0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (144 trang)

Thực tế số phận người phụ nữ trong xã hội nam quyền

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XVIII - ĐẦU THẾ KỶ XIX (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU (Trang 26 -26 )

Những tiếng khóc thương ai oán, những câu hỏi trăn trở về số phận người phụ nữ … không hẳn chỉ là sự “mượn lời” để nói lên tâm sự và nỗi sầu nhân thế của các tác giả. Sự “mượn lời” ấy cũng phải có những căn cứ thực tế của nó. Căn cứ ấy là số phận thực của người phụ nữ trong xã hội nam quyền.

Lẽ dĩ nhiên khi nói như vậy không có nghĩa rằng thừa nhận các tác giả trung đại cũng nhận thức được như nhà nghiên cứu hiện đại rằng trong một xã hội nam quyền, “trọng nam khinh nữ”, quyền lực rơi vào tay những người đàn ông, người phụ nữ trở thành những kẻ phụ thuộc và không có quyền làm chủ cuộc đời mình. Các tác giả chỉ nhận ra một thực tế rằng, người phụ nữ thường gặp nhiều bất hạnh, nhất là những người có tài, có sắc, nhưng họ không biết lý giải điều này như thế nào ngoài việc quy cho mệnh bằng

những triết lý duy tâm như: “hồng nhan bạc phận”, “hồng nhan đa truân”, “tài mệnh tương đố”, “bỉ sắc tư phong”, …

Xã hội phong kiến Việt Nam được xây dựng chủ yếu dựa trên học thuyết Nho giáo, có ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo. Nho giáo chủ trương xây dựng một xã hội “đức trị”, chủ yếu dựa vào sự tự giác và ý thức tu dưỡng đạo đức của mọi người “từ thiên tử cho đến thứ dân, ai ai cũng phải lấy tu thân làm gốc” (Đại học). Với mỗi loại người, Nho giáo có những quy định, tiêu chuẩn khác nhau song nhìn chung nữ nhi không được đánh giá cao bằng nam nhi. Việc “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” là của

người đàn ông, cụ thể hơn là của người quân tử. Vị trí của người phụ nữ được quy định bằng các mối quan hệ của họ với vua (quân), cha (phụ), chồng (phu), con trai (tử). Trong mối quan hệ đó, người phụ nữ là kẻ phụ thuộc và phục tùng. “… người hồng nhan có thể bất cứ lúc nào cũng trở thành nạn nhân của sự chuyên quyền độc đoán của đàn ông, số phận của họ lệ thuộc vào người đàn ông. Xã hội phân hóa giai cấp càng sâu sắc thì những kẻ có quyền lực chính trị và vật chất như vua chúa, quan lại, cường hào, thương nhân càng có nhiều quyền thế đối với phụ nữ (…). Người phụ nữ không có quyền lựa chọn riêng cho mình cách sống, cách ứng xử hay làm chủ thân xác và tâm lí của mình” [30; 283]. Nho giáo đề cao một kiểu mẫu phụ nữ lý tưởng, đó là liệt nữ, nhưng là ở “cái đức nhu đạo thuận tòng và sinh được cho các đấng tu mi kẻ nối dõi tông đường” [29; 126]. Cần phải nói rằng, những “tiêu chuẩn” đạt đến bậc liệt nữ đáng ghi vào sổ sách nhiều khi đã đi đến mức phản nhân đạo. Lỗ Tấn đã từng lên án quan niệm “tiết liệt” của Nho gia: “Căn cứ vào ý kiến của các nhà đạo đức bấy giờ thì đại khái “tiết” là chồng chết thì không được tái giá, cũng không chằng bậy với ai, chồng chết càng sớm, nhà nghèo thì “tiết” càng cao”. Người đàn ông có thể có năm thê bảy thiếp nhưng người phụ nữ phải trung thành với người chồng của mình: “Phụ nhân trinh cát, tòng nhất chi chung” (Phụ nữ chính chuyên, theo một chồng đến trọn đời _ Kinh Dịch).

