6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
2.1.1 Móng nền
Như đã trình bày trong phần chương 1, đối với kiến trúc cổ truyền Việt, phần móng có những nét riêng. Đó là chúng ta chưa thấy những dấu vết móng mà diện tích bề mặt móng lớn hơn diện tích mặt sàn của công trình bên trên. Tuy nhiên, gần đây khi tìm hiểu về kết cấu bên dưới lớp nền của một dấu vết kiến trúc có niên đại thời Lý ở khu D, địa điểm 18 Hoàng Diệu, Hà Nội các nhà nghiên cứu đã phát hiện được lớp thực vật bao gồm cành và lá cây được rải bên dưới lớp đất sét đắp. Lớp thực vật này có thể được xem là móng của công trình mà diện tích bề mặt móng lớn
44
hơn diện tích mặt sàn của công trình. Tuy nhiên, do tư liệu chưa công bố, nên ở đây chúng tôi không thể đề cập một cách chi tiết cụ thể về dấu vết này. Những dấu vết móng kiến trúc thời Lý, Trần, Hồ được xếp vào nhóm “móng nền” bao gồm móng tháp, móng tường, móng bó nền, móng tam cấp. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, 15 dấu vết móng nền có niên đại thời Lý đã được phát hiện với 3 móng tháp, 2 móng tường, 6 móng bó nền, 4 móng tam cấp (PL1.B2). Dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến từng loại hình cụ thể.
2.1.1.1. Móng tháp: Trong cuốn “The evolution of Indian stupa architecture in East Asia” Eric Stratton cho rằng tháp, bản thân nó, là gò thánh tích lưu giữ tro hay di vật của những yếu nhân, thường liên quan tới Phật giáo [123]. Trong thời Lý, khoảng thời gian mà khi đó Phật giáo được coi là quốc giáo, tháp là một loại hình kiến trúc được xây dựng khá nhiều. Nhiều tài liệu thư tịch cổ của Việt Nam đều có chép việc xây dựng, trùng tu những ngôi tháp Phật trong thời kỳ này. Các bộ sử như “Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư” đều chép các vua thời Lý đã xây dựng nhiều tháp như vua Lý Thánh Tông xây ba tháp (tháp Đại Thắng Tư Thiên tức tháp Báo Thiên, tháp Tường Long, tháp núi Tiên Du tức tháp chùa Phật Tích), vua Lý Nhân Tông xây chín tháp (tháp Cảnh Long Đồng Khánh, hai tháp ngói sứ trắng ở chùa Diên Hựu, ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn, tháp Vạn Phong Thành Thiện tức tháp Chương Sơn, tháp Thất Bảo, tháp Sùng Thiện Diên Linh tức tháp chùa Đọi). Tuy nhiên, chiến tranh, loạn lạc liên miên, điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm khiến cho đến nay, nhiều ngôi tháp của một thủa vàng son này chỉ còn là những vết mờ ẩn chìm trong lịch sử.
Cho đến nay, ba ngôi tháp thời Lý sau đã được nghiên cứu phần móng tháp: Tháp chùa Phật Tích, tháp Tường Long, tháp Vạn Phong Thành Thiện tức tháp Chương Sơn.
Từ trước đến nay, tản mạn trong các báo cáo khai quật hay các bài viết đăng tải trên tạp chí Khảo cổ học, đã có những tác giả đề cập đến nền móng của những
45
ngôi tháp có niên đại thời Lý như Cao Xuân Phổ [74, 75], Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Văn Sơn [111], Đỗ Xuân Trung [103].
Ở đây chúng tôi không tiến hành phân loại móng tháp đã được phát hiện theo loại hình vật liệu cấu tạo hay hình thức kết hợp vật liệu mà dựa vào các nguồn tài liệu nói trên, chúng tôi sẽ đề cập đến dấu vết móng của những ngôi tháp này theo từng địa điểm, vì những lý do sau:
Thứ nhất, về cơ bản, có thể nhận thấy vật liệu sử dụng để đầm tạo móng các ngôi tháp nói trên khác nhau không nhiều. Để tạo phần móng tháp, những người thợ xưa đều sử dụng đất sét và sỏi. Riêng ở địa điểm tháp Chương Sơn có sự tham gia của đá gân vào trong thành phần vật liệu cấu tạo của móng tháp.
Thứ hai, theo chúng tôi, chúng ta mới có những cái nhìn hết sức khái quát, ban đầu về móng tháp Tường Long, tháp chùa Phật Tích.
Dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến từng địa điểm cụ thể. Hy vọng, qua đó, chúng ta có được những cái nhìn ban đầu về loại hình móng kiến trúc này.
