Hình tượng người tài sắc

Một phần của tài liệu Vấn đề thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 34)

Người tài sắc là hình tượng nổi bật trong các tác phẩm viết về thân phận người phụ nữ. Nàng cung nữ, nàng chinh phụ, Thuý Kiều, Đạm Tiên, … thuộc những giai tầng khác nhau trong xã hội, nhưng đều là những người tài sắc. Theo đó, có thể thấy rõ các tác giả không nhìn nhận theo quan điểm giai cấp.

Trước hết, cần phải nói rõ nội hàm của khái niệm “người tài sắc”. Nếu đơn giản hiểu rằng người tài sắc là người phụ nữ có tài có sắc, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Muốn hiểu một cách đầy đủ về hình tượng này cũng như mối liên quan mật thiết của nó với vấn đề thân phận, không thể không nói tới bối cảnh văn hoá và một loại nhân vật khác: người tài tử.

Như đã nói đến ở trên, giai đoạn này xuất hiện một lớp nhà nho mới – nhà nho tài tử – khác với loại nhà nho chính thống trước đây. Người tài tử xem “tài” và “tình” chứ không phải “đức” và “tính” làm nên giá trị của họ. Vậy quan niệm của họ về “tài” và “tình” là như thế nào?

Đối với các nhà nho nói chung, “tài năng cao nhất mà Nho giáo thừa nhận, là kinh bang tế thế. Nhưng sự kinh bang tế thế chỉ là sứ mệnh của một, hay một vài người chấp chính. Những năng lực khác là sửa sang chính đạo, “tri thiên mệnh”, “cơ mưu quyền biến khi có loạn để “phù nghiêng đỡ lệch” cho ngôi báu, có tài thao lược làm tướng cầm quân, có tài an dân, và rồi khi rỗi rãi ung dung vô sự thì mới đến “trước thư lập ngôn, cầm kì thi hoạ” [29; 126]. Cái “tài” của người tài tử không nằm ngoài quan niệm đó, tức là tài cầm quân, trị nước, tài năng học vấn và văn chương. Cái khác là ở thái độ nhìn nhận “tài”. Khác với những bậc quân tử trước đây thường “trọng nghĩa khinh tài”, luôn đặt “tài” dưới “đức” “một vài phân”, người tài tử “khoe tài”,

mong được trổ tài, thử tài để thoả mãn những hoài bão cá nhân, lập nên những sự nghiệp phi thường, và không ngại thể hiện điều đó vào văn học bằng hình tượng những người anh hùng thời loạn, hoặc những người tài tử ngông nghênh, phóng khoáng. Thái độ mới mẻ ấy xuất phát từ ý thức cá nhân đặc biệt của người tài tử: “các tài tử ra đời để thay thế các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm các văn đàn trước đây. Các tài tử ấy

học đạo thánh hiền nhưng suy nghĩ theo lối thị dân … Một trào lưu tư tưởng

mới manh nha trong lòng những chàng trai giỏi nhất của thời đại” (Phan Ngọc). Ngoài ra thì ở người tài tử, tài năng văn chương nghệ thuật cũng rất quan trọng và không tách rời “tình”. Khi phân tích người tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân của Trung Quốc, Trần Đình Sử đã khẳng định sự gắn bó mật thiết đó: “Tài đây là năng lực biểu hiện của tình, còn tình là sự cảm thông, xúc động đối với thế giới. Do vậy tài và tình không tách rời nhau, tình nhờ tài mà được biểu hiện”. Có thể thấy ý kiến tương tự ở Trần Nho Thìn khi ông phân tích nội dung “tài tình” trong Truyện Kiều. Quan niệm văn

chương gắn với tình cảm, cảm xúc tự nhiên của con người như vậy rất khác với văn học trước thế kỷ XVIII.

“Tình” ở đây có một trường nghĩa rất rộng. Theo Trần Ngọc Vương, thì người tài tử có những đòi hỏi thẳng thắn về tình yêu và hạnh phúc, trong đó tình yêu được khai phá ở thế đối lập với hôn nhân. “Đa tình” là sự say mê sắc đẹp, dễ xúc động với số phận người tài sắc. Theo chúng tôi, thì “tình” ở đây ngoài nghĩa tình yêu nam nữ, còn bao hàm cả tình cảm mang tính bản năng, những cảm xúc tự nhiên ở con người nữa. Ngoài ra thì “tình” cũng còn có nghĩa là sự xúc động với những người đồng cảnh ngộ, hay cảm xúc trước thân phận con người nói chung. Người tài tử là người sống “duy tình” chứ không phải duy lý. Mộng Liên Đường chủ nhân trong lời tựa cho Đoạn trường tân thanh, đã bàn về chữ “tình” như sau: “Bậc thánh quên tình, kẻ hạ

