A1. Thẩm định chi tiết các khoản mục tài sản.
Tài sản của BCĐKT phản ánh tổng giá trị thuần hiện có tại thời điểm báo cáo của doanh nghiệp. Cán bộ tín dụng sẽ chú trọng vào phân tích các khoản mục sau:
- Tiền mặt: Trong nội dung thẩm định tại ngân hàng TMCP Kĩ Thương chi nhánh Hoàn Kiếm, cán bộ tín dụng làm rõ các vấn đề trong khoản mục tiền mặt như kiểm tra lượng tiền mặt thực tế của doanh nghiệp là bao nhiêu, tiền mặt phục vụ cho các nhu cầu chủ yếu nào và xác định mức dao động tiền mặt của doanh nghiệp.
- Các khoản phải thu: Tại ngân hàng TMCP Kĩ Thương chi nhánh Hoàn Kiếm các cán bộ tín dụng tiến hành kiểm tra phần bị chiếm dụng của các doanh nghiệp chính là các khoản phải thu từ người mua của doanh nghiệp. Các khoản phải thu sẽ được được phân tích một cách cẩn thận bởi vì đây là tài sản có tính thanh khoản cao, có tính chất gần giống với ngân quỹ và có thể là nguồn chủ yếu của doanh nghiệp chi trả các khoản vay ngắn hạn và đến hạn.
- Phải thu nội bộ: Cán bộ tín dụng thực hiện cách thức thẩm định phải thu nội bộ tương tự như đối với việc thẩm định các khoản phải thu khách hàng. Khi thẩm định khoản mục phải thu nội bộ sẽ chú ý về bản chất của từng khoản phải thu nội bộ đó là gì và khả năng thu hồi đến đâu?
- Hàng tồn kho: Cán bộ tín dụng sẽ quan tâm đến thời gian, tính thanh khoản, sự ổn định giá cả của hàng tồn kho, mức độ rủi ro liên quan đến thiệt hại. Cán bộ tín dụng cũng kiểm tra xem doanh nghiệp có tính toán giá trị hàng tồn kho theo đúng phương pháp hay không, đặc biệt là các thành phẩm dở dang là khó định giá hơn.
- Tài sản cố định: Thông thường ngân hàng không quan tâm đến việc bán tài sản cố định như một nguồn trả nợ. Tuy nhiên, nếu khoản nợ là trung hạn hoặc dài hạn, tài sản cố định có thể có nhiều ý nghĩa, đặc biệt khi các tài sản cố định được dùng làm vật bảo đảm cho khoản vay. Tầm quan trọng chủ yếu của tài sản cố định trong phân tích tín dụng là vai trò sinh lãi của nó.
A2. Thẩm định chi tiết các khoản mục nguồn vốn.
- Nợ phải trả: Nợ phải trả là chỉ tiêu phản ánh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chủ nợ về các khoản phải nộp, phải trả hay các khoản mà doanh nghiệp chiếm dụng khác. Cán bộ tín dụng tại chi nhánh xác định rõ các khoản vay của doanh nghiệp, là khoản vay ngắn hạn hay dài hạn, phát sinh khi nào, dùng vào mục đích gì và tình hình trả nợ cho các khoản vay đó của doanh nghiệp như thế nào?
- Vốn chủ sở hữu: Vốn chủ sở hữu là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư góp vốn ban đầu và bổ sung thêm trong quá trình hoạt động kinh doanh. Số vốn chủ sở hữu doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán, vì vậy vốn chủ sở hữu không phải là một khoản nợ. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu có một tầm quan trọng đặc biệt đối với doanh nghiệp, là tất cả những gì để bù đắp các rủi ro trong kinh doanh của mình. Trước khi quyết định cho vay, cán bộ tín dụng tại chi nhánh đặt câu hỏi: Doanh nghiệp cần phải có bao nhiêu vốn tự có để đảm bảo cho vay an toàn? Số vốn
tự có cần thiết để cho vay an toàn sẽ biến đổi phụ thuộc vào đặc điểm và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.