Mối quan hệ giữa tư duy và lôgíc học

Một phần của tài liệu Nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn Lôgíc học (Trang 37)

Cũng như mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, để hiểu được mối quan hệ giữa tư duy và lôgíc học chúng ta cũng phải đi từ nguồn gốc của vấn đề. Đó chính là từ trong sự ra đời của lôgíc học.

Lôgíc học ra đời từ rất sớm ở cả phương Tây lẫn phương Đông vào khoảng thế kỷ IV TCN, với những cái nôi như Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc. Thuật ngữ “lôgíc” xuất phát từ từ “logos” trong tiếng Hy Lạp, nó có hai nghĩa: từ, lời nói và tư tưởng, ý nghĩ, ý tưởng. Vậy chúng ta hiểu thuật ngữ lôgíc này theo nghĩa nào hay là cả hai nghĩa đều đúng.

Thực ra trong hiện thực tồn tại hai loại lôgíc cơ bản là lôgíc khách quan và lôgíc chủ quan. Trong đó, lôgíc khách quan chính là lôgíc của sự vận động, biến đổi không ngừng của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Ở nghĩa này, lôgíc khách quan đồng nhất với quy luật của sự vật. Mà quy luật của sự vật là cái mang tính tất yếu, nên lôgíc khách quan cũng là cái bất biến, tất yếu. Chẳng hạn như quy luật sinh tử, quy luật nước chảy chỗ trũng... Còn lôgíc chủ quan là lôgíc của nhận thức, của tư duy. Như vậy lôgíc chủ quan được đồng nhất với quy luật của tư duy, với quá trình con người nhận thức và phản ánh hiện thực khách quan. Suy cho cùng, lôgíc khách quan chính là nguồn gốc của lôgíc chủ quan. Từ sự nhìn nhận lôgíc khách quan mà trong con người hình thành nên lôgíc chủ quan. Bởi tư duy, nhận thức ra đời là để phản ánh sự vật và quy luật vận động của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.

Lôgíc khách quan (lôgíc của sự vật) là cái tồn tại bên ngoài con người, mang tính tất yếu và bất biến nên nó không là đối tượng nghiên cứu của lôgíc học. Mà lôgíc học với tư cách là một ngành khoa học, nó xác định cách hiểu về thuật ngữ lôgíc như sau:

Là khoa học về các hình thức và quy luật cua tư duy. Trong quá trình tư duy thì có tư duy đúng đắn và tư duy sai lầm. Tuy nhiên lôgíc học chỉ nghiên cứu tư duy ở

38

khía cạnh tính chân lý của sự phản ánh. Có nghĩa lôgíc học nghiên cứu phương thức làm thế nào để tư duy có thể phản ánh một cách đúng đắn và chân thực hiện thực khách quan. Hay nói cách khác, tư duy lôgíc giúp chúng ta tiếp cận hiện thực khách quan, chân lý và bản chất của sự vật hiện tượng bằng con đường ngắn nhất.

Là những mối liên hệ tất yếu có tính quy luật giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan cũng như giữa các ý nghĩ, tư tưởng trong tư duy, trong lập luận của con người. Cũng như các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, thì những ý nghĩ, tư tưởng không tồn tại độc lập, đơn lẻ mà chúng luôn có những mối liên hệ, sự ràng buộc lẫn nhau, từ cái này có thể suy ra cái kia. Lôgíc học chính là nghiên cứu chính quy luật đó, những mối liên hệ đó.

Như vậy, có thể nói ngắn gọn rằng: lôgíc học là khoa học về các hình thức và quy luật của tư duy đúng đắn dẫn đến chân lý. Mà tư duy hay tư tưởng chỉ có thể xuất hiện và tồn tại trên cơ sở chất liệu là ngôn ngữ. Vì vậy với chức năng vừa là công cụ giao tiếp vừa là công cụ của tư duy, ngôn ngữ không chỉ là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học, mà còn của cả lôgíc học. Nhưng khác với ngôn ngữ học, lôgíc học nghiên cứu ngôn ngữ với tư cách là chiếc cầu nối để dẫn đến tư duy, thông qua ngôn ngữ để hiểu và nắm bắt được các hình thức và quy luật của tư duy. Vì vậy tư duy chính là cầu lối cho việc tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lôgíc. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lôgíc chính là hệ quả tất yếu của hai mối quan hệ trên.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật chơi chữ của người Việt dưới góc nhìn Lôgíc học (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)