Khái quát về Lôgíc học truyền thống

Một phần của tài liệu Nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn Lôgíc học (Trang 46)

Khoa học lôgíc ra đời vào thế kỷ IV (TCN). Người sáng lập ra lôgíc học là nhà triết học Hy Lạp vĩ đại Aristotle (384 – 322 TCN). Ở đây trước hết tôi muốn làm rõ cách gọi lôgíc học truyền thống và lôgíc học hiện đại. Có thể nói sau khi ra đời, sự phát triển mạnh mẽ của Lôgíc học đã dẫn đến sự phân nhánh nó thành các hệ thống lôgíc học theo các cách khác nhau dựa trên những cơ sở phân chia hợp lý và rõ ràng. Có thể nêu ra đây hai cách phân chia tương đối phổ biến. Thứ nhất là dựa vào tính chất của ngôn ngữ được sử dụng, toàn bộ lôgíc học được phân thành hai lớp lớn: lôgíc học truyền thống và lôgíc học hiện đại. Các hệ thống lôgíc từ

Aristotle đến Bêcơn, Minlơ là Lôgíc học truyền thống. Các ông đã xây dựng lôgíc học chủ yếu dựa vào ngôn ngữ tự nhiên. Còn lại các hệ thống lôgíc học kể từ Lôgíc mệnh đề cho đến nay gọi là Lôgíc học hiện đại. Thứ hai là căn cứ vào số giá trị chân lý mà các hệ thống lôgíc học thừa nhận, tất cả các hệ thống lôgíc học cũng được chia làm hai lớp lớn: Lôgíc học cổ điển và Lôgíc học phi cổ điển. Các hệ thống

lôgíc học chỉ chấp nhận hai giá trị chân lý được gọi là Lôgíc học cổ điển, còn các hệ thống lôgíc học chấp nhận nhiều hơn hai giá trị chân lý (trong đó có lôgíc tình thái) được gọi là Lôgíc học phi cổ điển. Ở đây Luận văn dựa trên cả hai tiêu chí của cách phân loại thứ nhất, trong đó chương 2 sẽ phân tích nghệ thuật chơi chữ bằng các phương tiện của lôgíc học truyền thống và chương 3 sẽ là lôgíc tình thái.

Lôgíc học truyền thống do Aristotle sáng lập và xây dựng. Ông đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề cơ bản của lôgíc học bao gồm các hình thức cơ bản của tư duy như khái niệm, phán đoán, lý thuyết suy luận và chứng minh bác bỏ; các quy luật cơ bản của tư duy: luật đồng nhất, luật mâu thuẫn, luật loại trừ cái thứ ba, … trong đó thành tựu nổi bật nhất là suy diễn tam đoạn luận. Sau Aristotle, các

47

nhà lôgíc học thuộc các trường phái tiếp tục nghiên cứu, phát triển và các tư tưởng lôgíc học của ông.

Tuy nhiên đến thời kỳ Phục hưng, Lôgíc học của Aristotle chủ yếu đề cập đến phép suy diễn, đã trở nên chật hẹp, không đáp ứng được những yêu cầu mới của một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của sản xuất và của khoa học, đặc biệt là các khoa học thực nghiệm. Nhu cầu phát triển lôgíc học gia tăng. Vào thời kỳ này, các nhà triết học cũng chú ý đến sự phát triển lôgíc học xem như là công cụ nhận thức. Lôgíc học ở giai đoạn này phát triển theo hai dòng phái lớn dòng quy nạp và dòng diễn dịch. Xuất phát từ việc đề cao nhận thức bằng kinh nghiệm, thực nghiệm, F.Becon đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện phương pháp khái quát. Từ đó ông xây dựng các phương pháp quy nạp và tiếp đó là lôgíc quy nạp. Đường lối của ông được J.S. Mill (1806-1873) - nhà Lôgíc học Anh tiếp tục phát triển. Ngược lại do muốn phổ cập “toán học toàn năng” vào lôgíc học, R.Descartes (1596-1659) với tác phẩm “Suy ngẫm về phương pháp” lại chủ trương xây dựng Lôgíc diễn dịch theo mẫu toán học. Đường lối này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Leibniz – nhà triết học, toán học lỗi lạc người Đức và được ông tiếp tục. Leibniz đã có những đóng góp cơ bản cho sự phát triển của lôgíc diễn dịch: thứ nhất, ông đã phát biểu quy luật lý do đầy đủ (quy luật này cùng với ba quy luật cơ bản của Aristotle tạo ra phần cơ sở làm nòng cốt cho tư duy đúng đắn); thứ hai, đưa ra ý tưởng về toán học hóa lôgíc học, hay mở rộng hơn là hình thức hóa lôgíc học. Từ nửa sau thế kỷ XIX, lôgíc phát triển sang giai đoạn của lôgíc học hiện đại.

