Đối tượng của kháng chiến toàn diện

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn diện giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 63)

Trong quá trình hình thành nên đường lối cứu nước nói chung, tư tưởng kháng chiến toàn diện nói riêng, Hồ Chí Minh luôn nêu bật và thể hiện rõ vấn đề nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể, xác định rõ ta phải đánh ai và phải đoàn kết với ai. Xác định đúng và phân biệt chính xác động cơ của kẻ thù là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tùy theo sự xác định và phân biệt đó, Người đã đề ra các chủ trương, chính sách một cách cụ thể và chuẩn xác như: tập trung lực lượng đánh đổ thực dân hay là phong kiến; đánh các lực lượng phản động, hiếu chiến thực dân Pháp nhưng vẫn đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp…

Hồ Chí Minh xác định những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thực sự cho dân tộc; xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Các nhiệm vụ đó quan hệ khăng khít với nhau. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính trước mắt là phải đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Do đó, ngay từ đầu kháng chiến, đường lối của Đảng đã xác định đối tượng chính của kháng chiến là bọn phản động thực dân Pháp xâm lược.

Kẻ thù cụ thể trước mắt lúc này là bọn phản động hiếu chiến ở Pháp, nghĩa là bộ phận đế quốc phát xít Pháp còn sót lại. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn xác định kháng chiến có không ít kẻ thù, những thách thức nghiêm trọng

khác. Chúng ta biết rằng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập phải đối phó với không chỉ một thế lực đế quốc xâm lược là thực dân Pháp, mà còn phải đối phó với quân đội của đế quốc Anh, quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa và cả đám tàn quân của quân đội phát xít Nhật. Các thế lực ấy âm mưu vào hùa với thực dân Pháp, câu kết với nhau hòng chống phá chính quyền cách mạng nước ta. Bọn phản động người Việt (Việt quốc, Việt cách) cũng bám đuôi phản động ngoại bang để ngóc đầu dậy chống phá cách mạng, phản lại dân tộc. Tất cả bọn chúng đều là kẻ thù của nhân dân ta, của dân tộc ta, và là đối tượng của cách mạng nước ta.

Đồng thời, để hoàn thành mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc, Đảng còn đặt ra nhiệm vụ chính trị là thực hiện chế độ dân chủ cộng hòa và cải thiện đời sống cho nhân dân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc xác định đối tượng mà kháng chiến cần phải gạt bỏ còn là những gì đi ngược lại với nền dân chủ cộng hòa và sự tiến bộ của xã hội Việt Nam.

Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 10 và 11-9-1945) đã ghi nhận: với thắng lợi của cách mạng tháng Tám, “Chúng ta đã tiến một bước dài trên con đường lịch sử, đánh đổ đế quốc và chế độ phong kiến phải kiến thiết một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” [24, tr. 4]. Song, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đã hoàn toàn xóa bỏ được những tàn tích phong kiến. Sau Cách mạng tháng Tám, chế độ sở hữu phong kiến vẫn còn, giai cấp phong kiến thống trị vẫn còn, và nó vẫn là những trở lực ngăn cản bước tiến của cách mạng. Vì thế, lẽ đương nhiên, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kháng chiến không thể nào bỏ qua mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến và những tàn dư của nó. Giai cấp phong kiến, chế độ sở hữu phong kiến do vậy cũng được xem là đối tượng của cách mạng, của kháng chiến. Tuy nhiên, Đảng ta cũng đã chỉ ra rằng, trong lúc này, phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, thực hiện khẩu hiệu “Dân tộc trên

hết”, “Tổ quốc trên hết”. Do vậy, ta phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào bọn thực dân Pháp xâm lược và tay sai của chúng.

Tháng 2 năm 1951, trong những điều kiện, hoàn cảnh mới của cuộc kháng chiến, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu trình bày Luận cương cách mạng Việt Nam đã xác định một cách cụ thể và phân biệt rõ hơn từng đối tượng của cách mạng, đối tượng của cuộc kháng chiến.

