Lý giải từ một góc độ cụ thể, các tác giả có thể dễ dàng chỉ ra và lên tiếng oán trách những kẻ đã gây ra nỗi bất hạnh của người hồng nhan. Nhưng khi nhìn nhận ở góc độ khái quát, nhận thấy sự bất hạnh, đau khổ của người tài sắc không phải là cá biệt, thì các tác giả đều cố gắng đi tìm nguồn gốc sâu xa hơn cho câu hỏi về số phận của người phụ nữ. Và tất cả đều dừng lại trước ngưỡng cửa của Mệnh.
Tư tưởng định mệnh nhìn chung là sự lý giải số phận con người bằng những quan niệm duy tâm, siêu hình. Theo thuyết định mệnh, con người không thể làm chủ được cuộc đời của mình. Số phận của họ đã được sắp đặt, quyết định bởi một đấng tối cao hay một thế lực siêu nhiên nào đó. Tư tưởng định mệnh phổ biến trong việc lý giải thân phận người phụ nữ cũng như thân phận con người nói chung.
Thực tế số phận người tài sắc thường được trừu tượng hoá thành các định đề như “hồng nhan bạc phận”, “hồng nhan đa truân”, “tài mệnh tương đố”, rồi “bỉ sắc tư phong”. Tư tưởng định mệnh của các tác
phẩm hiện ra thật bi đát, con người không có sự lựa chọn, không thể làm chủ cuộc đời mình, mà may mắn, mơ ước cũng phải nương theo Mệnh. Định mệnh đã trói chặt con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, con người không làm gì để thay đổi được. Nàng Kiều, nàng chinh phụ, nàng cung nữ, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, không ai có thể chống lại được với định mệnh. Điều ấy thể hiện ngay trong cấu trúc tác phẩm. Hầu hết sự chi phối của định mệnh đối với cuộc đời con người đã được khẳng định ngay ở đầu các tác phẩm:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” (Truyện Kiều)
“Oán chi những khách tiêu phòng Mà xui phận bạc nằm trong má đào” (Cung oán ngâm)
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên” (Chinh phụ ngâm)
“Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh” (Tự tình I)
Và sau đó, những câu chuyện, tình cảnh diễn ra hầu như chỉ còn là sự “minh hoạ” cho thuyết “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc phận”. Người tài sắc không chỉ an mệnh, biết mệnh, họ có chống đối, có nỗ lực để thay đổi số phận, nhưng dường như mỗi lần chống đối lại là một lần thất bại đắng cay
và dấn thân vào sâu hơn kiếp đa truân. Thuý Kiều đã chủ động đến với Kim Trọng mong thay đổi mệnh, tự tử để bảo toàn danh tiết, vạch trần bộ mặt Sở Khanh, trốn khỏi nhà Hoạn Thư để tự bảo vệ mình, … Nhưng rồi kiếp đoạn trường của nàng vẫn kéo dài tới mười lăm năm và kết thúc ở sông Tiền Đường, đúng như lời báo mộng của Đạm Tiên. Nàng cung nữ có tự tin nhan sắc hơn người sẽ đem lại cho nàng hạnh phúc, song cuối cùng đành cay đắng phó mặc cho số phận:
“Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh Thử xem con tạo gieo mình nơi nao”.
Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, tự tin, táo bạo như thế cũng đành buông trôi theo mệnh:
“Ấy ai thăm ván cam lòng vậy Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh”
Người chinh phụ kết thúc nỗi oán thán, than thở của mình bằng tiếng thở dài chấp nhận và giấc mơ đầy ảo tưởng:
“Đành muôn kiếp chữ tình là vậy Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau”
Con người trong các tác phẩm thường đi từ chống đối đến phục tùng số mệnh. Cảm quan nhỏ bé, yếu đuối, bất lực trước số mệnh là rất phổ biến. Trên thực tế, sự bất hạnh của người đẹp hay người tài tử là có thực, là phổ biến trong xã hội xưa. Nhưng việc giải thích nó bằng những định đề trừu tượng lại khiến con người không chịu mất công tìm hiểu sự thực, không nhìn thấy nguồn gốc thực tế của những cảnh ngộ đó. “Tài mệnh tương đố”, “hồng nhan đa truân” thực ra cũng xuất phát từ quan niệm và sự kì thị của Nho giáo đối với những người tài hoặc những người đẹp. Như đã nói, Nho giáo có cái nhìn không thiện cảm với tài năng hay sắc đẹp. “Ghen ghét nghi ngại tài năng, Nho giáo đề ra vô vàn điều phiền toái để “trêu gan” người có tài, có
chí. Một người tài hoa tót bậc, tự vỗ ngực “Bình sinh ngã tự tri” như Tô Đông Pha mà phải cay đắng thốt lên “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”, “ngã ngộ thông minh luỵ thử sinh”, mới cầu một cách lạ lùng là cầu cho con cháu đời sau đều ngu cả, càng ngu càng dễ làm quan đến bậc công khanh (…) Nho giáo thù ghét tài năng đến mức đề lên thành tướng số: tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc phận, tài tử đa cùng (…)” Quan niệm ấy dần dần được trừu tượng hóa thành cách lý giải số phận, đến thời này lại một lần nữa trở nên phổ biến.