Ở chương 2 này, Luận văn chủ yếu nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn của Lôgíc học truyền thống do Aristotle xây dựng với nội dung chủ yếu tập trung vào là ba hình thức của tư duy: khái niệm, phán đoán, suy luận và 3 quy luật cơ bản của tư duy hình thức: luật đồng nhất, luật bài trung và luật cấm mâu thuẫn.

48

2.2. Khảo sát nghệ thuật chơi chữ của ngƣời Việt từ các hình thức của tƣ duy

2.2.1. Khảo sát nghệ thuật chơi chữ của người Việt từ hình thức tư duy khái niệm niệm

Bàn về khái niệm không còn chỉ là đặc thù của Lôgíc học mà nó đã trở thành vấn đề liên ngành trong đó có Ngôn ngữ học. Bởi đây không chỉ là vấn đề thuần túy lý thuyết, nó nảy sinh và đặt ra nhiều vấn đề cho thực tiễn. Điều đó giải thích vì sao ngay trong phần mở đầu của cuốn sách “Ngôn ngữ và văn hóa” tác giả Lê Công Sự lại cho mục “Khái niệm – Nhìn từ góc độc triết học và ngôn ngữ học” lên đầu tiên. Nó cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu khái niệm không chỉ đối với lôgíc học mà cả ngôn ngữ học. Khái niệm được hình thành và phát triển trên cơ sở hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người. Sự ra đời của khái niệm đánh dấu một bước tiến về chất trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Nó giúp nhận thức của con người nắm bắt được bản chất, quy luật vận động của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.

Theo tác giả Lê Công Sự “Khái niệm là sản phẩm của bộ óc con người, đồng thời là hình thức phản ánh giới tự nhiên một cách khái quát và trừu tượng (abstract thinhking). Nếu thiếu khái niệm thì bộ óc con người không thể tiến hành được hoạt động tư duy. Về phương diện ngôn ngữ, cùng với từ, thuật ngữ, khái niệm là một trong những đơn vị cơ bản để tạo nên câu ngữ pháp (grammatical sentence) và phán đoán (judgement) trong giao tiếp xã hội, trong hoạt động ngôn ngữ.” [56, tr. 11]. Vậy từ trong ngôn ngữ và khái niệm trong lôgíc có quan hệ mật thiết với nhau.

Từ trong tiếng Việt được định nghĩa: “Từ tiếng Việt là đơn vị có nghĩa, nhỏ nhất, có tính hoàn chỉnh và khả năng tách biệt khỏi các đơn vị khác; nó có hình thức một âm tiết, một chữ viết liền” [23, tr. 125]. Từ luôn có nghĩa và “các từ khi có nội dung riêng của mình sẽ tạo ra một hình thức bên trong của tư tưởng, còn những thông tin được truyền đạt chính là các phạm trù khái niệm và các phạm trù khác nằm ngoài phạm vi cấu trúc ngôn ngữ” [23, tr. 126]. Và quan niệm phổ biến về

49

nghĩa của từ là đồng nhất nghĩa với khái niệm lôgíc [Theo tài liệu 23, tr. 119]. Nhưng ý nghĩa của từ là một cấu trúc phức hợp, bao gồm nhiều thành tố: nghĩa sở chỉ, nghĩa sở biểu và nghĩa cấu trúc. Trong đó, “sở biểu (designatum) bao gồm những nét đặc trưng của sự vật, nó phản ánh nội hàm của khái niệm. Sở thị (denotatm) là sự phản ánh biểu tượng chung của sự vật. Nếu như sở biểu phản ánh nội hàm của khái niệm thì sở thị phản ánh ngoại diên của khái niệm, biểu thị chủng loại sự vật” [24, tr. 122). Sở biểu và sở thị là cơ sở cho nghĩa của từ.

Tác giả Đỗ Hữu Châu lại phân chia thành phần ý nghĩa của từ thành “a) Ý nghĩa biểu vật ứng với chức năng biểu vật; b) Ý nghĩa biểu niệm tương ứng với chức năng biểu niệm; c) Ý nghĩa biểu thái ứng với chức năng biểu thái; d) Ý nghĩa ngữ pháp ứng với chức năng ngữ pháp” [7, tr. 103]. Trong đó, ý nghĩa biểu vật là sự phản ánh sự vật, hiện tượng,… trong thực tế khách quan vào ngôn ngữ. Và tương ứng với ý nghĩa biểu vật là ý nghĩa biểu niệm. Theo ông “Nếu như về mặt nhận thức, cần thiết phải phân biệt sự vật, hiện tượng trong thực tế và khái niệm trong tư duy phản ánh chúng thì về mặt ngữ nghĩa cũng cần phân biệt ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm…. sự vật hiện tượng trong thực tế khách quan được phản ánh vào tư duy thành các khái niệm, được phản ánh vào ngôn ngữ thành các ý nghĩa biểu vật và từ các ý nghĩa biểu vật có các ý nghĩa biểu niệm tương ứng. Các ý nghĩa biểu niệm một mặt thông qua các ý nghĩa biểu vật mà liên hệ với thực tế khách quan, mặt khác lại có liên hệ với khái niệm, qua khái niệm mà liên hệ với sự vật, hiện tượng ngoài ngôn ngữ.” [7, tr. 112].

