Đối với các nhà lôgíc học, khi bàn về các kiểu loại tình thái dường như đã có sự thống nhất ở ba tham số: tính tất yếu, tính khả năng và tính hiện thực. Tuy nhiên đối với các nhà ngôn ngữ học, khó có thể đưa ra một bảng phân loại rành mạch các kiểu loại tình thái, bởi hai lý do sau:
Thứ nhất, các kiểu loại ý nghĩa tình thái là hết sức đa dạng trong các ngôn ngữ khác nhau và cách mã hóa các ý nghĩa này trong hình thức ngôn ngữ cũng khác nhau.
Thứ hai, có một tình trạng phổ biến trong nhiều ngôn ngữ là một phương tiện hình thức có thể diễn đạt những ý nghĩa tình thái khác nhau. Nói cách khác, cách biểu đạt ý nghĩa tình thái có sự lệ thuộc vào ngôn cảnh trong giao tiếp.
Nếu như trong lôgíc học, tình thái của một mệnh đề thường được nghiên cứu qua ba thông số: tính khả năng, tính tất yếu, tính hiện thực thì trong ngôn ngữ học tình thái của phát ngôn còn được nghiên cứu qua nhiều thông số khác nhau như thái độ, sự đánh giá của người nói. Chính sự kết hợp của các thông số này với ba thông số trên của
94
lôgíc học đã tạo nên cách nhìn sinh động và phong phú khi phân loại tình thái trong ngôn ngữ.
Có thể điểm qua một số cách phân loại như sau:
V.N.Bondarenko sau khi phân tích các hướng nghiên cứu về tính tình thái đã chỉ
ra rằng chỉ có hai nhóm ý nghĩa sau đây mới đúng là các ý nghĩa tình thái:
-Tính khả năng, tính thực tế và tính cần yếu. Nhóm ý nghĩa này là cơ sở cho tình thái khách quan. (objective modality)‟
- Sự nghi ngờ, tính không chắc chắn (giả định khả năng) và tính dứt khoát. Nhóm ý nghĩa này là cơ sở cho tình thái chủ quan (subjective modality) [34, tr. 23].
J.Lyon phân chia làm ba loại tình thái: tình thái tất yếu và khả năng; tình thái nhận thức; tình thái nghĩa vụ.
Cao Xuân Hạo phân biệt hai loại tình thái khác nhau:
- Tình thái của hành động phát ngôn: tình thái này sẽ bộc lộ đầy đủ khi ta xét đến tình huống sử dụng. Tình thái của hành động phát ngôn thuộc lĩnh vực dụng pháp.
- Tình thái của lời phát ngôn liên quan đến thái độ của người nói đối với điều mình nói ra hoặc quan hệ giữa sở đề và sở thuyết của mệnh đề. Loại tình thái này thuộc bình diện nghĩa học.
Các loại tình thái chủ yếu của hành động phát ngôn gồm: tình thái nghi vấn, tình thái cầu khiến, tình thái cảm thán và tình thái trần thuật. Các loại tình thái chủ yếu của lời phát ngôn gồm: tình thái khách quan và tình thái chủ quan. Tình thái khách quan là dấu hiệu tất yếu của một phát ngôn, thể hiện mối quan hệ giữa cái được thông báo với hiện thực khách quan. Trong ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, tình thái khách quan được thể hiện qua các từ tình thái gắn liền với vị ngữ. Tình thái chủ quan thể hiện ở quan hệ của người nói đối với điều được thông báo và quan hệ giữa người nói đối với người nghe. Nó chỉ yếu được thể hiện bởi các trợ từ tình thái trong câu. Có thể thấy
95
rằng, cách phân loại của Cao Xuân Hạo thể hiện một quan điểm rất rộng về tình thái, cho phép người nghiên cứu có thể xử lý rất nhiều hiện tượng ngôn ngữ khác nhau trong một khung thống nhất là tình thái.