Mặc dù tháp Tường Long có niên đại sớm hơn tháp chùa Phật Tích nhưng dấu vết móng tháp chùa Phật Tích xuất lộ rõ ràng hơn móng tháp Tường Long. Do vậy, dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến dấu vết tháp chùa Phật Tích trước. Sau đó, sẽ đề cập đến dấu vết tháp Tường Long.
* Địa điểm chùa Vạn Phúc (chùa Phật Tích) (PL4.Bv2-11, PL5.Ba1-3). Dưới đây, dựa trên Báo cáo kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học móng tháp thời Lý tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng bởi Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi sẽ đề cập đến dấu vêt móng tháp này [113].
46
Phần xuất lộ dấu vết tháp chùa Phật Tích có 3 tầng cấp. Đế tháp hình gần vuông với kích thước chiều Bắc-Nam 9,24m, chiều Đông-Tây 9,18m. Tường tháp dầy trung bình 2,5m. Các góc tháp uốn cong kiểu đao đình. Mặt tường tháp phía đông cho thấy phần nào cấu trúc của các tầng tháp như sau:
- Tầng 1: Chân của tầng này có kích thước chiều Bắc-Nam là 9,24m, thu dần đều lên phía trên, trung bình 19cm. Tầng này cao không đều, hai góc cao hơn với 26 hàng gạch (cao 1,63m), ở giữa chỉ có 24 hàng gạch (cao 1,44m).
- Tầng 2: Giật cấp vào không đều (góc phía bắc 3cm; góc phía nam 2,1cm; ở giữa 9cm). Tầng này có 16 hàng gạch, cao trung bình 98,5cm.
- Tầng 3: Giật cấp thu vào trung bình 18cm so với tầng thứ 2. Tầng này bị thời sau phá huỷ mạnh, không còn nguyên vẹn ở tất cả các phía, đặc biệt ở phía nam tường hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Phía bắc một số vị trí còn nhận được tầng này có 10 hàng gạch xếp.
Đáng chú ý, phía bên ngoài dấu vết tháp chùa Phật Tích, ở độ cao từ 9,6m đến 11,47m so với độ 0 giả định, xuất lộ 1 lớp vật liệu dầy 1,87m gồm nhiều lớp, cứ một lớp sỏi dầy 3-5cm là một lớp đất sét đồi dầy trung bình 5cm.
Theo những người phụ trách khai quật, thì dấu vết tháp xuất lộ tại chùa Phật Tích là phần móng tháp, nằm hoàn toàn trong lòng đất. Và lớp vật liệu bao quanh bao gồm các lớp đất sét đầm đan xen với các lớp sỏi chính là phần gia cố móng tháp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây không phải là phần móng tháp vì những lý do sau:
47
Thứ nhất, phần tháp xuất lộ ở chùa Phật Tích có nhiều nét tương đồng với dấu vết tháp Tường Long. Về dấu vết tháp Tường Long, có nhiều quan điểm khác nhau. Nguyễn Duy Hinh và Tống Trung Tín cho đây là phần nền tháp [26, 86]. Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Văn Sơn, Đỗ Xuân Trung coi đây là phần móng tháp [111, 103]. Trên cơ
sở so sánh với các mô hình tháp trên gạch thời Lý phát hiện được tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, chúng tôi cho rằng phần tháp xuất lộ ở địa điểm chùa Phật Tích chính là 3 tầng cấp bên dưới tòa sen của tầng đế tháp (PL5.Ba4.a1-3).
Thứ hai, cao độ của lớp vật liệu bao bên ngoài và 3 tầng tháp còn lại cho thấy lớp vật liệu này bao gần trọn 3 tầng tháp. Mặc dù vậy, cũng không nên coi đây là phần móng tháp. Giống như trường hợp hệ thống cột âm ở kiến trúc hố B3 địa điểm 18 Hoàng Diệu, Hà Nội (PL5.Ba4.a4-5).
Thứ ba, quan sát dấu vết tháp trên hiện trường và địa tầng khu vực xung quanh, chúng tôi nhận thấy bên dưới chân tháp này bắt đầu xuất lộ lớp vật liệu bao gồm đất sét và sỏi nhỏ đầm chặt (PL5.Ba3.a5-6). Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, phần được coi là móng tháp ở đây chính là lớp vật liệu bao gồm đất sét, sỏi bên dưới ba tầng cấp nói trên. Các lớp đất sét, sỏi bao quanh nên được xem là phần gia cố chân tháp. Rất tiếc, do hạn chế về diện tích nên những người phụ trách khai quật không thể tiến hành đào rộng và sâu xuống để tìm hiểu cấu tạo lớp móng bên dưới chân tháp. Do vậy ở đây ngoài thông tin về móng tháp được đầm bằng đất sét và sỏi chúng ta không biết được cấu tạo cụ thể của nó như thế nào? Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có những thông tin đầy đủ hơn về móng của ngôi tháp này.
