Sự hình thành và phát triển của tư tưởng dân tộc

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử (Trang 38)

Chủ nghĩa Dân tộc là vấn đề được Tôn Trung Sơn đề cập đến đầu tiên trong hệ thống học thuyết cách mạng Chủ nghĩa Tam dân của mình. Sở dĩ Tôn Trung Sơn đặt vấn đề dân tộc lên hàng đầu là vì ông cho rằng, chỉ khi dân tộc được độc lập thì mới có “dân quyền tự do” và “dân sinh hạnh phúc”.

Vậy tư tưởng dân tộc của Tôn Trung Sơn được hình thành trên cơ sở nào?

Ngay từ thời niên thiếu, Tôn Trung Sơn đã có cơ hội được đặt chân lên rất nhiều nơi trên thế giới, từ Hônôlulu - nơi người anh trai của ông sinh sống cho đến Nhật Bản, Anh và Mỹ. ở những nơi này, ông có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng dân chủ tư sản Tây Âu một cách có hệ thống. Ông thấy rằng, vấn đề dân tộc ra đời trên nền tảng của sự bất bình đẳng dân tộc. Nói một cách khác, vấn đề dân tộc chính là vấn đề một dân tộc này áp bức một dân tộc khác, tạo nên sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế, xã hội. Từ đó, dân tộc bị áp bức đòi hỏi phải đấu tranh để giành lại địa vị độc lập cho dân tộc mình.

ở Trung Quốc, nguy cơ dân tộc bắt đầu xuất hiện khi người Mãn từ phía Bắc tràn xuống, đánh chiếm thành Bắc Kinh, làm chủ Trung Nguyên năm 1644. Về đối nội, triều đình Mãn Thanh thi hành chính sách đàn áp dã man, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các dân tộc trên cùng đất nước. Về đối ngoại thì

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 36

áp dụng chính sách bế quan tự thủ, tạo cơ hội cho các cường quốc phương Tây vào xâm chiếm Trung Hoa. Vì thế, nguy cơ của dân tộc Trung Hoa lúc đó là “một cổ hai tròng”. Sau một loạt thất bại của Trung Quốc trong các cuộc Chiến tranh Nha phiến (1842), Chiến tranh Trung - Pháp (1884 - 1885), Chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895) v.v…, Trung Quốc đã phải ký kết một loạt điều ước bất bình đẳng như Điều ước Nam Kinh, Điều ước Thiên Tân, Điều ước Mã Quan…, phải cắt đất và bồi thường chiến phí, phải mở cửa để các nước thực dân phương Tây vào đô hộ. Nguy cơ dân tộc của dân tộc Trung Hoa ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tôn Trung Sơn đã cho rằng, địa vị của Trung Quốc không xứng đáng là thuộc địa, mà chỉ là “thứ thuộc địa” mà thôi. Trước nguy cơ dân tộc ngày càng trầm trọng đó, Tôn Trung Sơn thấy rõ sự đớn hèn, thối nát của chính quyền Mãn Thanh. Vì thế, trong ông sớm nảy sinh tư tưởng lật đổ triều Thanh, xây dựng một xã hội mới công bằng, phát triển.

Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu, những tư tưởng cách mạng của ông đã được hình thành suôn sẻ. Ban đầu, ông chịu ảnh hưởng khá nặng tư tưởng cải lương của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Ông đã viết thư dâng lên triều đình nhà Thanh. Nhưng cuối cùng, yêu cầu của ông cũng bị bác bỏ. Đó là tất yếu lịch sử, bởi vì cho dù Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên hay một số quan lại phong kiến có ít nhiều tư tưởng tiến bộ nhưng vào thời điểm đó, họ cũng không thể dễ dàng chấp nhận những mong muốn quá tiến bộ của Tôn Trung Sơn. Những mơ ước phát triển đất nước giàu mạnh thông qua con đường thuyết phục chính quyền phong kiến tiến hành cải cách đã thất bại.

Song, khác hẳn với những người theo chủ nghĩa cải lương nói chung, chí lớn cứu nước của Tôn Trung Sơn không hề thay đổi. Thấy được sự ảo tưởng khi đi theo con đường cải lương, Tôn Trung Sơn nhanh chóng chuyển sang con đường cách mạng tư sản nhờ vào nhận thức sắc bén của mình. Từ đó, ông

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 37

đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, trở thành người cầm cờ vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.

Có thể khái quát quá trình hình thành và phát triển tư tưởng dân tộc của Tôn Trung Sơn thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất từ năm 1885 đến khi Cách mạng Tân Hợi thành công. Thời kỳ này, tư tưởng dân tộc của Tôn Trung Sơn chủ yếu chú trọng vào việc lật đổ triều đình Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa.

