Khái niệm “tình thái”

Một phần của tài liệu Nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn Lôgíc học (Trang 87)

Tình thái là một khái niệm vô cùng phức tạp. Vì thế tác giả luận văn nhận thấy rằng để có thể sử dụng nghệ thuật chơi chữ của người Việt như là chất liệu nghiên cứu

88

làm rõ một số vấn đề của lôgíc tình thái thì việc đầu tiên cần làm là phải đưa ra quan điểm cơ bản về tình thái làm cơ sở cho sự nghiên cứu.

“Tình” xuất phát từ chữ “tình huống”, còn “thái” xuất phát từ chữ “trạng thái”. Thông thường tình thái được hiểu là các thuật ngữ mà nhờ chúng diễn ra sự đánh giá, phân nhóm các tình huống, các mối quan hệ qua lại giữa chúng và sự vốn có các thuộc tính và các mối quan hệ ở các đối tượng trong các phán đoán. Tình thái còn là sự đánh giá mệnh đề (phán đoán) từ một quan điểm xác định [Dẫn theo 29, tr. 7- 8].

Tuy nhiên, tình thái vốn là một khái niệm của lôgíc học, nó ra đời từ thời Aristotle khi ông bàn về mệnh đề tình thái và tam đoạn luận tình thái. “Theo ông, thuật ngữ “khả năng” có ý nghĩa khác nhau. Ông gọi là khả năng cái mà tất yếu, và cái, mà không phải tất yếu, và cả cái mà có thể” [72, tr. 46].

Theo J.Lyon “loại tình thái duy nhất được thừa nhận trong lôgíc tình thái truyền thống là loại có liên quan đến các khái niệm tất yếu và khả năng, trong chừng mực chúng liên quan đến trị chân thực (hay sai lầm) của mệnh đề: đó là tình thái tất suy (aletheutic), hay tất chân (alethic modality). (Cả hai thuật ngữ „tất suy‟ và „tất chân‟đều gián tiếp có gốc gác từ cái từ Hi Lạp dùng để chỉ chân lý)” [35, tr. 337].

Có thể nói, khái niệm tình thái sử dụng trong lôgíc tình thái chỉ là khái niệm tình thái được hiểu theo nghĩa hẹp. Mà khi hiểu theo nghĩa hẹp thì tình thái chỉ xoay quanh các tham số về tính tất yếu, tính khả năng và tính hiện thực, trên cơ sở nhận thức hay đạo nghĩa và tất cả được hiểu theo góc độ khách quan, loại trừ vai trò của người nói. Điều này là cần thiết để lôgíc không lấn sang lĩnh vực của các ngành khoa học khác.

Trong ngôn ngữ học, khái niệm tình thái (modality) không phải là mới. Tuy nhiên nó được hiểu không giống nhau ở các khuynh hướng ngôn ngữ học khác nhau:

Chẳng hạn Ch. Bally cho rằng cần phân biệt trong câu hai yếu tố khác nhau là (1) Dictum – thuật ngữ chỉ nội dung biểu hiện có tính chất cốt lõi về ngữ nghĩa của

89

câu; (2) Modus – thuật ngữ chỉ thái độ của người nói với nội dung phát ngôn. Từ sự phân biệt này, Ch. Bally và nhiều nhà ngôn ngữ học hiện nay đã thống nhất xác định hai thành phần trong nghĩa của câu như sau: (1) Nội dung nghĩa biểu hiện: là phần cốt lõi của câu, nó được tạo nên bởi nội dung của sự tình, bao gồm lõi hạt nhân của vị từ và những tham tố xoay quanh nó. Nghĩa biểu hiện là nội dung chính của mệnh đề; (2) Nội dung nghĩa tình thái: được tạo nên từ mối quan hệ giữa nội dung của câu với hiện thực khách quan, với tình huống phát ngôn, với người nói, tức thái độ của người nói với nội dung ấy. Rõ ràng khi tạo ra một phát ngôn, một thông điệp chúng ta có thể bộc lộ thái độ và cách đánh giá của mình về tình chân thực hay không chân thực, tất yếu hay không tất yếu, có thể có hay không thể có... của sự kiện nêu ra trong lời nói. Người tiếp nhận sẽ có những phán đoán tình thái bằng cách dựa vào những tri thức của họ và những thông tin khác mà họ có được để đánh giá và kết luận xem thái độ của người nói như thế nào, điều được nói ra là sự thực hay hư cấu, có lý hay không có lý, đáng tin cậy hay không. Đó là bản chất của vấn đề tình thái. Và chính yếu tố tình thái tạo nên tính cụ thể sinh động của lời. Như vậy, tình thái thuộc bình diện ngữ nghĩa và có thể nói tình thái là phần tất yếu, là “linh hồn” của câu. Từ sự phân biệt trên ông đã định nghĩa: “Tình thái là thái độ của người nói được biểu thị đối với sự việc hay trạng thái diễn đạt trong câu” [34, tr. 20].

V.N.Bondrenko đưa ra định nghĩa về tình thái như sau: “Tính tình thái là một phạm trù ngôn ngữ chỉ ra đặc điểm của các mối quan hệ khách quan (tình thái khách quan) được phản ánh trong nội dung của câu và chỉ ra mức độ của tính xác thực về nội dung của chính câu đó theo quan niệm của người nói (tình thái chủ quan) [34, tr. 20 - 21].

