Giá trị lý luận về bạo lực cách mạng

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn diện giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 112)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân. Trong đó, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp ở mức độ nhất định các hoạt động quân sự và nổi dậy của quần chúng. Trong đó, đấu tranh vũ trang giữ vai trò chủ yếu, quyết định từ ngày đầu kháng chiến đến khi cuộc kháng chiến kết thúc. Trong các hoạt động vũ trang, chúng ta đã tiến công địch cả ở thành thị và nông thôn với lực lượng chủ lực quân của cách mạng là giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp yêu nước khác.

Đường lối của cuộc chiến tranh nhân dân đó đã được chứng tỏ sự phát triển về quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng ta, đó là: bạo lực cách mạng phải là bạo lực của quần chúng nhân dân đông đảo. Bạo lực cách mạng không chỉ có hình thức duy nhất là đấu tranh vũ trang mà nó nhất thiết cần phải có lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị. Không có lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị thì đấu tranh vũ trang không thể giành thắng lợi. Bạo lực cách mạng phải dựa vào cả hai lực lượng chính trị và quân sự; nó phải bao gồm cả hình thức đấu tranh chính trị và hình thức đấu tranh vũ trang và sự kết hợp giữa hai hình thức đấu tranh đó.

Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng đã khẳng định rõ: lực lượng để tiến hành chiến tranh cách mạng phải là lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng khẳng định: “Không có nhân dân cách mạng, không có bạo lực chính trị hùng hậu của nhân dân mà đội quân chủ lực là công nông do Đảng tổ chức và lãnh đạo thì không thể có lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh” [41, tr. 120]. Các đơn vị dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Pháp đều từ lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng, từ nhân dân cách mạng được giác ngộ, có tổ chức mà ra. Chính dựa trên lực lượng chính trị rộng rãi và vững mạnh đó mà lực lượng vũ trang nhân dân ta đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh và có bản chất cách mạng tốt đẹp, có tính chất quần chúng rộng rãi. Chính lực lượng chính trị quần chúng đó là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng vũ trang nhân dân tác chiến. Khi quân đội nhân dân còn non yếu cũng như lúc đã trưởng thành, lực lượng chính trị quần chúng đã giữ một vai trò hết sức trọng yếu. Hàng ngũ của lực lượng chính trị quần chúng ngày càng được củng cố và mở rộng, bao gồm hàng triệu người có tổ chức trong các đoàn thể của Mặt trận. Nhờ lực lượng lớn mạnh này mà chúng ta đã đẩy được mọi mặt cuộc đấu tranh ở vùng sau lưng địch, ở thành thị cũng như ở nông thôn, khiến quân địch mặc dầu phải giam chân một phần lớn binh lực để đối phó nhưng vẫn không bình định được những vùng tạm chiếm. Còn ở các vùng tự do, lực lượng chính trị quần chúng không những đã phát huy tác dụng hết sức tích cực trong việc xây dựng và củng cố hậu phương mà còn đảm nhiệm nhiều công tác phục vụ và bảo đảm chiến đấu ở ngay tiền tuyến, để thực hiện chi viện cho lực lượng vũ trang nhân dân đánh giặc.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng nhân dân đông đảo. Cho nên, việc tập hợp và động viên lực lượng quần chúng, việc hình thành và phát triển đội ngũ chính trị của cách mạng là một điều cơ bản có ý nghĩa quyết định. Do đó, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng chỉ ra rằng phải luôn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức và bồi dưỡng lực lượng nhân dân, để đồng thời phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, động viên ngày càng sâu rộng toàn dân tham gia chiến tranh. Lực lượng chính trị quần chúng trong kháng chiến chống thực dân Pháp bao gồm các giai cấp cách mạng, các tầng lớp nhân dân yêu nước, các thành phần dân tộc sống trên đất nước ta được tập hợp lại trong tổ chức hoặc dưới khẩu hiệu hành động của Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy liên minh công nông và trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với đội quân chính trị hùng hậu này, cuộc kháng chiến mới có thể thực hiện được vũ trang quần chúng cách mạng đi đôi với việc xây dựng quân đội nhân dân, tạo thành lực lượng quân sự lớn mạnh, khai thác được tiềm lực của nhân dân, của đất nước, xây dựng được lực lượng kinh tế lớn mạnh, phát huy được lực lượng to lớn về tinh thần đấu tranh thắng lợi với địch trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Lực lượng chính trị quần chúng không chỉ là lực lượng tham gia xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến mà còn là lực lượng trực tiếp tiến công địch bằng nhiều hình thức phong phú như đấu tranh chính trị trực diện với địch, nổi dậy giành chính quyền làm chủ với nhiều mức độ khác nhau, tham gia chiến tranh du kích, vận động binh lính…

Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp còn chỉ ra rằng: chiến tranh cách mạng muốn giành được thắng lợi thì phải biết khéo léo sử dụng đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị phù hợp với tùng nơi, từng lúc. Lực lượng chính trị quần chúng cùng

với lực lượng vũ trang nhân dân phải thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tác chiến, bằng những hình thức đấu tranh phong phú và linh hoạt.

Trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, thực hiện vũ trang quần chúng cách mạng đi đôi với xây dựng quân đội nhân dân, kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh của lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân chính là vấn đề phương pháp cách mạng, một trong những vấn đề cơ bản của cách mạng nước ta trong kháng chiến và đó là một đặc điểm sáng tạo nổi bật của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, là sự vận dụng, phát triển lý luận về bạo lực cách mạng của Đảng ta.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn diện giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 112)