Sau cuộc Chiến tranh Trung - Pháp năm 1885, tuy triều đình Mãn Thanh là kẻ thắng cuộc nhưng lại cắt đất, bồi thường chiến phí, bán rẻ chủ quyền quốc gia. Chứng kiến toàn bộ nghịch cảnh đó, trong tiềm thức của Tôn Trung Sơn, tư tưởng “đánh đổ Mãn Thanh, thành lập Dân quốc” bắt đầu hình thành. Năm 1894, Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Quân đội nhà Thanh bị Nhật Bản đánh bại. Cũng chính trong khoảng thời gian đó, Tôn Trung Sơn đã đứng ra thành lập Hưng Trung hội với tôn chỉ Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, thành lập chính phủ hợp quần. Năm 1904, trong khi sửa đổi lại

Chương trình hành động của Hưng Trung hội, Tôn Trung Sơn đã quy định như sau: “Hội lấy việc đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc, bình quân địa quyền làm tôn chỉ của mình”. Năm 1905, Đồng Minh hội được thành lập. Bốn cương lĩnh lớn của hội cũng chính là Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc, bình quân địa quyền. Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa chính là khởi nguồn đầu tiên cho tư tưởng dân tộc của Tôn Trung Sơn.

- Giai đoạn thứ hai từ khi thành lập Dân quốc đến khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc (1919). Trong giai đoạn này, về đối nội, Tôn Trung Sơn chủ trương đồng hoá các dân tộc trong nước, thống nhất dân tộc Trung

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 38

Hoa. Về đối ngoại, ông chủ trương dùng biện pháp hoà bình để nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc.

Sau khi Trung Hoa Dân quốc được thành lập, tư tưởng dân tộc của Tôn Trung Sơn chuyển hướng sang chú trọng vào việc đối ngoại. Tôn Trung Sơn nói: “Chủ nghĩa Dân tộc mà Đồng Minh hội xây dựng chính là nhằm duy trì sự độc lập của dân tộc Trung Hoa đối với người nước ngoài”, “tuy Dân quốc đã được thành lập nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn đang trong thời kỳ nguy hiểm, nội loạn chưa yên, sự đe doạ của các thế lực bên ngoài vẫn còn” v.v…

Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng, Tôn Trung Sơn luôn hết sức chú ý đến hành vi xâm lược của các nước đế quốc. Điều này đương nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của tư tưởng dân tộc trong giai đoạn sau. Lúc đó, nguy cơ dân tộc của Trung Quốc không chỉ là sự bất bình đẳng giữa các dân tộc trong nước, mà còn có cả sự thống trị của các thế lực bên ngoài. Quốc gia không có nền độc lập. Tuy hiểu rất rõ rằng, các nước đế quốc đang mở rộng thế lực xâm lược và Trung Quốc chưa thể giành được độc lập hoàn toàn, nhưng Tôn Trung Sơn lại không đưa ra chủ trương phản đối chủ nghĩa đế quốc, mà muốn dùng biện pháp hoà bình để cải thiện mối quan hệ đối ngoại, nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc.

Còn về đối nội, thời kỳ này Tôn Trung Sơn chủ trương tất cả các dân tộc trên đất nước Trung Hoa đều cùng chung sống hoà bình như người một nhà, có vị trí bình đẳng với nhau.

- Giai đoạn thứ ba là từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi kết thúc bài giảng cuối cùng về Chủ nghĩa Dân tộc (1924). Trong giai đoạn này, Chủ nghĩa Dân tộc chính thức đưa ra chủ trương chống lại chủ nghĩa đế quốc, xoá bỏ các điều ước bất bình đẳng, dân tộc tự quyết… Có thể nói rằng, đây là thời kỳ hoàn thiện nhất của Chủ nghĩa Dân tộc.

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử

Chu Thùy Liên 39

Sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, Trung Quốc bị thất bại tại Hội nghị hoà bình Pa-ri. Bộ mặt xâm lược của chủ nghĩa đế quốc lộ nguyên hình. Trong hoàn cảnh đó, Tôn Trung Sơn càng khẳng định quyết tâm chống lại chủ nghĩa đế quốc và bọn quân phiệt tay sai. Từ sau khi thành lập Dân quốc, ông vẫn đặc biệt nhấn mạnh rằng, Chủ nghĩa Dân tộc vẫn chưa hoàn thành. Ông nói: “Chúng ta thực hành Chủ nghĩa Dân tộc, lật đổ Thanh triều, tuy đã thoát khỏi sự nô dịch của Thanh triều nhưng vẫn còn chịu sự nô dịch của người nước ngoài. Vì thế, Chủ nghĩa Dân tộc vẫn chưa thể thành công. Lật đổ Thanh triều chỉ có thể coi là thành công một nửa, nửa còn lại chính là sự áp bức của các nước đế quốc” [85, 71]. Nhằm giành lấy độc lập, tự do cho đất nước Trung Quốc, trong Tuyên ngôn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Quốc Dân đảng Trung Quốc, Bài giảng thứ 6 về Chủ nghĩa Dân tộc và trong di chúc của mình, Tôn Trung Sơn luôn chủ trương phản đối chủ nghĩa đế quốc, xoá bỏ tất cả các điều ước bất bình đẳng, xây dựng xã hội đại đồng.

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa lịch sử (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)