Các hình ảnh, biểu tượng về nữ nhi và thân phận nữ nhi trong văn học thời này vô cùng phong phú, song tựu trung lại là những biểu tượng thiên nhiên quen thuộc trong văn học viết trước đó hoặc văn học dân gian: hoa, ngọc, hương, sương, nguyệt, tuyết, liễu, cỏ, cây, bèo, vườn hồng, con ong cái kiến, hạt mưa, thân lươn,… Trong các loại hoa và cây, ta lại bắt gặp những loại cây, hoa truyền thống trong văn học như: trúc, mai, lan, cúc, đào, hoa lê, phù dung, mẫu đơn, hải đường, tía hồng (chỉ chung các loại hoa có màu sắc), … Tuy sử dụng rất nhiều các biểu tượng truyền thống như vậy, nhưng cách cảm hiểu và vận dụng của các tác giả không hoàn toàn lặp lại giai đoạn trước. Bằng sự vận dụng vào những hoàn cảnh mới, các tác giả đã cấp cho những biểu tượng, hình ảnh đó những ý nghĩa mới.
Tùng, cúc, trúc, mai là những biểu tượng ưa thích của các nhà nho, nhà sư. Những loại cây này tượng trưng cho sự cao quý, trong sạch, vững vàng, khác lạ của khí tiết, nhân cách. Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn
Trãi, phần Hoa mộc môn có đến 3 bài về cúc, 3 bài về tùng, 3 bài về trúc, và 5 bài về mai. Tất cả các bài này đều để nói lên cái khí tiết trong sạch khác thường của người quân tử.
“Danh quân tử tiếng nhiều ngày Bảo khách tri âm mới biết hay
Huống lại nhưng nhưng chăng bén tục Trượng phu tiết cứng khác người thay”
(Trúc thi II)
“Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi Ưa mày vì tiết sạch hơn người Gác đông ắt đã từng làm khách Há những Bô tiên kết bạn chơi” (Mai thi I)
Ngoài ra các loại cây này còn xuất hiện rất nhiều trong các bài Mạn thuật, Thuật hứng, Tự thán, Báo kính cảnh giới, … và cũng mang ý nghĩa
tượng trưng tương tự:
“Cúc đợi đến thu hương chỉn muộn
Mai sinh phải tuyết lạnh chăng hiềm”
(Tự thuật IV)
Tính chất biểu tượng của các loại cây này dựa trên phẩm chất tự nhiên của chúng: trong những thời tiết khắc nghiệt như ngày đông lạnh giá, tùng, trúc vẫn xanh, và mai còn nở hoa. Các loài hoa thường nở vào tiết xuân, riêng cúc nở vào mùa thu, do tính lạ thường này mà các nhà nho yêu thích và liên hệ với phẩm giá cao đẹp khác thường ẩn giấu trong người quân tử, đặc biệt người ẩn dật:
“Người đua nhan sắc thuở xuân dương Nghĩ chờ thu cực lạ dường”
(Cúc _ Nguyễn Trãi)
Các nhà nho yêu thích những loài cây này và thường trồng chúng quanh nơi ở, đồng thời cũng chỉ những loài cây hoa như thế được coi là bạn của người quân tử
“Đám cúc thông quen vầy bậu bạn” (Tự thán V_ Nguyễn Trãi)
Những loại cây hoa này đặc biệt thường dùng trong thế đối lập với “khách tục”, chốn tục, nơi quyền quý, danh lợi, bon chen:
“Già ai ủ thông làm củi
Trẻ người yêu trúc mọc măng Nếu có công danh thì có luỵ
Cho hay dù có chẳng bằng chăng” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Trong văn học dân gian, biểu tượng “trúc”, “mai” cũng xuất hiện khá nhiệu trong ca dao, song với ý nghĩa khác hẳn. “Trúc” được dùng để chỉ người con gái xinh xắn:
“Trúc xinh trúc đứng đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
“Có nhiều trường hợp, “trúc”, “mai” được dùng xoắn xuýt với nhau thể hiện tình cảm đôi lứa thắm thiết (…) Trong ca dao, dân ca, “trúc”, “mai” được dùng để diễn đạt nhiều cung bậc của tình cảm, nhiều cảnh ngộ tình duyên” (Nguyễn Xuân Kính).
