Sự xuất hiện ý thức con người cá nhân trong văn học

Một phần của tài liệu Vấn đề thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 29)

Trước hết cần phải khẳng định rằng trong văn học Việt Nam trước thế kỷ XVIII chưa có con người cá nhân. Con người trong văn là con người vũ trụ, tự nhiên, tâm linh và con người cộng đồng. Con người luôn nhìn nhận bản thân trong sự liên quan mật thiết với vũ trụ, coi mình là một phần của vũ trụ. Người ta đồng thời luôn đặt bản thân trong những mối liên hệ mật thiết với cộng đồng, cụ thể là trong “tam cương, ngũ thường”, với gia đình, họ mạc, làng xóm, quốc gia, dân tộc. Theo quan niệm về chức năng giáo hoá của nghệ thuật, văn chương đã trở thành công cụ “tải đạo, ngôn chí”. Cho nên trong các tác phẩm văn chương, đặc biệt của các nhà nho, con người chưa bao giờ xa rời Chí, Đạo để nhìn nhận bản thân và thể hiện những đòi

hỏi của riêng mình, ngay cả khi ở trong môi trường thiên nhiên, lánh xa những mối quan hệ xã hội như những người ẩn dật. Đạo chính là nội dung của Văn. “Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại và câu văn có khác nhau, nhưng đại để đều phải có nội dung là Đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn” (Lê Quý Đôn).

Hơn thế, Nho giáo là một học thuyết đề cao đức trị và sự học hỏi chứ không khuyến khích tài năng và sự phát triển. “Và một khi bất đắc dĩ phải thừa nhận một số phương diện tài năng nhất định nào đó, nó lại tung ra một khối lượng đồ sộ những sự ràng buộc, tiết chế, câu thúc để không cho năng lực đó giải phóng tận cùng” [29; 126]. Chính vì vậy mà “Nho giáo không kích thích hứng thú sáng tạo phát minh, không khẳng định sự băn khoăn tìm hiểu thế giới, coi kinh điển Nho giáo là thiên kinh địa nghĩa, không bao giờ kiểm tra, nghi vấn, đặt lại vấn đề” [29; 132]. Cùng với những lý do nội tại

như vậy, các nhà nho thông thường luôn có một chỗ dựa vững chắc cho tinh thần tư tưởng của mình ngay cả khi họ không được trọng dụng. Luôn có hai hướng giải quyết: hoặc hành đạo hoặc ẩn dật, hoặc xuất hoặc xử, hướng nào cũng đều là Nho giáo chính thống. Nhà nho cũng có thể tìm thêm lối thoát ở Phật, Đạo, nhưng những học thuyết này không đối lập và cũng không phủ định được Nho giáo.

Cho đến nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Nho giáo vẫn là học thuyết chủ đạo trong việc xây dựng quốc gia, mà Phật giáo cũng rất phát triển. Song đã có những sự biến chuyển về mặt tư tưởng dẫn đến sự phát triển của các yếu tố phi nho, phi chính thống. Những biến chuyển về mặt tư tưởng thực ra đã có nguồn gốc từ những sự kiện lịch sử trước đó. Sự kiện Lê Trung hưng đã đánh dấu một bước mới trong lịch sử thống trị của tư tưởng Nho giáo. Sự tồn tại cùng một lúc của vua và chúa, tình trạng “danh phận không rõ ràng” đã khiến các nhà nho nghi ngờ và thất vọng về vai trò

của Nho giáo chính thống trong việc xây dựng quốc gia, nhân cách. “Một triều đại thối nát cần phải thay bằng một triều đại mới tốt đẹp hơn luôn là mong mỏi của các nhà nho. Nhưng những gì diễn ra sau đời Lê Trung hưng là không thể chấp nhận được theo quan điểm chính trị - đạo đức của Nho giáo. Các nhà văn, nhà thơ đã vỡ mộng về vai trò mà họ hằng tin tưởng của đạo thánh hiền đối với sự nghiệp xây dựng quốc gia, xã hội, xây dựng nhân cách. Những biến chuyển tư tưởng ấy đã làm thay đổi quan niệm về bản chất và chức năng văn học, dẫn đến đổi mới trong sự lựa chọn đề tài, nhân vật, thể loại, ngôn ngữ, … Một thời kì văn học mới ra đời (…) Tất nhiên, như đã nói ở trên, không nên hiểu giản đơn là ngay lập tức sau Lê Trung hưng đã có sự thay đổi căn bản nền văn học. Trên thực tế, bất cứ một cuộc thay đổi nào cũng phải có một thời kì quá độ” [30; 75].