Quan hệ giữa ý nghĩa của từ và khái niệm: có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này: có quan niệm đồng nhất chúng với nhau; có quan niệm cho rằng chúng khác hẳn nhau; có quan niệm cho rằng từ và khái niệm vừa thống nhất, vừa khác biệt. Quan niệm thứ ba được nhiều người ủng hộ hơn cả. Để biện hộ cho quan niệm này, các tác giả thường lập luận như sau: “Khái niệm là sản phẩm của tư duy, do đó chung cho mọi dân tộc, còn ý nghĩa của từ là riêng cho từng ngôn ngữ. a) Ý nghĩa của từ cũng là khái niệm, nhưng là những khái niệm thông tục, còn khái niệm chân chính là khái niệm có tính khoa học. b) Khái niệm không có những yếu tố cảm xúc,

50

đánh giá còn ý nghĩa của từ thì có những yếu tố đó.” Tuy nhiên lập luận như vậy còn quá chung chung. Theo chúng tôi, mọi sự so sánh giữa khái niệm và ý nghĩa biểu niệm chỉ là tương đối và mang tính tham khảo. Điều đó là cần thiết để lôgíc học không lấn sân sang địa bàn của ngôn ngữ học.

Thứ nhất, vì là sản phẩm của tư duy cho nên khái niệm có chức năng nhận thức. Các khái niệm là kết quả của sự phản ánh thực tế khách quan vào tư duy, giúp con người nắm được bản chất của chúng. Tiêu chuẩn của khái niệm là tính chân lý: khái niệm phản ánh đúng đắn những thuộc tính căn bản, quyết định nhất của sự vật hiện tượng. Còn ý nghĩa của từ, vốn là đơn vị của công cụ giao tiếp và tư duy, cho nên nó có chức năng tổ chức công cụ (tổ chức nên hệ thống ý nghĩa của một ngôn ngữ) và tổ chức ngôn bản về nội dung. Ý nghĩa biểu niệm của từ phải tiếp nhận những nét nghĩa nào đó cần thiết để lập nên cấu trúc ngữ nghĩa của toàn bộ từ vựng của một ngôn ngữ và cần thiết để có thể diễn đạt các khái niệm khác nhau. Bởi vậy, tiêu chuẩn của ý nghĩa biểu niệm không phải là tiêu chuẩn chân lý mà là tiêu chuẩn phù hợp với hệ thống ngữ nghĩa của một ngôn ngữ và tiêu chuẩn tiện lợi cho sự diễn đạt.

Thứ hai, về mặt bản thể, khái niệm và ý nghĩa biểu niệm đều có cấu trúc và nội dung. Cấu trúc của khái niệm được quyết định bởi cách thức tổ chức các dấu hiệu trong khái niệm và nội dung của khái niệm được quyết định bởi nội dung của từng dấu hiệu. Khái niệm có cấu trúc phổ biến như sau: một khái niệm là tập hợp các dấu hiệu lôgíc trong đó, dấu hiệu thứ nhất là dấu hiệu chỉ loại lớn trực tiếp mà các khái niệm đang xét là một loại nhỏ nằm trong đó và những dấu hiệu đặc thù, nhờ chúng mà chúng ta phân biệt được loại nhỏ của khái niệm đang xét với những loại nhỏ khác cùng nằm trong loại lớn. Khái niệm còn có nội hàm và ngoại diên. Nội hàm là tổng những dấu hiệu với nội dung cụ thể của chúng còn ngoại diên là tổng của những sự vật, hiện tượng đúng với nội hàm đó. Một ý nghĩa biểu niệm về đại thể cũng có cấu trúc tương tự như cấu trúc của khái niệm và cũng có nội hàm và ngoại diên. Nội hàm của ý nghĩa biểu niệm chính là bản thân nó và ngoại diên là các ý nghĩa biểu vật ứng với nó.