Ngoài tùng, trúc, cúc, mai thì còn một số loài cây, hoa khác cũng tượng trưng cho khí tiết thanh sạch của người quân tử. Đó là: thông, sen, liễu, lan, đa, …
“Nhà thông đường trúc lòng hằng mến Cửa mận tường đào bước ngại chen” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
“Lầm nhơ chẳng bén tốt hoà thanh, Quân tử kham khuôn được thửa danh Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh Riêng làm của có ai tranh” (Liên hoa _ Nguyễn Trãi)
Trong khi đó, các loài cây như “đào”, “mận” lại được sử dụng như biểu tượng của chốn quan trường, nơi quyền quý. Thành ngữ “tường đào ngõ mận” dùng để chỉ chốn kẻ hiền tài tụ họp, chốn triều đình.
“Ngày tháng kê khoai những sản hằng
Tường đào ngõ mận ngại thung thăng”
(Mạn thuật I_ Nguyễn Trãi)
“Đến trướng đào mận ngạc chăng thông Quê cũ ưa làm chủ cúc thông”
(Thuật hứng V_ Nguyễn Trãi)
“Nhà thông đường trúc lòng hằng mến
Cửa mận tường đào bước ngại chen”
(Nhân tình thế thái 46 _ Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ngoài ra “ngọc”, “trăng” cũng là những biểu tượng về vẻ đẹp phẩm giá của người quân tử:
“Lòng vô sự trăng in nước” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Trong các tác phẩm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, việc sử dụng các biểu tượng trên trong các tác phẩm vẫn khá phổ biến. Song các biểu tượng này lại mang những ý nghĩa khác. Sự chuyển nghĩa của các hình ảnh biểu tượng này chứng tỏ một sự chuyển đổi của cái nhìn nghệ thuật của các nhà thơ trước cuộc sống và số phận con người. Vẫn là “đào”, “mận”, “trúc”, “mai” ấy, từ ngữ ấy nhưng cái vỏ ngữ âm của “hình thức bên ngoài” đã rạn nứt bởi biến động thời đại và quan niệm của nhà văn về con người, đặc biệt là về người phụ nữ. Chính ở đây chúng ta nhận ra sự chuyển động, biến đổi của hình thức bên trong, hình thức của nội dung nghệ thuật. Cả một hệ thống cây, hoa – biểu tượng cho nhân cách, cốt cách người trượng phu, quân tử đã chuyển chức năng thi pháp, bắt đầu đảm nhiệm chức năng
biểu hiện ý nghĩa về vẻ đẹp người con gái, thân phận người hồng nhan, tình yêu đôi lứa.
“Trúc”, “mai” được Nguyễn Du sử dụng nhiều lần trong Truyện Kiều, không phải để chỉ khí tiết thanh sạch, cao quý mà để chỉ sự quấn quýt lứa đôi:
“Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” “Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông”
Cách sử dụng này của Nguyễn Du giống với trong ca dao: “Bao giờ sum họp trúc mai
Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm”
Các biểu tượng “nguyệt”, “hoa” cũng thiên về nhấn mạnh chuyện tình cảm đôi lứa, hoặc chuyện ân ái:
“Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng
Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa!”
(Cung oán ngâm khúc)
“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu” (Chinh phụ ngâm)
“Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!” (Truyện Kiều)
Các loài cây, hoa khác như “lan”, “liễu”, “sen” cũng được dùng để chỉ người con gái đẹp, chứ không phải người quân tử “an bần lạc đạo”:
“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai”
“Hương càng đượm lửa càng nồng Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen” (Truyện Kiều)
“Lan mấy đoá lạc loài sơn dã
Uổng mùi hương vương giả lắm thay” (Cung oán ngâm khúc)
“Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân” (Chinh phụ ngâm)
Ngay cả những biểu tượng đã thành “mẫu mực” cũng được thay đổi cách sử dụng. “Cúc”, “mai” nhiều lần được dùng với ý nghĩa tả người con gái:
“Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” (Truyện Kiều)
Còn “đào”, “mận” thì không còn được dùng để chỉ chốn quan trường, nơi quyền quý, vinh hoa nữa. Đi cùng với nhau trong các thành ngữ “sớm đào tối mận”, “ấp mận ôm đào”, các hình ảnh này lại dùng để nói tới chuyện ân ái lứa đôi, hoặc chơi bời trăng hoa:
“Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng” “Cho hay thục nữ chí cao
Phải người sớm mận tối đào như ai” (Truyện Kiều)
“Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt Lúc cười sương cợt tuyết đền phong” (Cung oán ngâm khúc)
Riêng “đào” còn được dùng để chỉ người con gái, với rất nhiều các sắc thái khác nhau. Người con gái đẹp thường được ví với bông hoa đào.
