Bên cạnh việc sử dụng các biểu tượng cũ thường dành cho người quân tử thì văn học giai đoạn này còn chứng kiến sự xuất hiện dày đặc của các hình ảnh và biểu tượng mang tính sắc dục và hơi hướng thân xác trong việc miêu tả người phụ nữ và thân phận của họ.
Để miêu tả người phụ nữ, như đã nói ở chương I, ngoài những yếu tố chung chung ước lệ, các tác giả còn rất quan tâm và nhấn mạnh đến vẻ đẹp khêu gợi, vẻ đẹp cụ thể của thân xác. Đó cũng là một biểu hiện của sự “quý thân, trọng thân”. Và những quan niệm này đã đem đến cho văn học rất nhiều các biểu tượng dục tính về người phụ nữ, đặc biệt trong thơ Hồ Xuân Hương. Các biểu tượng đó là: hang sâu, nhuỵ hoa, khoé âm nhai, hồng lâu,
thâm khuê, bánh trôi, mặt đất, chân mây.
“Hồng lâu còn khoá then sương
Thâm khuê còn rấm mùi hương khuynh thành”
“Đuốc vương giả chí công là thế Chẳng soi cho đến khoé âm nhai” “Nào hay con tạo trêu ngươi
(Cung oán ngâm)
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy hòn” (Tự tình III)
Các biểu tượng hang sâu, khoé âm nhai, hồng lâu, thâm khuê trong
Cung oán ngâm thực ra không phải là mới. Có thể bắt gặp những biểu tượng này trong văn học trước thế kỷ XVIII. Trong Truyền kỳ mạn lục, những biểu tượng như vậy xuất hiện trong lời nói táo bạo của các ma nữ khi nhắc đến những khao khát ái ân, hoan lạc. Trong Chuyện cây gạo, Nhị Khanh đã “dụ
dỗ” chàng lái buôn Trình Trung Ngộ bằng những lời lẽ rất khêu gợi và táo tợn như vậy: “Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào âm tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang
đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa”. Hoặc lời nói của hai nàng họ Đào, Liễu với chàng học trò Hà Nhân trong Chuyện
kỳ ngộ ở Trại Tây: “Từ ngày quan Thái sư qua đời, chúng em vẫn phòng thu khoá kín. Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa
hướng dương, để khỏi hoài phí mất xuân quang”. Có điều chúng được xếp vào những lời lẽ của giống “nguyệt quái hoa yêu” và xuất hiện không nhiều.
Những biểu tượng này có xuất hiện trong Cung oán ngâm, Chinh phụ
ngâm và Truyện Kiều nhưng nhiều nhất là trong thơ của Hồ Xuân Hương (nếu xét rộng hơn phạm vi 8 bài đã nêu): hang, giếng, khe, trống thủng, ốc nhồi, quả mít, cái quạt, động, đèo, kẽm, … Đỗ Lai Thuý chia các biểu tượng
trong thơ nữ thi sĩ họ Hồ ra làm hai loại: biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh. Biểu tượng gốc như: hang, động, khe, giếng, hầm, …, biểu tượng phái sinh như: cái quạt, miệng túi càn khôn, … Biểu tượng gốc theo ông, “liên quan đến siêu mẫu, mang ý nghĩa phồn thực cả trong văn bản thơ Hồ Xuân Hương lẫn trong ngôn ngữ thường ngày. Đó là kho trời chung mà nữ sĩ lấy
làm vô tận của mình riêng”. Biểu tượng phái sinh “chỉ có ý nghĩa phồn thực trong văn bản thơ Hồ Xuân Hương, còn ngoài vùng khí hậu ấy, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, nó không hề gợi đến cái ấy, chuyện ấy”. Hồ Xuân Hương không chỉ vay mượn các biểu tượng truyền thống trong văn học viết, mà còn mở rộng sang văn học dân gian, và có những sáng tạo và liên tưởng độc đáo của riêng mình. Đó là lý do những biểu tượng này trong thơ bà vô cùng phong phú, đa dạng.