Nho, Phật, Đạo đều chủ trương có Mệnh. Trong lịch sử tư tưởng phương Đông, chỉ Mặc gia là chủ trương không có mệnh. Mặc Tử nói: “Làm gì có mệnh, chỉ có lực thôi”. Nhưng Mặc gia lại không có sức ảnh hưởng lớn và phổ biến như Nho - Phật - Đạo. Ảnh hưởng lớn nhất là tư tưởng mệnh của Nho giáo. “Nho giáo chủ trương biết mệnh, an mệnh, chờ mệnh “không biết mệnh thì không thể nào là quân tử được”. Nhưng nếu chỉ cúi đầu nghe theo mệnh thì con người cũng sẽ thành không cố gắng, không chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cho nên Nho giáo chừa ra hai cánh cửa cho tự do: học hành làm cho con người khác nhau về trí và ngu, tu dưỡng làm cho con người có thể “cầu mệnh”, thay đổi số phận của mình. Con người phải tự chịu trách nhiệm chứ không chỉ đổ cho số mệnh” [22; 465]. Như vậy, Nho giáo chủ trương có mệnh nhưng mặt khác cũng cho rằng con người có thể có cách ứng xử phù hợp để phần nào làm chủ cuộc đời mình. Phật giáo cũng chủ trương có mệnh, nhưng lý giải theo thuyết duyên nghiệp. Những phúc phận, hay rủi ro của con người ở kiếp này là kết quả của sự tu nhân ở kiếp trước. Đó là một thứ tiền định mà con người cũng không thể nắm bắt, bởi hầu như không ai có thể “nhớ” được kiếp trước mình là ai, làm gì. Trong
Truyện Kiều, nhiều lần số phận bất hạnh của Kiều được lý giải là do nghiệp
nghiệp chướng gì. “Nghiệp” bắt nguồn từ ái, tức là sự thèm muốn của con người. Để chấm dứt cái “nghiệp” ấy, con người phải “trả nợ” ở kiếp này, hoặc phải thành tâm tu hành để chấm dứt nghiệp. Đạo giáo cũng chủ trương có “mệnh”. “Lão – Trang chuộng tự nhiên, phản đối tất cả cái gì là nhân vi: chính trị, đạo đức nằm trong số những cái nhân vi đó. Nhưng thế giới là một sự biến hoá vô cùng vô tận, cái này và cái kia chuyển hoá lẫn nhau, và bất cứ cái gì cũng ở trong những giới hạn, con người không thể can thiệp vào được. Đó cũng là mệnh. Người minh triết biết chỗ mình bị hạn chế và không làm việc vô ích là hòng thay trời (tự nhiên). An mệnh theo Lão – Trang không giống an mệnh, chờ mệnh theo kiểu Nho gia nhưng cũng là thấy chỗ mình bất lực, không dại dột ganh đua với tự nhiên” [22; 472].
Như vậy Nho - Phật - Đạo đều chủ trương con người có mệnh, chỉ có điều khác nhau ở cách giải thích nguồn gốc của mệnh và cách ứng xử với mệnh.
Một đặc điểm dễ nhận thấy của các tác phẩm là sự pha trộn các học
thuyết Nho-Phật-Đạo trong việc lý giải thân phận người phụ nữ. Do đó,
dễ thấy rất nhiều các khái niệm của Nho - Phật - Đạo đồng thời xuất hiện như: “thân”, “thiện tâm”, “Trời”, “thiện căn”, “phúc”, “phận”, “tiền oan”, “túc trái”, “túc khiên”, “tiền nhân hậu quả”, “nhân quả”, “tiền định”, “oan gia”, “trần duyên”, “nghiệp”, “tu”, “oan nghiệp”, “nghiệp duyên”, … Và các quan điểm này còn thể hiện trong cấu trúc tác phẩm, trong cách thức ứng xử của các nhân vật, trong quan niệm về nhân vật, trong những lời triết lý về cuộc đời, số mệnh.