“Nào dạo lối vườn hoa năm ngoái Đoá hồng đào hái buổi còn xanh” “Thù nhau ru hỡi Đông phong
Góc vườn đãi nắng cầm bông hoa đào” (Cung oán ngâm khúc)
“Trướng tô giáp mặt hoa đào
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa” (Truyện Kiều)
Người con gái nhỏ bé, yếu đuối là “thơ đào”, người con gái đến tuổi lấy chồng là “đào non”, “yêu đào”, trinh tiết của người con gái được ví với “nhị đào”:
“Hổ sinh ra phận thơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong” “Vẻ chi một đoá yêu đào”
“Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì” “Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”
(Truyện Kiều)
Ngoài ra thì rất nhiều loài hoa khác cũng là biểu tượng cho người phụ nữ, thường là người phụ nữ đẹp. Trong đó đáng chú ý có hoa phù dung, loài hoa sớm nở tối tàn tượng trưng cho cả vẻ đẹp và thân phận mong manh của người hồng nhan:
“Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá Vẻ phù dung một đoá khoe tươi” (Cung oán ngâm khúc)
“Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung” (Truyện Kiều)
Trong khi các biểu tượng, hình ảnh trên thường đại diện cho nữ nhi hoặc tình cảm đôi lứa thì các biểu tượng như “bình bồng” (cánh bèo và cỏ bồng), “chiếc bách”, “hạt mưa” lại làm nổi bật thân phận con người. Trong văn học, “bình bồng” là những “mẫu gốc” gợi đến sự bơ vơ lưu lạc và thân phận nổi trôi nơi đất khách quê người:
“Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình Quy tứ dao dao nhật tự tinh”
(Mười năm xiêu dạt thân mình như cỏ bồng cánh bèo
Lòng mong ngóng muốn về nhà ngày nào cũng như cờ phất) (Quy Côn Sơn chu trung tác _ Nguyễn Trãi)
“Bình bồng còn chút xa xôi
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an” (Truyện Kiều)
Còn “hạt mưa” trong văn học dân gian thường chỉ sự may rủi của số phận người con gái:
“Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”
Đến giai đoạn này, các biểu tượng trên còn tăng thêm ý nghĩa về sự nhỏ bé, mong manh, thậm chí vô nghĩa của con người trước cuộc đời:
“Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê”
“Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh” “Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” (Truyện Kiều)
Còn biểu tượng “chiếc bách” thì không chỉ mang ý nghĩa về sự trôi dạt vô định mà còn có cả nỗi lo sợ bị vùi dập, đày đoạ trong cuộc đời dâu bể:
“Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh” (Tự tình I)
“Nàng rằng: Chiếc bách sóng đào Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may” “Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng E dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa” (Truyện Kiều)
Các biểu tượng như “ngọc”, “hương”, “hoa” rất quen thuộc trong văn học trước đó, chỉ những phẩm chất, giá trị tiềm tàng và cao quý của con người (cả quân tử và nữ nhi). Nếu có chỉ con người gặp trắc trở trong cuộc đời thì cũng với tinh thần: “ngọc không mài sao biết ngọc sáng, trầm không đốt sao biết trầm thơm”. Với việc vận dụng các biểu tượng này vào các ngữ như: “ngọc nát hoa tàn”, “cát lầm ngọc trắng”, “nát ngọc liều hoa”, “hoa thải hương thừa”, “hoa đã lìa cành”, “hoa giữa đường”, “dãi nguyệt dầu hoa”, … Nguyễn Du đã cấp cho biểu tượng này một sắc thái mới: sắc thái về thân phận bị vùi dập, giá trị bị chà đạp. Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, “các biểu tượng nghệ thuật thể hiện thân phận con người của
Truyện Kiều (…) cho thấy nỗi đau trải nghiệm của con người bé nhỏ”. Điều này chưa có trong văn học trước đó.
Như vậy, các biểu tượng hình ảnh quen thuộc trong văn học trước đây vẫn được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong văn học giai đoạn này, có điều đã mang những ý nghĩa khác hẳn so với các giai đoạn trước. Các hình ảnh, biểu tượng vốn được dùng để chỉ người quân tử và những phẩm chất cao quý của người quân tử đã được dùng để nói tới người phụ nữ và vẻ đẹp, giá trị của người phụ nữ. Rất nhiều biểu tượng, hình ảnh trong những ngữ cảnh mới đã phát sinh thêm nhiều ý nghĩa thiết thân với cuộc sống và con người trần thế. Một số khác đã tăng thêm những sắc thái mới do những cảm nhận về thân phận con người đưa lại.