N.Chomsky có một cách nhìn khác về tình thái khi cho rằng: Câu bao giờ cũng phải là câu khẳng định, hay là câu nghi vấn, hay là câu mệnh lệnh. Tính chất khác nhau của những câu đó là “tình thái”. Như vậy, tình thái là yếu tố bắt buộc phải có, để cùng

90

với “hạt nhân” tạo ra “câu cơ sở” (câu cơ sở thuộc cấu trúc sâu, tồn tại trong tư duy người nói. Từ cấu trúc sâu này trong thực tiễn hoạt động ngôn ngữ, nó trải qua những “cải biên” để chuyển sang “cấu trúc bề mặt”). Và không thể nào có một câu mà không có tình thái, tức không thuộc một trong các kiểu câu nói trên. Cũng không thể nào lại có một câu có 2, 3 tình thái, tức là cùng một lúc thuộc 2, 3 kiểu câu” [34, tr. 22].

T.Givón cũng đặc biệt nhấn mạnh về thái độ của người nói khi ông phát biểu quan niệm của mình về tình thái một cách ngắn gọn rằng: “Tình thái biểu thị thái độ người nói đối với phát ngôn”. Như vậy, theo ông thái độ bao gồm hai loại đánh giá của người nói về thông tin của phát ngôn được chuyển tải qua nội dung mệnh đề:

a) Những đánh giá, nhận thức về tính hiện thực, khả năng, lòng tin, sự chắc chắn hay bằng chứng.

b) Những đánh giá giá trị về ước muốn, sự ưa thích, ý định, năng lực, sự ràng buộc hay sự điều khiển.

Ở Việt Nam, Cao Xuân Hạo khẳng định: “Nội dung của bất kỳ một lời phát ngôn nào cũng chứa đựng một tình thái (nếu không phải là kết hợp nhiều lớp tình thái)” [34, tr. 22]. Ông cho rằng, các yếu tố tình thái phần lớn đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến ba phạm trù tính hiện thực, tính tất yếu và tính khả năng như trong lôgíc những dưới nhiều sắc thái khác nhau và có nhiều cách biểu hiện khác nhau. Ngoài ba phạm trù đó, tình thái liên quan đặc biệt đến thái độ và cách đánh giá của người nói.

Theo tác giả Nguyễn Văn Hiệp: “Trong ngôn ngữ học hiện nay, khái niệm tình thái thường được các tác giả khác nhau dùng để chỉ một phạm trù ngữ nghĩa rộng lớn, xoay quanh mối quan hệ tay ba giữa người nói, nội dung miêu tả trong phát ngôn và thực tế. Phạm trù ngữ nghĩa này bao gồm những quan điểm khác nhau của người nói, được hiểu như là những thông tin kèm theo, có tác dụng định tính cho nội dung được miêu tả trong câu, xét trong mối quan hệ với người nghe, với hoàn cảnh giao tiếp” [28, tr. 84].

91

Có thể nói, đối với các nhà ngôn ngữ học, tình thái có thể được xét hết sức đa dạng dưới nhiều bình diện nghĩa khác nhau, không phải chỉ bó hẹp trong một số đối lập khái quát và tách khỏi bình diện chủ quan như trong lôgíc học. Điều đó có nghĩa là tình thái lôgíc chỉ được xét về tính tất yếu, tính khả năng, tính hiện thực. Tuy nhiên, khi áp dụng vấn đề tính thái lôgíc vào nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ của người Việt thì việc tách ra các lớp tình thái trong câu nói quả là một việc rất khó khăn, đặc biệt với tình trạng đa nghĩa, lưỡng nghĩa, đồng âm và mơ hồ thường thấy ở ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt. Do đó, chúng tôi nhận thấy cần phải đưa ra một quan điểm thống nhất về tình thái như sau:

- Tình thái cùng với nội dung mệnh đề là hai thành phần cần yếu tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu.

- Tình thái là một phạm trù rộng lớn thể hiện thái độ, những cách đánh giá khác nhau của người nói với nội dung mệnh đề, với người đối thoại và với các nhân tố khác của ngữ cảnh liên quan đến sự tình được phản ánh.

- Tình thái phản ánh cách thực hiện mối liên hệ tiềm năng giữa các yếu tố ngôn liệu, cho biết mối liên hệ ấy là có thực hay không có thực (hiện thực hay phi hiện thực) là tất yếu hay không tất yếu, là có thể hay không có thể.

- Tình thái phản ánh các mối quan hệ phức tạp giữa bốn nhân tố của quá trình giao tiếp: người nói, người đối thoại, nội dung của phát ngôn và thực tế. Đó là quan hệ giữa người nói đối với nội dung được thông báo (tình thái chủ quan), quan hệ giữa điều được thông báo với hiện thực (tình thái khách quan), quan hệ giữa người nói với mối quan hệ do nó lập nên giữa nội dung của một phát ngôn cụ thể và thực tế (quan hệ giữa tình thái khách quan và tình thái chủ quan).

Một phần của tài liệu Nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn Lôgíc học (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)