Nội dung

Một phần của tài liệu Văn hóa giao tiếp của cán bộ y tế các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ thực tiễn Bệnh viện Phụ sản Trung ương) (Trang 29)

Thứ nhất, quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở tại các cơ quan, qui định lễ tiết, tác phong, thái độ giao tiếp; ứng xử là văn hoá của người Việt Nam cho dù có đi đâu chăng nữa thì cốt cách, phong tục tập quán là những nét đẹp văn hoá đã thuộc về bản chất, thuộc về nét riêng của dân tộc Việt Nam thì không dễ gì thay đổi. Hơn nữa, nếu không có sự điều chỉnh bởi văn hoá giao tiếp thì rất có thể một số CBCCVC của ta sẽ “quên” phần nào cách ứng xử, giao tiếp và điều này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đội ngũ CBCCVC nói chung, đến đội ngũ cán bộ y tế nói riêng.

Văn hóa giao tiếp cần được qui chế hóa. Mục đích của quy chế nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức nói chung, của các bệnh viện nói riêng; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của CBCCVC trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ

CBCCVC có phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để đạt được mục tiêu trên là một yêu cầu không nhỏ đối với từng cá nhân CBCCVC trong các cơ quan, tổ chức. Theo đó, cần phải chấn chỉnh những tồn tại như: không thống nhất trong viêc bài trí cơ quan, đi muộn về sớm, đến cơ quan thì giành cho việc riêng quá nhiều (chơi game, tán gẫu, uống nước trà) thái độ làm việc hời hợt, khi tiếp xúc với nhân dân, người bệnh thì hách dịch, cửa quyền, gây khó dễ, thậm chí đòi hối lộ, tham nhũng. Đó là ý thức làm việc của CBCCVC, vì vậy làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, tính nghiêm túc của cơ quan, tổ chức.

Quy chế đưa ra các hành vi cấm như: không hút thuốc lá trong phòng làm việc; sử dụng đồ uống có cồn tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao.

Thứ hai, về trang phục, khi thực hiện nhiệm vụ, CBCCVC phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự; trường hợp có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật như: đội ngũ y bác sỹ, Lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm… Sự thống nhất từ trong nhận thức đến quá trình thực hiện là một điều không dễ, song để tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại thì việc mặc trang phục như thế nào lại là một vấn đề phải bàn và phải quy định cụ thể, có như vậy mới khẳng định được vị trí của cơ quan và thể hiện văn hoá trong cách ăn mặc, qua đó còn thể hiện sự tôn trọng tập thể và mọi người trong xã hội. Quy chế quy định về lễ phục, lễ phục được xác định là trang phục chính thức sử dụng trong các buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài. Theo đó, lễ phục của nam CBCCVC: bộ comple, áo sơ mi, cravat; lễ phục của nữ CBCCVC: áo dài truyền thống, bộ comple nữ. Đối với CBCCVC là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục. Đây là nét đẹp nhằm bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc và thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.

Thẻ CBCCVC được quy định trong khi thực hiện nhiệm vụ, CBCCVC phải đeo thẻ. Thẻ CBCCVC phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên, chức danh, số hiệu của CBCCVC. Việc quy định đeo thẻ CBCCVC tạo thuận lợi cho quá trình thực thi công vụ, giao tiếp, tiếp dân của CBCCVC. Tuy nhiên để thống nhất về mẫu thẻ và cách đeo thẻ thì Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, giao tiếp và ứng xử. Đây không chỉ là hai hoạt động có mục đích của con người mà còn là nhu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC. Vậy, hành vi giao tiếp, ứng xử như thế nào được coi là có văn hoá, CBCCVC nhằm thiết lập các mối quan hệ mà trong thực thi công vụ hướng tới. Theo đó, khi thi hành công vụ CBCCVC phải thực hiện quy định về những việc phải làm và những việc không được làm. Khi giao tiếp và ứng xử, CBCCVC phải có thái độ lịch sự, tôn trọng; ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt. Giao tiếp và ứng xử với nhân dân phải có thái độ nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc; đồng thời cũng quy định CBCCVC không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác. Có thể nói, đây là những quy định mang tính thể hiện ý thức của mỗi người, vì thế quy chế có thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra một phong cách ứng xử có văn hoá tuỳ thuộc rất nhiều vào thái độ tiếp thu và hoạt động nhận thức của mỗi CBCCVC trong các cơ quan, tổ chức. Quy chế cũng quy định hành vi giao tiếp qua điện thoại. Khi giao tiếp qua điện thoại, CBCCVC phải xưng tên, cơ quan, đơn vị công tác, trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.

Thứ tư, về bài trí công sở, bao gồm cả quy định về đặt biển cơ quan tại cổng chính, trên đó ghi rõ tên gọi đầy đủ bằng tiếng Việt và địa chỉ của cơ quan. Phòng làm việc phải có biển tên ghi rõ tên đơn vị, bộ phận, họ và tên,

chức danh CBCCVC; việc sắp xếp, bài trí phòng làm việc phải đảm bảo gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý; không lập bàn thờ, thắp hương, không đun, nấu trong phòng làm việc. Các cơ quan bố trí khu vực để phương tiện giao thông, không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc.

Một phần của tài liệu Văn hóa giao tiếp của cán bộ y tế các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ thực tiễn Bệnh viện Phụ sản Trung ương) (Trang 29)