* Địa điểm tháp Tường Long: Di tích tháp Tường Long được khai quật hai lần vào các năm 1979 và 1998. Đợt khai quật lần thứ nhất đã phát hiện được “Nền
48
tháp Tường Long hình vuông lòng rỗng. Tường tháp bao quanh dày 3m. Phần lòng được nện đất rất chặt, rắn. Móng tháp có ba tầng xây giật cấp, chồng lên nhau. Tầng dưới cùng mỗi cạnh dài 7,86m, tầng thứ hai 7,36m, tầng trên cùng 6,92m. Như vậy, mỗi tầng xây hẹp vào từ 0,50m đến 0,56m. Bề mặt của vạt tường trên cùng là 2m. Tường tháp không bằng phẳng mà uốn cong ở bốn góc kiểu góc đao đình”
[111, tr.65].Đợt khai quật lần thứ hai phát hiện được “Móng tháp là một khối hình vuông, lòng rỗng, móng xây hai tầng giật cấp chồng
lên nhau. Tầng dưới cùng mỗi cạnh dài 7,95m, tầng thứ hai dài 7,45m. Chiều rộng của mỗi thềm giật cấp là 2,25m. Tường móng tháp được uốn cong ở 4 góc theo kiểu mái đao đình” [103, tr.73] (PL5.Ba5-6).
Theo như Đỗ Xuân Trung, người phụ trách đợt khai quật tháp Tường Long lần thứ hai thì kết quả khai quật tháp Tường Long năm 1978 của Viện Khảo cổ học khẳng định tháp Tường Long được xây dựng năm Long Thụy Thái Bình thứ 5 thời vua Lý Thánh Tông, tức năm 1058. Nhưng qua khai quật, các cán bộ Viện Khảo cổ học chưa phát hiện được dấu vết, hiện vật chứng minh khu vực tháp Tường Long là một tháp hay cụm tháp. Đỗ Xuân Trung dựa vào sự khác biệt giữa dấu vết tháp phát hiện được qua hai lần khai quật đã cho rằng “trên đỉnh núi tháp vào thời Lý đã từng tồn tại ít nhất là 2 cây tháp thờ Phật” [103, tr.77].
Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Văn Sơn và Đỗ Xuân Trung đều xem dấu vết tháp Tường Long phát hiện được là phần móng tháp. Như đã trình bày ở phần trên, dấu vết tháp Tường Long có nhiều điểm tương đồng với dấu vết tháp chùa Phật Tích và theo chúng tôi, đây chính là một phần của tầng đế tháp, phần nằm bên dưới tòa sen. Phần chân tháp này được gia cố bằng lớp đất và đất núi trộn sỏi bao xung quanh rộng 3-4m. Phía ngoài lớp gia cố chân tháp này được bó bằng tường gạch và đá hộc. Rất tiếc, các tác giả của cả hai bài viết nói trên đều không đề cập đến lớp vật liệu bên dưới chân dấu vết tháp mà họ phát hiện được. Chúng tôi cho rằng có thể, lớp
49
vật liệu bên dưới đế tháp Tường Long - phần móng tháp, cũng được đầm tạo bởi đất núi và sỏi nhỏ tương tự như lớp gia cố xung quanh chân tháp.
* Địa điểm tháp Vạn Phong Thành Thiện (tháp Chương Sơn): Dưới đây, dựa trên Báo cáo khai quật di tích Ngô Xá (xã Yên Lợi, huyện ý Yên, tỉnh Nam Hà) được xây dựng bởi Cao Xuân Phổ và cộng sự, chúng tôi sẽ đề cập đến dấu vết tháp phát hiện được tại di tích này [74] (PL5.Ba7-9). Theo những người phụ trách khai quật“Móng được đào trên đỉnh núi sâu vào nền đá núi trung bình 1,80m (đoạn phía nam sâu nhất 1,96m, đoạn phía tây nông nhất 1,60m), thành một hình vuông, có cạnh dài 9,50m, bốn góc lại được đào ốp thêm ở ngoài 4 hình thước thợ sâu trung bình 1,65m. Trong hố nền, từ độ sâu 1,80m đến 1,60m là một lớp đá gân nhỏ bằng quả trứng vịt lẫn với đất đỏ nện chặt, từ độ sâu 1,60m đến 1,00m thì cứ mỗi lớp đá gân này dày 5 đến 10cm lại xen một lớp sỏi lẫn đất đỏ dày 2-3cm cũng nện chặt, có 4 đến 6 lớp đá gân và 4 đến 6 lớp sỏi. Trên cùng là một lớp sỏi trộn lẫn với đất đỏ dày 1,0m. Nền đá gân và đá gân-sỏi này rất cứng, rất chắc (phải dùng cuốc chim để đào). Ở độ sâu 1,07m trong 4 rãnh đào ở đỉnh đều thấy một vệt than củi cháy đen rộng 10 đến 21cm, vệt than này có lẽ khép lại thành một hình vuông (4,8x4,8m) nằm trong nền đá gân, chúng tôi chưa rõ tác dụng và ý nghĩa của chúng” [74, tr.28-29].
