5. Cấu trúc của luận văn
2.4.3. Đặc điểm cấu trúc phần kết
Phần kết của diễn ngôn có thể là lời chào, lời chúc, lời hỏi thăm, câu khẩu hiệu, lời cảm ơn… Phần kết là câu khẩu hiệu chiếm đa số và điển hình hơn cả. Câu khẩu hiệu thường ngắn gọn, mang nội dung tuyên truyền cổ động để tập hợp quần chúng, tỏ ý chí quyết tâm.
Qua tư liệu khảo sát, luận văn nhận thấy các câu khẩu hiệu được sử dụng trong phần kết thường có cấu trúc đặc trưng với các ý nghĩa cơ bản:
- Khẳng định, nhấn mạnh; - Tung hô;
- Thể hiện niềm tin vào một sự nghiệp hoặc hoạt động nào đó.
Với các câu khẩu hiệu có thể dễ dành nhận thấy cuối câu không thể thiếu là “muôn năm”. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Muôn năm là từ chỉ thời gian tồn tại năm này qua năm khác, lâu dài, mãi mãi, thường dùng trong lời tung hô, chúc tụng để bày tỏ ý mong muốn sự bền vững, lâu dài” [40, tr.651].
“Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” “Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm”
Số lượng câu khẩu hiệu loại này xuất hiện không nhiều trong tổng số các câu khẩu hiệu được khảo sát. Mục đích của tác giả khi dùng kiểu cấu trúc kết hợp này nhằm thể hiện cả ý nghĩa khẳng định nhấn mạnh và ý nghĩa tung hô. Ngoài ra, có thể thấy có những câu khẩu hiệu được dùng lặp đi lặp lại ở nhiều diễn ngôn:
“Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất, độc lập nhất định thành công!”
Cũng theo Từ điển Tiếng Việt: “Khẩu hiệu là những câu ngắn gọn mang nội dung tuyên truyền cổ động để tập hợp quần chúng, để tỏ quyết tâm hoặc để đấu tranh”.[40, tr.496]. Có 48 diễn ngôn được kết thúc bằng khẩu hiệu, được chia thành hai loại:
- Loại khẩu hiệu có mục đích khẳng định có cấu trúc dạng như trong khung sau:
Phần đầu Phần giữa Phần cuối
- Trường kì kháng chiến - Thống nhất độc lập - Kháng chiến - Kiến quốc Nhất định - Thắng lợi - Thành công Hình 2.9.Khung cấu trúc và các dạng kết có mục đích khẳng định Ví dụ:
“Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công!”
(Trích: “Lời kêu gọi nhân ngày 19-12-1950” - Hồ Chủ Tịch) - Loại khẩu hiệu mang tính chất tung hô có cấu trúc như sau:
Phần đầu Phần giữa Phần cuối - Kháng chiến - Việt Nam - Toàn dân - Thắng lợi - Độc lập và thống nhất - Đoàn kết Muôn năm
Hình 2.10.Khung cấu trúc và các dạng kết có tính chất tung hô
Ví dụ:
“Kháng chiến thắng lợi muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”
(Trích: “Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến” - Hồ Chủ Tịch) Cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa, độc lập thống nhất cho nước ta là điều xưng đáng. Vì vậy nó đáng được tung hô, được hưởng ứng.
Ngoài ra, cũng có thể phân loại khẩu hiệu theo tính chất lâm thời và thường dùng. Những khẩu hiệu thường dùng là những khẩu hiệu được dùng lặp lại trong các diễn ngôn. Đó là những khẩu hiệu tương đối phổ biến cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Ví dụ:
“Kháng chiến nhất định thắng lợi, Kiến quốc nhất định thành công.”
Những câu khẩu hiệu loại này luôn chiếm tỉ lệ cao.
Ngoài những câu khẩu hiệu thường dùng, nhận thấy còn có những câu khẩu hiệu lâm thời. Đây là những câu khẩu hiệu chỉ áp dụng trong những trường hợp, tình huống cụ thể, nhằm tới một mục đích hoặc một nhóm đối tượng nhất định. Vì tính lâm thời mà mục đích khẳng định hoặc tung hô thường cao. Ví dụ:
“Hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thân thiện! Các dân tộc châu Á đoàn kết muôn năm! Thế giới dân chủ thắng lợi muôn năm!
(Trích: “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới” - Hồ Chủ Tịch)
“Nước ta sẽ độc lập và thống nhất thật sự. Dân ta sẽ no ấm và giàu mạnh thật sự.”
(Trích: “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” - Hồ Chủ Tịch) Nhận thấy, các câu khẩu hiệu được tạo theo kiểu song hành cấu trúc hoặc đối cấu trúc để tạo vần điệu cho dễ đọc, dễ nhớ. Kết cấu theo loại cấu trúc này thường hay nhấn mạnh vào một yếu tố nào đó trong câu. Các yếu tố thường hay được nhấn mạnh trong các câu khẩu hiệu là những từ mang tính chất khẳng định và tung hô kiểu như “nhất định”, “muôn năm”… Những từ này tác động rất mạnh vào nhận thức người đọc. Câu khẩu hiệu sẽ làm tăng hiệu ứng tác động cho các diễn ngôn Lời kêu gọi bởi nó có tác dụng củng cố niềm tin nơi đồng bào vào một chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến của ta.
Không chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu, phần kết của diễn ngôn Lời kêu gọi có thể là lời chào:
“Chào thân ái và quyết thắng”.
(Trích: “Lời kêu gọi đồng bào bán gạo khao quân nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9-1949” - Hồ Chí Minh).
Có thể là lời cảm ơn:
“… cảm ơn các nước bạn, các nhân sĩ dân chủ nước ngoài, các đoàn thể và nhân dân Pháp đang hăng hái ủng hộ cuộc kháng chiến và quyền độc lập của Việt-nam ta”.
(Trích: “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng tám và ngày độc lập 2 tháng 9” - Hồ Chí Minh).
Hay lời hỏi thăm:
“Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Chính phủ, quân đội và đồng bào gửi lời thân ái hỏi thăm các thương binh, các gia đình tử sĩ, các đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm và kiều bào ở nước ngoài”.
(Trích: “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng tám và ngày độc lập 2 tháng 9” - Hồ Chí Minh).
Góp một phần không nhỏ vào việc tạo ra hiệu ứng nhấn mạnh, làm tăng tính biểu cảm cho các câu khẩu hiệu là dấu câu. Dấu chấm than (!) rất thích hợp với những câu loại này. Vì vậy số lượng dùng nó trong các câu cũng chiếm tỉ lệ vượt trội hơn hẳn. Các câu còn lại sử dụng dấu chấm (.) và dấu phẩy (,) hoặc xen kẽ, hoặc tách biệt.
Trong cấu trúc diễn ngôn Lời kêu gọi, ngoài ba thành phần như đã nêu trên gồm: Phần tiêu đề, phần hô gọi, phần kết, còn hai thành phần: Phần hiện trạng và phần kêu gọi. Hai thành phần này khá đa dạng, có cấu tạo phức tạp, khó có thể vẽ thành khuôn mẫu chung nên luận văn không đi vào khảo sát cấu trúc chi tiết như ba thành phần nêu trên. Liên quan đến đặc điểm của phần hiện trạng và phần kêu gọi sẽ được luận văn đề cập đến các đặc điểm về cấu trúc ngữ pháp, đặc điểm về mạch lạc, liên kết, lập luận và sử dụng từ ngữ… ở Chương 3.