Đối với người phụ nữ tài sắc, nguy cơ bị tranh đoạt, bị biến thành những món hàng, những công cụ chính trị còn lớn hơn. “Không có thiết chế hay luật pháp nào bảo vệ cho người phụ nữ có sắc đẹp tránh khỏi số phận bị cướp, bị bắt cóc hay bị tuyển mộ, bị dâng nạp, bị gả bán cho bọn quan lại, vua chúa hay những kẻ nhiều tiền lắm của. Những người đẹp thời xưa chỉ là công cụ phục vụ cho ham muốn nhục dục và tham vọng về chính trị của giới có chức quyền, trước hết là vua chúa” [30; 284]. Việc người đẹp bị tuyển mộ

vào cung làm thê thiếp của vua chúa đã trở thành một thứ thông lệ bắt buộc dưới nhiều triều đại. Đã vậy họ còn phải hứng chịu nhiều chỉ trích, phê phán từ phía các nhà tư tưởng. Cả Nho, Phật, Đạo đều có thái độ lánh xa, sợ hãi hoặc khinh miệt người đẹp. Nhẽ ra phải tìm nguyên nhân mất nước tan nhà ở chính những người cầm quyền thì các sử gia, nhà nho lại đổ lỗi cho người đẹp. Các mỹ nhân hầu hết đều bị coi là một thứ của vưu vật “ở ngoài nước là tai hoạ của vua chúa, ở trong gia đình là cái nợ đời “hồng nhan đa truân” [29; 132].

Cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, xã hội có những biến động dữ dội, tác động đến cuộc sống của tất cả các giai tầng, trong đó có phụ nữ. Những người phụ nữ lao động, bình dân thì đối mặt với cuộc sống khổ cực, nỗi lo loạn li, cơm áo. Nhiều bài ca dao thời này đã nói lên những nỗi khổ của người phụ nữ phải gánh vác, lo toan khi chồng đi lính:

“Ruộng nương ai chịu cấy cho Để thiếp ở lại, đói no vài đồng Lấy gì đóng góp cho chồng? Lấy gì chạy giỗ thổ công, ông bà? Lấy gì nuôi mẹ, nuôi cha?

Lấy gì thu xếp cửa nhà, chàng ơi?”

Những người phụ nữ quý tộc cũng không thoát khỏi vòng xoáy của những biến động triều chính, hoặc tham gia hoặc có thể trở thành công cụ phục vụ cho những âm mưu chính trị (có thể thấy điều này qua những chuyện ghi chép về Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan, công chúa Ngọc Lan, công chúa Lê Ngọc Hân trong Hoàng Lê nhất thống chí). Những người phụ nữ có sắc đẹp không chỉ trở thành công cụ

chính trị mà còn là nạn nhân của những kẻ quyền thế. Hoàng Lê nhất thống

đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ (…)”.

Ngoài ra, thời này tầng lớp những ả đào, kỹ nữ phát triển và ngày càng đông đảo ở các đô thị, được phản ánh nhiều trong các tác phẩm văn học (Cựu cơ ca của Phạm Đình Hổ, Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du)

cũng như một vài tài liệu khác (Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ). Điều này một phần bắt nguồn từ sự phát triển của các đô thị và sự xuất hiện nhiều các cao lâu tửu quán, nơi gặp gỡ của tài tử giai nhân. Người kĩ nữ là minh chứng rõ ràng và tiêu biểu nhất của thân phận người tài sắc trong xã hội.

Như vậy, vị trí yên ổn của người phụ nữ trong xã hội thời này đã không còn nữa mà luôn bị đe dọa bởi chiến tranh loạn lạc và sự hoang dâm của vua chúa hoặc những kẻ có quyền thế và tiền của.

Tuy vậy, những thế kỷ trước đó không phải là không có những chuyện tương tự xảy ra. Nhưng tại sao cho đến thời kỳ này văn học mới chú ý đến người phụ nữ và thân phận của họ? Đó là vì còn có những biến chuyển quan trọng về mặt tư tưởng.

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XVIII - ĐẦU THẾ KỶ XIX (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU (Trang 26 -26 )

×