Trong văn học, thơ nói tình đã bắt đầu thay cho thơ nói chí, đạo. Nhiều tác giả tự xưng mình thuộc “nòi tình”, những người sống chủ tình, lấy “tài” và “tình” làm tiêu chí giá trị hàng đầu chứ không phải đức và lý. Như đã nói ở trên, Nho giáo không đề cao tài năng, “trong sự đối lập Tài và Đức, Tài bao giờ ít nhất cùng “kém Đức một vài phân”, “nhà nho không sợ bị chê bất tài, nhưng không dám nhận mình vô hạnh” (Trần Ngọc Vương). Nhà nho lại càng không đề cao tình. Nhưng giai đoạn này, văn học lại có rất nhiều những biểu hiện “vi phạm hạnh kiểm” của Nho gia. Xuất hiện một lớp nhà nho mới khác với hai mẫu hình chính thống trước đây: nhà nho tài tử, những người “đa tình” và “thị tài”. Mà “tài”, “tình” ở đây đều là những giá trị gắn với con người cá nhân.

Sự thất vọng về vai trò của Nho giáo, cùng với sự phát triển của đô thị, hình thành một xã hội thị dân, một môi trường kinh tế – văn hoá phi cổ truyền đã tạo những tiền đề cho ý thức con người cá nhân phát triển. Chỉ khi có ý thức cá nhân, con người mới có thể tạm tách mình ra khỏi những quan

hệ luân thường, đạo lý để bước đầu đòi hỏi hạnh phúc cho bản thân, chứ không phải để nêu gương, nêu đạo. Đó cũng là lý do để vấn đề thân phận được nêu lên trong văn học một cách thống thiết, xót xa, đầy trăn trở. Lần đầu tiên con người nghi ngờ, lần đầu tiên con người đặt câu hỏi về số phận và hạnh phúc của mình. “Sự khổ cực của người lính, nỗi đau biệt ly, nỗi buồn xa chồng của người chinh phụ cũng như cảnh goá bụa ngược đời của người cung nữ, đều không phải mới và không phải lúc đó mới biết đến. Thay đổi hay là làm cho những cái cũ đó thành mới phải là cách quan niệm con người khác trước, cách quan niệm thế giới – hay là cuộc đời (?) khác trước” [22; 453].

Song “đô thị phương Đông không phát triển giống như phương Tây. Nó ra đời sớm hơn, có những thời gian phát triển đến có quy mô rộng lớn, buôn bán sầm uất, lưu thông rộng rãi, nhưng dưới chính quyền đã tập trung cao độ từ rất sớm, có tổ chức chặt chẽ nắm vững nông thôn, thì các quan hệ tư bản chủ nghĩa không hình thành trọn vẹn (…) Trong cả đất nước nó cũng chỉ là cái bướu, cùng tàn lụi với cơ chế mà nó bám vào” (Trần Đình Hượu). Sự phát triển không thành thục đó dẫn đến một loại thị dân đặc biệt, một loại ý thức cá nhân đặc biệt, không giống như cá nhân của phương Tây. Cá nhân đó “lựa chọn một triết lý sống, một cách nhìn đời khác khuôn khổ” [22; 472], nhưng về cơ bản chưa vượt ra khỏi phạm trù con người trung đại. Điều đó sẽ phản ánh trong cách nhìn nhận và lí giải vấn đề thân phận con người trong văn học.

Nhưng cũng phải nói rằng cả sự loạn lạc, biến động dữ dội của thời này (những bè đảng thanh toán lẫn nhau, nội bộ tầng lớp trên có sự tranh giành quyền lực, sự thay thế liên tiếp của các triều đại trong một thời gian ngắn, số phận thảm khốc của những nhân vật kiệt xuất, … ) đã đẩy tâm lý con người hướng đến những sự sống hiện hữu, những giá trị hữu hạn, những

vấn đề thiết thân với cuộc sống trần thế hơn là hướng đến một mô hình xã hội lý tưởng quá khứ (kiểu Nghiêu – Thuấn) hay hướng đến tương lai lâu dài.

Một phần của tài liệu Vấn đề thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)