Ngoài những loại biểu tượng chỉ người phụ nữ ở khía cạnh tính dục như trên, trong việc khắc hoạ đời sống tâm lý của người phụ nữ, còn có rất nhiều những biểu tượng là những vật thể nhân tạo nói lên dục vọng thầm kín của người hồng nhan: xiêm nghê, áo vũ, đệm hồng thuý, bóng bội hoàn, phòng tiêu, gương loan, dải đồng (dải thắt lưng), trướng ngọc, trướng đào, trướng hồng, rèm ngà, buồng không, buồng the, hương khuê, phòng không, loan phòng, ngọn đèn phòng động, gối loan, gối du tiên, gối chăn, chăn cù, nhẫn đeo tay, ngọc cài đầu, gương, trướng, khăn, giường, màn, thoa, trâm, son phấn, … Loại biểu tượng này chiếm ưu thế hơn hẳn loại trên, chúng
xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm, và cũng đóng vai trò quan trọng như các biểu tượng thiên nhiên trong việc miêu tả tâm lý người phụ nữ.
Cũng cần nói rằng có những biểu tượng trong số đó không phải là mới. Trong Truyền kì mạn lục, những đoạn tả cảnh ái ân (rất ngắn), những
bài thơ ghi lại cuộc hoan lạc giữa các ma nữ và những anh học trò, lái buôn cũng có nhiều các hình ảnh, biểu tượng loại này.
“Dải là cởi tháo trút hài thêu
Mộng tàn gối bướm bâng khuâng lạc” “Đầu cài én ngọc hình nghiêng chếch Lưng thắt ve vàng dáng ỏe oai”
“Cung sâu thưa điểm giọt rồng
Ngọn đèn soi tỏ trướng hồng lung linh
(Chuyện kì ngộ ở Trại Tây)
Trong Chinh phụ ngâm, có những đoạn các biểu tượng này xuất hiện liên tục:
“Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá
Gương lầu Tần dấu đã soi chung
Cậy ai mà gửi tới cùng
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư
Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi
Cậy ai mà gửi tới nơi
Để chàng trân trọng dấu người tương thân”
Những biểu tượng này dù là đồ vật nhân tạo nhưng lại có sức gợi rất lớn. Các biểu tượng như “phòng”, “đệm”, “gối”, “chăn”, “trướng”, “màn”, “đèn” … đều tạo ra không khí của những cuộc ân ái. Các biểu tượng còn lại: “ngọc”, “trâm thoa” gợi đến mái tóc, “nhẫn” gợi đến bàn tay, “son phấn”, “gương” gợi đến khuôn mặt, “dải đồng” gợi đến eo, lưng, “khăn” gợi đến hơi ấm, tất cả đều tạo nên cảm giác về mặt thân thể. Cung oán ngâm, Chinh
phụ ngâm đều tràn ngập không khí nhục cảm hơn là không khí tình yêu nam
nữ. Còn Truyện Kiều thì ngay cả trong mối tình của Kiều với Kim Trọng, Từ Hải, cũng có xuất hiện những không khí thân xác, bản năng qua các biểu tượng như vậy. Cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Từ Hải ngoài sự tâm đầu ý hợp của những người tri kỷ, thì cũng có cả không khí lứa đôi:
“Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên”
Và thái độ của tác giả ở đây không phải là phủ định, phê phán như trong Truyền kỳ mạn lục, mà ngược lại, thông cảm, trân trọng và lại có phần “cổ xuý” cho những khao khát ái ân đó. Nguyễn Gia Thiều đã tả cuộc “mây mưa” của nàng cung nữ với vua và cả niềm phấn khích không giấu giếm, che đậy:
“Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió
Áo vũ kia lấp ló trong trăng
Sênh ca mấy khúc vang lừng
Cái thân Tây Tử lên chừng Điện Tô”
Sự tràn ngập của các biểu tượng, hình ảnh mang tính sắc dục trong văn học viết về người phụ nữ là một phẩm chất mới mẻ so với việc sử dụng các biểu tượng thiên nhiên quen thuộc. Nó đưa lại một sức sống mới cho văn học, và cũng cổ xuý cho một xu hướng sau này sẽ xuất hiện trong thơ Nguyễn Công Trứ: nội dung hành lạc. Nó đưa văn học về gần với cuộc sống trần tục, đồng thời không làm mất đi tính tinh tế trong việc khắc hoạ tâm lý với những khao khát bản năng của người phụ nữ.