Trong Truyện Kiều, giải thích vì sao một người tài sắc, thông minh,
trung hiếu tiết nghĩa đủ cả mà lại phải chịu nhiều oan khuất, đau khổ, quan niệm “tu thân” của Nho, “nghiệp chướng” của Phật, và nương theo tự nhiên
của Đạo đều được đưa ra. Nhiều lần tác giả đã nói đến “kiếp xưa”, “nạn xưa” của Kiều, điều khiến nàng phải “trả nợ” ở kiếp này:
“Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi” “Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm, sao đà thác cho?”
Nhưng quan điểm “Trời kia đã bắt làm người có thân”, rồi quan điểm về “thiện căn”, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” thì lại nghiêng về Nho. Và sự buông xuôi của nàng Kiều, khi đã trải qua hết nạn nọ đến nạn kia cũng có màu sắc của Đạo: con người đã thôi không còn oán trách cũng như tranh chấp với số mệnh.
Trong Cung oán ngâm, rất nhiều lần tác giả cũng thể hiện quan điểm của Phật giáo lý giải số phận của nàng cung nữ cũng như con người nói chung. Điều này không lạ, vì Nguyễn Gia Thiều ngoài đời cũng là người chịu ảnh tưởng của tư tưởng nhà Phật khá sâu sắc:
“Hẳn túc trái làm sao đây tá Hay tiền nhân hậu quả xưa kia Hay thiên cung có điều gì
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi”
Nhưng niềm tin vào giá trị của bản thân và tính nhập thế tích cực thì hình như lại không phải là của nhà Phật.
“Song đã cậy má đào chon chót Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người”
Như vậy, có thể bắt gặp rất nhiều sự pha trộn giữa các học thuyết khác nhau. Và ngay cả khi đã huy động hết tất cả các niềm tin tư tưởng – tôn giáo vào việc lý giải số phận, các tác giả cũng chưa hoàn toàn thoả mãn. Giọng
điệu cảm thương, ai oán, câu hỏi chất vấn và cảm giác bế tắc tràn ngập trong các tác phẩm đã cho thấy điều đó.
Khi đi tìm nguồn gốc của những số phận bất hạnh, có thể thấy rất rõ rằng các nhà nho tài tử chưa hẳn bằng lòng với cách lý giải từ trước đến nay: tất cả là do mệnh, hay do nghiệp. Vì thế trong các tác phẩm mới có rất nhiều câu hỏi, những câu hỏi thể hiện sự hoài nghi, nỗi băn khoăn day dứt về nguồn gốc sự bất hạnh của người hồng nhan:
“Đau đớn thay phận đàn bà Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?” (Truyện Kiều)
“Trong gang tấc mặt trời xa bấy Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu?” (Cung oán ngâm)
“Xanh kia thăm thẳm tầng trên Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” (Chinh phụ ngâm)
Rõ ràng có sự băn khoăn, nghi ngờ muốn tìm hiểu, đặt lại vấn đề. Sự băn khoăn day dứt ấy có lẽ nảy sinh từ quan niệm mới về “tài”, về “sắc”, về “tình”.
Tư tưởng định mệnh là cách lý giải thân phận của các tác giả trung đại, nhưng vấn đề là các tác giả tiếp nhận nó đến đâu. Hầu hết các tác giả - nhà nho tài tử đều không hoàn toàn tin vào định mệnh. Có sự hoài nghi nhất định, điều ấy thể hiện ở sự bế tắc, ở cách ứng xử của con người trước số phận, ở thái độ với những người tài sắc. Nhưng các tác giả không nhìn nhận số phận con người từ góc độ phân tích xã hội. Đúng như nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu khẳng định: “Với khuynh hướng về thực tại, với chủ nghĩa nhân đạo phát triển từ rất sớm, đến đây thực tại có thể thấy rộng hơn, cảm
nhận khá sâu sắc nhưng cũng không thành một khuynh hướng thẩm mỹ coi trọng “cái thực”[22; 477]. Xem xét tính chất thâm nhập của tư tưởng định
mệnh trong cấu trúc tác phẩm, các khái niệm và hệ thống nhân vật, có thể thấy nhận định trên là xác đáng.