ngu không đạt đến tình. Nơi chung đúc của tình chính là bọn chúng ta” (“Thánh nhân vong tình, hạ ngu bất cập tình. Tình chi sở chung, chính tại ngã bối”). “Bọn chúng ta” ở đây chính là tác giả Nguyễn Du và những người say mê Đoạn trường tân thanh. Người tài tử sống theo tình cảm, cảm xúc tự nhiên của mình, chứ không gò ép mình vào những khuôn khổ cứng nhắc của “đạo”, không lấy mình ra làm những mẫu hình thánh nhân. Hơn nữa, họ còn là người có những cảm xúc mãnh liệt, phóng khoáng hơn người bình thường. Lối sống chủ tình ấy ở người tài tử đã được Trần Nho Thìn phân tích khá kỹ trong bài viết về triết lý Truyện Kiều, trong đó, ông cho rằng chữ “tài” ở đây có mối liên hệ mật thiết với chữ “tình”, nói lên một quan niệm mới về nghệ thuật và tình cảm, cảm xúc tự nhiên ở con người. “Như vậy, tài tình ở Truyện Kiều thực chất là sự gắn bó giữa xúc cảm và nghệ thuật” [30; 310]. Lối sống chủ tình ấy đã chi phối đến văn chương mạnh mẽ từ hệ thống chủ đề, đề tài, các mô típ, hình tượng, giọng điệu tác phẩm. Thơ chuyển từ nói chí, đạo sang nói tình, và các tác giả như Nguyễn Du, Phạm Thái, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, … thuộc cùng một kiểu “nòi tình”.

Cũng vì sống theo những cảm xúc tự nhiên, chân thật, mãnh liệt, người tài tử có sự say mê và xúc động đặc biệt đối với người tài sắc. Đầu tiên, người tài tử nhận thấy sự rung động, say mê trước sắc đẹp là điều hết sức tự nhiên, chứ không phải một thứ lòng “dục” xấu xa cần loại bỏ hoặc kiểm soát: “Chớ chê dạ khách tơi bời. Tượng đồng âu cũng rụng rời chân tay” (Hoa tiên); “Cho hay là thói hữu tình. Đố ai dứt mối tơ mành cho xong” (Truyện Kiều). Họ không còn cái nhìn khinh miệt, sợ hãi, xa lánh và lên án người đẹp như các nhà nho trước đây nữa. Sắc đẹp đã trở thành một thứ giá trị đối với người hồng nhan cũng như tài đối với người tài tử. Đồng thời người tài tử cũng nhận thấy một sự tương đồng giữa số phận của mình với người hồng nhan, mà từ xưa đã được khái quát thành những triết lý “tài tử đa

cùng”, “hồng nhan đa truân” và chắc cũng không thiếu những cảnh ngộ trong thực tế để người tài tử thấy được sự tương đồng ấy. Và sự đánh giá lại này đã phản ánh trong văn học những cách nhìn cảm thông đối với số phận người đẹp.

Quan trọng hơn, trong văn học, người tài sắc đã trở thành một nhân vật “đối trọng” với người tài tử, ngang bằng với người tài tử về mặt giá trị và tương đồng với người tài tử về mặt số phận. Các hình tượng cặp đôi “tài tử – giai nhân”, hay mô típ người hồng nhan là “cái bóng” của người tài tử đã nói lên điều này rất rõ. Nhưng người giai nhân ở đây ngoài sắc đẹp còn có một điểm chung quan trọng với người tài tử. Họ cũng thuộc loại người “tài tình”, sống chủ tình, duy tình, thậm chí đa tình. Ta sẽ thấy hầu hết những nhân vật nữ được miêu tả đều là những người ngoài đời thực không xa lạ với các tác giả, như cung nữ, chinh phụ, hay kĩ nữ, do đó có thể rất gần gũi với người tài tử về mặt tư tưởng, quan niệm, lối sống. Nói về “tài tình” trong Truyện Kiều, nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cho rằng khái niệm này không những gắn với loại nhà nho tài tử phong lưu, tự do, đa tình mà chính thực xuất phát từ tầng lớp kĩ nữ, ả đào rất đông đảo trong thời này. “Tài” ở đây chính là tài năng nghệ thuật, thi ca, âm nhạc, mà họ lấy làm nghề nghiệp sống chính. Còn “tình” là sự phong lưu tự do trong lối sống của họ, một phần cũng do đặc điểm nghề nghiệp của họ tạo ra. Cho nên, những kẻ “tài sắc” và “tài tình” ở đây chính là người kĩ nữ, ả đào: “Khi nói đến chuyện tài mệnh tương đố “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”, “Hại thay mang lấy sắc tài mà chi”, Nguyễn Du đã nghĩ đến những người nghệ sĩ của thời đại mình, những người theo đuổi thứ văn chương nghệ thuật và coi trọng cảm xúc. Quan sát lịch sử văn hoá xã hội nước ta từ cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX có thể thấy những nghệ sĩ ấy chính là các kĩ nữ, các cô đào hát với những thân phận đặc biệt” [30; 310].

