không tăng lên, mà thậm chí còn giảm đi. Tôn Trung Sơn cho đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, có thể khiến Trung Quốc bị các nước khác thôn tính: “Đến 100 năm sau, nếu dân số của chúng ta không tăng, trong khi dân số của các nước đó tăng lên rất nhiều, thì họ sẽ dùng đa số để chinh phục thiểu số, nhất định họ sẽ thôn tính Trung Quốc. Đến lúc đó, không những Trung Quốc mất chủ quyền, mất nước, mà người Trung Quốc cũng sẽ bị dân tộc đó tiêu hoá, bị diệt chủng” [41, 67]. Quan điểm này cho thấy sai lầm của Tôn Trung Sơn trong vấn đề dân số bởi những hạn chế của lịch sử. Ông chỉ nhìn thấy cái lợi bề ngoài của việc dân số đông, mà không nhận thức được sâu xa rằng, dân số đông cũng sẽ tạo nên một áp lực rất lớn về kinh tế.

Sức ép chính trị. Các nước cường quốc đều có dã tâm tiêu diệt Trung Quốc. Vì thế, sức ép về chính trị chính là thủ đoạn chính của chúng. Tôn Trung Sơn đã nói rằng: “Dùng sức mạnh chính trị để thôn tính một quốc gia dân tộc vốn dĩ có hai thủ đoạn chính, thứ nhất là vũ lực, thứ hai là ngoại giao”. Nhưng theo Tôn Trung Sơn, rất may là thế lực của các nước đế quốc xâm lược Trung Quốc tương đối cân bằng nên Trung Quốc vẫn còn có thể tồn tại mà chưa bị diệt vong. Nếu chẳng may các nước đế quốc liên kết lại với

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 45

nhau, dùng con đường ngoại giao để chia cắt Trung Quốc thì chỉ cần một tờ giấy trắng và một cây bút, chúng cũng có thể chia nhỏ Trung Quốc chỉ trong nháy mắt. Thế nên, Tôn Trung Sơn chỉ rõ, địa vị của Trung Quốc lúc đó ở vào vị trí thấp nhất trên trường quốc tế. Nguy cơ dân tộc lớn nhất chính là địa vị dân tộc. Qua đây, chúng ta có thể thấy được nhận thức vô cùng sâu sắc của Tôn Trung Sơn đối với vấn đề dân tộc mà Trung Quốc gặp phải lúc bấy giờ.

Sức ép kinh tế. Vào thời điểm bấy giờ, các cường quốc sử dụng rất nhiều thủ đoạn kinh tế để trói buộc Trung Quốc như khống chế quyền thuế quan, xây dựng ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc, chiếm đoạt quyền vận tải hàng không, trưng thu thuế đất và thuế mua bán đất v.v… Theo tính toán của Tôn Trung Sơn, mỗi năm Trung Quốc tổn thất khoảng trên 1,2 tỷ đồng, mà trên thực tế, số tiền này còn chưa bao gồm tiền bồi thường chiến phí và tiền của mà người dân bị bọn thực dân cướp đoạt. Vì thế, Tôn Trung Sơn nhấn mạnh rằng, sức ép về kinh tế còn nguy hiểm hơn cả sức ép về chính trị, bởi vì sức ép về kinh tế thường rất khó phát hiện, giống như Trung Quốc đã chịu áp lực về kinh tế từ các cường quốc mười mấy năm nay nhưng cho đến nay, mọi người vẫn chưa cảm nhận được hết nỗi khổ này, khiến cho khắp nơi trên đất nước Trung Quốc đều biến thành mảnh đất thực dân của các nước đế quốc. Vì thế, Tôn Trung Sơn kêu gọi mọi người cần đề cao cảnh giác hơn nữa với áp lực kinh tế. ở đây, chúng ta lại một lần nữa có thể thấy được tư duy sắc bén của Tôn Trung Sơn trong những vấn đề nhận thức.

Bên cạnh việc nêu lên những nguy cơ dân tộc mà nhân dân Trung Quốc đang phải gánh chịu, Tôn Trung Sơn còn chỉ ra một số nguyên nhân khiến Trung Quốc mất đi Chủ nghĩa Dân tộc.

Thứ nhất, các hội đảng bảo vệ Chủ nghĩa Dân tộc bị giai cấp phong kiến lợi dụng do trình độ nhận thức còn hạn chế. Bọn quan lại phản động Mãn

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 46

Thanh đã sử dụng những lời lẽ ngụy biện cho rằng, Mãn Châu vào lật đổ triều Minh, làm chủ Trung Nguyên chẳng qua chỉ là sự tiếp nối thay thế giữa các đời mà thôi, chứ không phải là mất nước để lôi kéo quần chúng nhân dân đi theo mình. Vì vậy, các hội đảng cách mạng lần lượt theo chúng, tranh nhau bảo vệ địa vị của Thanh triều, khiến cho tình hình đất nước ngày càng trở nên trầm trọng.

Thứ hai, dân tộc Trung Hoa bị dị tộc chinh phục, mà phàm một dân tộc đi chinh phục một dân tộc khác thì đương nhiên sẽ không thể để cho dân tộc đó có tư tưởng độc lập. Cũng giống như Nhật Bản xâm chiếm Cao Ly (Triều Tiên), khi người Mãn Châu tràn xuống Trung Nguyên, họ cũng tiến hành xóa sạch tư tưởng dân tộc của người Trung Hoa bằng cách đốt sạch những sách vở

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)