Trước hết chúng ta hãy xem xét việc lựa chọn thi đề, thể loại, và cách thức triển khai chủ đề của các tác phẩm. Các thể loại như ngâm khúc, truyện thơ, thơ Đường không thích hợp cho một sự tiếp cận và phản ánh thực tại sâu rộng. Ngay tính chất ước lệ của các mô típ hình tượng đã cho thấy điều đó rồi. Các thi đề “cung oán”, “khuê oán” đã là sự chấp nhận một “định đề” về thân phận của những người chốn khuê phòng. Sự vay mượn cốt truyện tài tử giai nhân có nội dung “tài mệnh tương đố”, “tình là khổ” cũng là sự chấp nhận, “đón trước” về số phận nhiều gian truân của những kẻ “tài tình”.
Và trong cách thức triển khai chủ đề của tác phẩm, giãi bày tâm
trạng hay trình bày thân phận chìm nổi của người hồng nhan cũng thể hiện rất rõ lòng tin vào mệnh. Phần đầu các tác phẩm bao giờ cũng đưa ra một mệnh đề chung về thuyết định mệnh. Rồi tư tưởng ấy được nhắc đi nhắc lại trong suốt phần còn lại, thấm đẫm trong lời nói, lời oán của nhân vật. Nguyễn Gia Thiều đã có hẳn một đoạn triết luận dài về cuộc đời, về sự hư vô, về số mệnh trước khi đi vào phần tự sự về cuộc đời nàng cung nữ, trong đó có những câu nói đến con người bé nhỏ, vô nghĩa như một thứ đồ chơi trong tay con Tạo, không có một chút quyền chủ động nào:
“Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán Chết đuối người trên cạn mà chơi” “Quyền hoạ phúc trời tranh mất cả Chút tiện nghi chẳng trả phần ai Cái quay búng sẵn lên trời
Cứ mỗi lần nàng Kiều rơi vào cảnh sống tủi nhục là Nguyễn Du lại nguyền rủa Trời cao, lên án định mệnh.
“Hồng quân với khách hồng quân Đã xoay đến thế còn vần chưa tha”
Cứ như thể thân phận đau khổ ấy không phải do những lực lượng hiện thực gây nên, mà là do con Tạo ghét ghen nên cố tình đày đoạ. Các nhân vật đại diện cho những thế lực đã đẩy con người vào cảnh ngộ bi thảm, éo le ở góc độ cá thể, cụ thể đã bị lên án, nhưng ở góc độ khái quát hoá lại không hề được nhắc đến: các nhân vật ấy chỉ đóng vai trò như những công cụ của định mệnh mà thôi. Nhân vật nhà vua trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm
cũng thế. Cảnh bất hạnh của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương là hệ quả của một xã hội nam quyền “trọng nam khinh nữ”, và nữ thi sĩ cũng đã lớn tiếng vạch trần bộ mặt thật của bọn quân tử, bọn sư sãi. Thế nhưng khi triết lý về duyên phận, về cuộc đời thì chẳng còn thấy bóng dáng của những “trang nam nhi” đâu nữa, chỉ còn một người phụ nữ tủi hờn, trách móc số kiếp, duyên phận của mình và hy vọng vào sự may mắn của định mệnh:
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng Chém cha cái kiếp lấy chồng chung” (Cảnh chồng chung)
“Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ Sau giận vì duyên để mõm mòm” Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom” (Tự tình II)
“Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá, bạc như vôi” (Miếng trầu)
Xem xét tính luận đề trong Truyện Kiều, nhà nghiên cứu Trần Nho
Thìn đã chỉ ra rất xác đáng: “… các nhân vật phản diện xét đến cùng, chỉ có tính cách như là những công cụ của chủ nghĩa định mệnh. Cơ sở của nhận
định này là ở chỗ trong tác phẩm này, như hầu hết các truyện Nôm khác, hệ thống nhân vật về căn bản vẫn còn được chia làm hai loại – chính diện và phản diện. Và sự phân đôi này được duy trì bằng hệ thống các thủ pháp nghệ thuật dành riêng cho mỗi loại nhân vật” [30; 260].
Thuyết định mệnh cũng chi phối đến cả lô gích hành động của nhân
vật. Như đã nói, các tác phẩm hầu hết đều cho thấy sự ứng xử với mệnh đi từ chống đối đến phục tùng, tuy chưa phải là phục tùng một cách hoàn