Việc người tài sắc được xếp cùng bậc phong lưu tài tình cùng người tài tử đã in dấu lên hầu hết các tác phẩm cũng như tư tưởng chung của các tác giả. Nguyễn Du khi khóc thương cho Tiểu Thanh đã coi nàng là người “cùng hội cùng thuyền” với mình:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn Thiên vận kỳ oan ngã tự cư” (Nỗi hận kim cổ trời khôn hỏi Cái án phong lưu khách tự mang)”

Mộng Liên Đường chủ nhân khi viết về Nguyễn Du cũng thể hiện rất rõ quan điểm đó: “Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như Tử làm Truyện Thuý Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”. Các

nhà nghiên cứu cũng công nhận lớp người tài tình bao gồm cả người tài tử, người anh hùng và người tài sắc. Trần Đình Sử đã nhận xét về mô hình con người vũ trụ trong Truyện Kiều: “Cùng với mô hình con người vũ trụ là thái độ tôn xưng loại người tài tình, phân biệt với những người khác. Có thể nói có một quan niệm con người “đấng, bậc” chi phối sự cảm nhận và miêu tả. Đạm Tiên là “đấng tài hoa”, Kim Trọng là “bậc tài danh”, Từ Hải là đấng anh hùng, Thuý Kiều là “bậc bố kinh”[25; 128].

Như vậy, nói rằng hình tượng người tài sắc chỉ là người phụ nữ đẹp và có tài là chưa đủ. Cần phải hiểu sâu hơn nữa. Người tài sắc trong văn học giai đoạn này là những phụ nữ có sắc đẹp, tài năng, nhưng ở họ sắc đẹp là giá trị nổi bật hơn. “Tài” của người hồng nhan thường là tài năng về nghệ thuật, cụ thể là tài đánh đàn và làm thơ, là điều khiến họ gần gũi với người tài tử về mặt trình độ, tư tưởng, lối sống. Nhưng cái họ tự hào hơn cả, trân trọng hơn cả, và làm nên đặc sắc khác biệt của họ với người quân tử đồng

thời khiến họ trở thành “đối trọng” và ngang bằng với người quân tử về giá trị là sắc đẹp. Vì thế mà ngay ở các tiểu thuyết tài tử giai nhân của Trung Quốc (có ảnh hưởng lớn đến văn học giai đoạn này, đặc biệt ở truyện Nôm), nhân vật nam chính thường được nhấn mạnh ở cái tài “khi đặt bút viết thì mưa sa gió táp, khi mở miệng thì tú đoạt sơn xuyên”, thường là những “công tử tuổi trẻ tài cao, bảy bước nên thơ” [25; 40], trong khi nhân vật nữ chính lại thường được nhấn mạnh ở cái sắc “nếu không phải là thần nữ chốn Dao Đài, thì cũng là thiên nga xuống tắm vậy” (Xảo Liên chu). Và người tài sắc không chỉ có sắc, có tài mà còn có tình, thuộc cùng loại người “tài tình phong lưu” với những người tài tử, đều là những người sống “chủ tình”, “duy tình”, tự do, phóng khoáng theo đuổi những tình cảm, cảm xúc tự nhiên của mình, và có những cảm xúc mạnh mẽ, mãnh liệt khác “bậc thánh nhân” cũng như “kẻ hạ ngu”.

Từ quan niệm về người tài sắc như vậy, có thể tìm hiểu rõ hơn hình tượng này và mối liên quan chặt chẽ của nó với vấn đề thân phận. Vì sao vấn đề thân phận người phụ nữ nói riêng, thân phận con người nói chung lại gắn chặt với hình tượng này?

