0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (144 trang)

Các cách lý giải vấn đề thân phận người phụ nữ

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XVIII - ĐẦU THẾ KỶ XIX (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU (Trang 69 -69 )

Rõ ràng vấn đề thân phận người phụ nữ nói riêng và vấn đề thân phận con người nói chung rất nổi bật trong văn học giai đoạn này. Nhưng các tác giả nhận thức và lý giải nó như thế nào? Nếu theo cách hiểu, cách nghĩ của chúng ta ngày nay, có thể lý giải sự bất hạnh của người phụ nữ là do xã hội nam quyền không có thiết chế luật pháp để bảo vệ cho người đẹp, hay do một xã hội Nho giáo hoá cao độ quá đề cao nghĩa vụ, bổn phận, đạo lý đến mức đi đến gạt bỏ, kiểm soát ngặt nghèo đối với cuộc sống vật chất và những nhu cầu cá nhân, riêng tư. Rồi còn có thể nói tới tính hạn chế của xã

hội “đức trị” mà nhà nho chủ trương để lý giải những nguyên nhân sâu xa của những người tài sắc cũng như cảm nhận về con người bé nhỏ. Nhưng đó không phải cách nhìn nhận và lý giải của các tác giả trung đại. Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, những tác giả xuất sắc nhất của thời này, chưa ai có thể vượt qua được thời đại của mình để nhận thức vấn đề thân phận nảy sinh từ những bất ổn trong cách xây dựng xã hội hay trong những mâu thuẫn giai cấp. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã nói rất đúng: “Hướng vào thực tại bằng tâm chí không dắt văn học đến con đường hiện thực” và “Nhìn thực tại thành cuộc đời, thành cuộc đánh ghen của Trời, Mệnh với Tài, Tình khó nhìn đúng những điều trông thấy”. Các tác giả không nhìn nhận nỗi khổ của người phụ nữ theo giai cấp, nếu có thì hình tượng chính của văn học sẽ không phải người tài sắc, mà phải là những người ở tầng lớp dưới luôn phải đối mặt với nỗi lo cơm áo, loạn ly vốn không phải hiếm trong thời đại này. Nhưng các tác giả cũng không hoàn toàn thoả mãn với kiểu “an mệnh” mà Nho – Phật - Đạo chủ trương từ trước tới nay. Từ góc độ cá nhân, trong những trường hợp cụ thể, cá thể của một số phận, một cuộc đời, các tác giả đã “chĩa” mũi nhọn vào những lực lượng hiện thực mà oán trách, tố cáo. Nhưng khi cố gắng lý giải nguồn gốc nỗi bất hạnh của những người tài sắc, những người nhỏ bé trong xã hội nói chung, thì dường như các tác giả lại đi đến những quan niệm duy tâm, bí ẩn.

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XVIII - ĐẦU THẾ KỶ XIX (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU (Trang 69 -69 )

×