51

Tuy nhiên sự khác nhau về bản thể giữa khái niệm và ý nghĩa biểu niệm là ở chỗ ý nghĩa biểu niệm sử dụng những nét nghĩa nào (tức dấu hiệu lôgíc nào) và đã kết hợp chúng ra sao. Vì có chức năng nhận thức và tiêu chuẩn chân lý, cho nên những dấu hiệu trong khái niệm nhất thiết phải là những dấu hiệu phản ánh các thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan, đồng thời mỗi khái niệm chỉ ứng với một và chỉ một loại sự vật, hiện tượng trong thực tế mà thôi.

Như vậy có thể tóm tắt mối quan hệ giữa khái niệm và ý nghĩa biểu niệm như sau: khái niệm cung cấp những thể chất, những “vật liệu” tinh thần để ngôn ngữ xây dựng nên những ý nghĩa biểu niệm theo những quy tắc cấu trúc của chính mình, để phục vụ chức năng của chính mình, nghĩa là để diễn đạt được nhiều khái niệm hơn trong tính sinh động, cụ thể của sự vật, hiện tượng khách quan.

Như thế, khái niệm và ý nghĩa biểu niệm vừa thống nhất vừa độc lập tương đối với nhau. Tính thống nhất giữa chúng được quyết định bởi mối quan hệ bản thể: cả hai cùng sử dụng những vật liệu tinh thần mà tư duy con người đạt được. Tính thống nhất còn thể hiện ở vai trò quyết định của khái niệm đối với ý nghĩa biểu niệm. Không có khái niệm thì không thể có ý nghĩa biểu niệm.

Tính tương đối độc lập của chúng thể hiện ở chức năng và cấu trúc, ở tính hệ thống của chúng. Nếu như khái niệm bị chi phối bởi các quy luật của nhận thức và nằm trong hệ những khái niệm mà tư duy con người đã rút ra được từ thế giới khách quan thì ý nghĩa biểu niệm bị chi phối bởi những quy luật của sự giao tiếp và làm công cụ tư duy. Tham gia vào việc làm hình thành nên những ý nghĩa biểu niệm không chỉ có những quy luật của tư duy mà còn có những quy luật của ngôn ngữ, còn có vai trò của những quan hệ giữa các từ trong từ vựng của một ngôn ngữ, còn có vai trò của những quy luật cấu tạo từ và các quy tắc ngữ pháp khác.

Nghĩa của từ không phải là nhất thành bất biến mà luôn luôn vận động, phát triển do sự biến đổi và phát triển không ngừng của đời sống, của nhận thức và của hệ thống ngôn ngữ. Việc phát triển nghĩa của từ được tiến hành nhờ quá trình mở rộng và thu hẹp ý nghĩa cũng như chuyển đổi tên gọi bằng ẩn dụ và hoán dụ. Đây

52

chính là cơ sở cho việc tiến hành nghệ thuật chơi chữ bằng các phương tiện ngữ nghĩa và cũng là cơ sở để tác giả luận văn phân tích nghệ thuật chơi chữ đó bằng hình thức tư duy khái niệm trong lôgíc học.

Bởi với tư cách là một hình thức cơ bản của tư duy, khái niệm có liên hệ mật thiết với từ trong ngôn ngữ. Về phương diện cấu trúc ngôn ngữ, khái niệm được hình thành trên cơ sở những từ và cụm từ xác định mà ta đã biết ý nghĩa của chúng. Như vậy, từ gắn chặt với một khái niệm nhất định, đồng thời lại là sự biểu hiện của khái niệm. Sự thống nhất giữa từ và khái niệm không có nghĩa là đồng nhất với nhau. Từ là phạm trù của ngôn ngữ học, là sự thống nhất hữu cơ giữa âm và nghĩa. Còn khái niệm thuộc lĩnh vực nghiên cứu của lôgíc học và là sự thống nhất giữa nội hàm và ngoại diên. Và ta không thể thay nghĩa sở biểu và nghĩa sở thị của từ cho nội hàm và ngoại diên của khái niệm. Trong các ngôn ngữ khác nhau, từ biểu thị khái niệm cũng khác nhau và trong cùng một ngôn ngữ, cùng một khái niệm có thể biểu thị bằng nhiều từ khác nhau (từ đồng nghĩa khác âm) và ngược lại có nhiều khái niệm được biểu thị bằng một tên gọi (đồng âm khác nghĩa). Nghệ thuật chơi chữ đã lợi dụng đặc điểm này của từ trong tiếng Việt để:

Thứ nhất, tạo ra những câu có nhiều từ đồng âm cùng xuất hiện gây nên sự tương phản giữa âm và nghĩa, thậm chí có thể dẫn tới hiện tượng lẫn lộn, hiểu lầm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn Lôgíc học (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)