Như đã nói, người đẹp trong xã hội cũ thường có số phận bi thảm vì chính sắc đẹp của họ. “Những người đẹp thời xưa chỉ là công cụ phục vụ cho ham muốn nhục dục và tham vọng về chính trị của giới có chức quyền, trước hết là vua chúa. Chính vì chỉ được đối xử như là công cụ để thoả mãn dục vọng của bọn vua chúa và bọn quyền quý, bọn thương nhân giàu có, nên khi nhan sắc tàn phai, số phận của họ thật bi đát. Không những là nạn nhân của chế độ phụ quyền, nam tôn nữ ti, họ còn bị nhiều nhà tư tưởng của xã hội phong kiến lên án, miệt thị, xem họ như là nguyên nhân của nhiều tai hoạ cho quốc gia và gia đình” [30; 284]. Những phân tích của nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn đã cho thấy cơ sở thực tế về mặt văn hoá - xã hội của tư

tưởng “hồng nhan bạc mệnh”. Các tác giả giai đoạn này thì không nhìn nhận được nguồn gốc xã hội của quan niệm ấy. Họ chỉ tiếp nhận tư tưởng “hồng nhan bạc mệnh” như một “định đề” đã có sẵn trong lịch sử tư tưởng, và cả trong thực tế mà họ tận mắt chứng kiến. Nguyễn Gia Thiều hẳn không xa lạ với người cung nữ khi bản thân ông sống già đời trong nhung lụa phủ chúa. Thậm chí có những tài liệu còn ghi chép rằng Ôn Như Hầu hào hoa đa tình còn đùa cợt, trêu ghẹo những cô cung nữ ấy. Rồi cả trong thực tế lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc cũng không thiếu những “tấm gương” người đẹp bất hạnh điển hình. Lời bình của Kim Thánh Thán trong Kim Vân Kiều Truyện đã nói rất rõ điều đó: “Thử coi từ trước đến nay, những hạng giai

nhân tuyệt thế, được bao nhiêu kẻ chẳng bị dập vùi? Chiêu Quân đẹp nhất ba trăm cung nữ, sao tránh khỏi gió bụi đất Hồ. Quý phi được vua sủng ái như vậy, cũng không thoát được cái chết thê thảm ở Mã Ngôi; Phi Yến, Hợp Đức ai đặng hoàn toàn? Tây Tử, Điêu Thuyền cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Coi đó ta thấy tạo vật ghét sự hoàn toàn, hễ cho ai đủ cái này thì lại bớt đi cái khác. Sinh ra một đoá hồng nhan, bắt chịu mười phần dập gãy, phó cho một mảnh tài tình, bèn tặng ngay cho mười phần nghiệp chướng … Tức như nàng Tiểu Thanh ở Dương Châu, kể về tài, tình, sắc, tính thì không điểm nào không đứng vào bậc nhất, thế mà lại ghép ngay cho một anh chồng ngây ngô … Nhưng chẳng riêng gì Tiểu Thanh, phàm hạng con gái trong thiên hạ, hễ đã tài mạo song toàn mà sinh chẳng gặp thời thì giống như Tiểu Thanh hết thảy”.

Song giai nhân bất hạnh còn vì một lý do khác. Người tài sắc thời này rất có ý thức về giá trị của mình, và họ cũng khoe tài, khoe sắc như người tài tử “thị tài” vậy. Trong những tác phẩm mà người hồng nhan là “cái bóng” lộ liễu của người tài tử như Cung oán ngâm khúc, thì cái sự khoe tài, khoe sắc

những giá trị được đẩy đến mức cao nhất, còn vượt cả những “giới hạn” cổ điển của truyền thống: nàng tự ví sắc đẹp của mình còn hơn cả Tây Thi, Hằng Nga; tài thơ của mình trên Lý Bạch, tài vẽ tranh vượt cả Vương Duy , uống rượu giỏi như Lưu Linh và chơi cờ ngang bằng Đế Thích, tài đàn không khác gì Tư Mã Tương Như, tài sáo địch ngang với Tiêu Lang, múa hát giỏi hơn tiên nữ:

“Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn Ngẩn ngơ trời nhạn ngẩn ngơ sa Hương trời đắm nguyệt say hoa Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình Câu cẩm tú đàn anh họ Lý

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương Cờ tiên rượu thánh ai đang

Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm Cầm điếm nguyệt, phỏng tầm Tư Mã Địch lầu thu, đọ gã Tiêu Lang

Dẫu mà tay múa miệng xang

Một phần của tài liệu Vấn đề thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (qua một số tác phẩm tiêu biểu (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)