Như vậy, để tạo móng tháp, người ta đào một hố hình vuông có kích thước một cạnh là 9,5m, sâu 1,6-1,96m, trung bình 1,8m. Vật liệu được đầm thành từng lớp, từ dưới lên trên như sau: Dưới cùng là lớp đá gân nhỏ bằng quả trứng vịt lẫn với đất đỏ nện chặt dầy 20cm. 60cm tiếp theo phía trên lớp này là sự đầm đan xen của bốn đến sáu lớp đá gân với bốn đến sáu lớp đất đỏ lẫn sỏi. Mỗi lớp đá gân này dầy 5-10cm. Mỗi lớp đất đỏ lẫn sỏi dầy 2-3cm. Trên cùng là lớp đất đỏ lẫn sỏi dầy 1m.
Như vậy, với tình hình tư liệu có phần hạn chế nói trên, chúng ta mới chỉ có cái nhìn ban đầu về móng tháp thời Lý. Căn cứ vào kích thước tầng đế tháp Phật Tích, tháp Tường Long và móng tháp Chương Sơn, có thể thấy móng tháp thời Lý
50
hình trụ vuông, kích thước một cạnh bề mặt phải hơn 10m, được tạo bởi đất sét và sỏi là chủ yếu, riêng ở móng tháp Chương Sơn có sự tham gia của đá gân vào thành phần vật liệu cấu tạo. Các loại vật liệu được đầm thành lớp.
2.1.1.2 Móng tường: 02 dấu vết, phát hiện được ở địa điểm 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) (PL1.B1-B2).
Dấu vết thứ nhất chạy theo chiều Bắc-Nam ở phía đông kiến trúc khu A. Phần xuất lộ dài 78m, rộng chừng 1,7m, dầy 25-30cm. Vật liệu đầm móng bao gồm đất sét, sành, sỏi. Sỏi thường có kích thước rất nhỏ và được đầm chặt với đất sét, sành (PL4.Bv15, PL5.Ba10).
Dấu vết thứ hai chạy theo chiều Đông-Tây ở phía nam khu A. Trên hiện trường cho thấy, phần móng này chạy theo chiều Đông-Tây, bị thời sau phá huỷ mạnh, một số vị trí mất hoàn toàn. Phần móng này còn hai đoạn. Đoạn 1 dài 1,7m, rộng 1m và có thể
còn tiếp tục phát triển vào vách đông. Đoạn 2 nằm cách đoạn 1 6,4m về phía tây. Phần xuất lộ dài 11m, rộng không đều nhau do bị thời sau phá huỷ, dầy trên 20cm. Vật liệu được dùng để đầm móng bao gồm đất sét và sỏi là chủ yếu. Ngoài ra, cũng thấy sự có mặt của các loại vật liệu khác như ngói, sành (PL4.Bv16, PL5.Ba11).
Khu B, phạm vi hố B3 và B5 cũng có dấu vết móng tường tương tự và nằm thẳng hàng với dấu vết móng tường thứ hai này. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu chúng thuộc cùng một hệ thống móng tường chạy dài theo chiều Đông-Tây, có thể còn tiếp tục ăn vào vách đông và sẽ khớp nối với phần móng sỏi chạy dọc theo chiều Bắc-Nam ở khu A. Có ý kiến cho đây là móng của một bức tường rất lớn phân chia các khu vực bên trong của Cấm thành. Điều đặc biệt khi
51
nghiên cứu xem xét các kiến trúc trong phạm vi phía bắc của dấu vết móng tường thứ hai này, đều thấy chúng không phát triển vượt qua đường móng.
Qua hai dấu vết móng tường nói trên, có thể thấy móng tường thời Lý được tạo bởi ba loại vật liệu chủ yếu là đất sét, sỏi và sành. Ngoài ra, ở dấu vết móng tường thứ hai còn thấy sự tham gia của một loại hình vật liệu khác đó là ngói. Các loại vật liệu đều được đầm nện chặt.
2.1.1.3 Móng bó nền: 06 dấu vết, phát hiện được tại 3 địa điểm. Đó là địa điểm 18 Hoàng Diệu, di tích đàn Nam Giao (Hà Nội) và chùa Lạng (Hưng Yên). (PL1.B2-3). Căn cứ vào thành phần vật liệu cấu tạo, những dấu vết móng bó nền tại các địa điểm nói trên có thể phân thành 3 kiểu sau:
* Kiểu 1: Móng bó nền tạo bởi đất sét, sỏi. 04 dấu vết, phát hiện được ở địa điểm 18 Hoàng Diệu và chùa Lạng. Tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, dấu vết móng bó