Khái niệm, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục kỹ năng sống

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh trường tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội (Trang 30)

1.2.4.1. Khái niệm kỹ năng sống

Kỹ năng” là khả năng thao tác, thực hiện một hoạt động nào đó.

Kỹ năng sống là cụm từ được sử dụng rộng rãi nhằm vào mọi lứa tuổi trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Kỹ năng sống là những kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực cho phép mỗi cá nhân đối mặt với những thức thách của cuộc sống hàng ngày.

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về kỹ năng sống nhưng thống nhất trên những nội dung cơ bản sau;

Theo WHO (1993) “Năng lực tâm lý xã hội là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Đó cũng là khả năng của một cá nhân để duy trì một trạng thái khỏe mạnh về mặt tinh

thần, biểu hiện qua các hành vi phù hợp và tích cực khi tương tác với người khác, với nền văn hóa và môi trường xung quanh. Năng lực tâm lý xã hội có vai trò quan trọng trong việc phát huy sức khỏe theo nghĩa rộng nhất về thể chất, tinh thần và xã hội. Kỹ năng sống là khả năng thể hiện, thực thi năng lực tâm lý xã hội này. Đó là năng lực tâm lý xã hội để đáp ứng và đối phó với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày.[14, tr.81 ]

Theo UNICEF, giáo dục dựa trên Kỹ năng sống cơ bản là sự thay đổi trong hành vi hay một sự phát triển hành vi nhằm tạo sự cân bằng giữa kiến thức, thái độ, hành vi. Ngắn gọn nhất đó là khả năng chuyển đổi kiến thức (phải làm gì) và thái độ (ta đang nghĩ gì, cảm xúc như thế nào, hay tin tưởng vào giá trị nào) thành hành động (làm gì và làm như thế nào). [14, tr.81] Theo tổ chức Giáo dục và Khoa học văn hóa liên hợp quốc (UNESCO) kĩ năng sống gắn với trụ cột của giáo dục đó là:

* Học để biết gồm các kỹ năng tư duy như: Tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả…

* Học để làm gồm các kỹ năng thực hiện công việc và làm nhiệm vụ như: Kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm….

* Học để cùng chung sống gồm các kỹ năng xã hội như giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông.

* Học làm người gồm các kỹ năng cá nhân như ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin….

Như vậy kỹ năng sống chính là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả. Nói một cách khác, kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác, với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

1.2.4.2. Mục tiêu giáo dục kỹ năng sống

Giáo dục kỹ năng sống là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, là xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp học sinh có cả kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng thích hợp. Vì vậy, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học là giáo dục những kỹ năng mang tính cá nhân và xã hội nhằm giúp các em có thể truyền tải những gì mình biết (nhận thức), những gì mình cảm nhận (thái độ) và những gì mình quan tâm (giá trị) thành những khả năng thực thụ giúp học sinh biết phải làm gì và làm như thế nào (hành vi) trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.

Thông qua hoạt động giáo dục kỹ năng sống, học sinh được rèn luyện năng lực tư duy, chất lượng các môn học cũng như chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được nâng lên.

1.2.4.3. Nội dung giáo dục kỹ năng sống

Có rất nhiều kỹ năng sống mà con người cần học trong suốt cuộc đời như: kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng đồng cảm, chia sẻ, kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng kiểm soát tức giận, kỹ năng kiên định, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cạnh tranh lành mạnh, kỹ năng bảo vệ bản thân và cộng đồng…Đối với học sinh tiểu học, nội dung giáo dục kỹ năng sống cần tập trung vào các kỹ năng cơ bản cần thiết sau:

* Kỹ năng tự nhận thức: Tự nhận thức là khả năng hiểu biết, dánh giá được bản thân mình về tính cách, sở thích, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu… * Kỹ năng đồng cảm, chia sẻ: Đồng cảm và chia sẻ là sự cảm thông, thương xót, là sự cho đi hay giúp đỡ người khác cả về vật chất lẫn tinh thần bằng tất cả khả năng của mình giúp học vượt qua những khó khăn, hoạn nạn mà không mong muốn được đền đáp, trả ơn.

* Kỹ năng tư duy tích cực: Tư duy tích cực là những ý nghĩ lành mạnh, tích cực luôn đề cập đến niềm vui sướng, hạnh phúc và sự thành công trong mọi hành động, mọi tình huống.

* Kỹ năng kiểm soát tức giận: Là khả năng, cách thức con người nhận biết, xử lý một cách tích cực, hiệu quả những tình huống gây tức giận đối với bản thân để giữ mình ở trạng thái cân bằng, tỉnh táo.

* Kỹ năng kiên định: Là khả năng giữ vững lập trường, quan điểm, ý định, không dao động trước những cám dỗ, xúi bẩy, không nản chí trước những trở ngại, khó khăn.

* Kỹ năng giải quyết xung đột: Là khả năng nhận diện được các nguyên nhân gây ra xung đột và tìm kiếm được những lời nói và việc làm phù hợp để giải quyết xung đột.

* Kỹ năng hợp tác: Là khả năng làm việc với các cá nhân và các nhóm để thực hiện mục tiêu chung.

* Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ: Là khả năng nhận ra sự cần thiết của việc đề nghị giúp đỡ trong những tình huống khó khăn mà khó có thể tự mình giải quyết được.

Việc giáo dục các kỹ năng sống giúp các em có lối sống lành mạnh, biết tự khẳng định mình, biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, sẵn sàng giúp đỡ họ, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và thành công hơn trong cuộc sống.

1.2.4.4. Phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống

* Có hai cách tiếp cận trong giáo dục kỹ năng sống:

- Các hoạt động tập trung vào kỹ năng cốt lõi như kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử... Theo cách này, bằng hoạt động với chủ đề kỹ năng cụ thể, người học sẽ hiểu về kỹ năng sống đó và vận dụng để giải quyết các tình huống

- Mỗi kỹ năng gắn với một vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và cần vận dụng những kỹ năng khác nhau để giải quyết.

* Một số phương pháp thường sử dụng trong giáo dục kỹ năng sống - Phương pháp động não: Là phương pháp giúp cho người học trong thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó.

- Phương pháp nghiên cứu tình huống: Nghiên cứu tình huống thường là một câu chuyện được viết nhằm tạo ra một tình huống “thật” để minh chứng một vấn đề hay một loạt vấn đề.

- Phương pháp trò chơi: Là tổ chức cho học sinh chơi một trò chơi nào đó để thông qua đó mà tìm hiểu một vấn đề, biểu hiện thái độ hay thực hiện hành động, việc làm.

- Phương pháp nhóm: Là tổ chức để mọi người cùng tham gia trao đổi hay cùng làm về một vấn đề nào đó theo nhóm nhỏ tạo cơ hội có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến.

- Phương pháp đóng vai: Là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh trường tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)