Sau khi phân tích tính chất xã hội Việt Nam, Luận cương cách mạng Việt Nam khẳng định xã hội Việt Nam là một xã hội phức tạp, chứa chất nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam đã bọn đế quốc xâm lược, mâu thuẫn giữa số đông nhân dân với địa chủ phong kiến, mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, trong đó, mâu thuẫn giữa đế quốc xâm lược và dân tộc Việt Nam là chính. Nó đang diễn ra dưới hình thức quyết liệt là chiến tranh. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là “cần san phẳng tất cả những gì ngăn cản bước tiến của xã hội Việt Nam”. Và theo đó, Luận cương xác định: Chế độ thuộc địa trong vùng bị tạm chiếm của bọn đế quốc là thế lực đã ngăn cản sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nó đã kìm kẹp không cho nền kinh tế Việt Nam phát triển đến mức độ cần thiết, duy trì những di tích phong kiến, nửa phong kiến để áp bức, bóc lột nhân dân Việt Nam nặng nề thêm, âm mưu thủ tiêu chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam, kéo xã hội Việt Nam trở lại chế độ thuộc địa. Đó là trở lực chính. Ngoài ra, những di tích phong kiến và nửa phong kiến cũng làm cho xã hội Việt Nam đình trệ. Do vậy, đối tượng của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phong kiến.

Kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, vì đó là lực lượng chính đang đẩy xã hội Việt Nam lùi lại. Kẻ thù cụ thể trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đế quốc Pháp, vì chúng đang trực tiếp xâm lược Việt Nam hòng đặt lại ách xưa. Kẻ thù nguy hiểm của cách

mạng Việt Nam lúc này là đế quốc Mỹ, vì đế quốc Mỹ thúc đẩy và giúp đỡ thực dân Pháp đánh Việt Nam, lại đang ra sức lừa phỉnh cám dỗ nhân dân Việt Nam, chuẩn bị nhảy thẳng vào Việt Nam.

Kẻ thù phụ của cách mạng Việt Nam nói chung là thế lực phong kiến, lúc này là phong kiến phản động và cụ thể là các hạng bù nhìn làm chó săn cho đế quốc. [28, tr. 74-75]

Sau đó, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam xác định rõ hơn:

Hiện nay cách mạng Việt Nam phải giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam và những thế lực phản động, khiến cho chế độ ấy phát triển mạnh mẽ và thuận chiều tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thế lực phản động chính đang ngăn cản cự phát triển của xã hội Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Những di tích phong kiến cũng làm cho cách mạng Việt Nam ngừng trệ. Do đó cách mạng Việt Nam có hai đối tượng. Đối tượng chính hiện nay là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể lúc này là đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Đối tượng phụ hiện nay là bọn phong kiến, cụ thể lúc này phong kiến phản động [28, tr. 433].

Trong mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến, Đảng ta đều chỉ ra từng loại kẻ thù, từng loại đối tượng cụ thể của cuộc kháng chiến, Đảng chủ trương phải có những đối sách cụ thể, thích hợp với từng đối tượng: đối với những tàn tích phong kiến, giai cấp địa chủ phong kiến; đối với nước Pháp và nhân dân Pháp; đối với bọn phản động thực dân Pháp xâm lược, binh lính Pháp, những tay sai người Việt đứng trong hàng ngũ phản động Pháp; đối với các thế lực thù địch khác ở bên ngoài… Đảng luôn nhấn mạnh phương châm không thể xem xét và đối xử như nhau đối với tất cả các đối tượng ấy, phải xác định đâu là kẻ thù chính, trước mắt và cần phải quyết đấu đến cùng, và đâu là những đối tượng hiện tại có thể phân hóa, lôi kéo nhằm có lợi cho cách mạng. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25-11-1945) khẳng định: “Trong công

tác tuyên truyền, đặt riêng bọn thực dân Pháp vào một bên mà đánh (đừng bỏ cả Pháp, Anh, Ấn, Nhật vào một bị và đừng coi họ là kẻ thù ngang nhau, đừng công kích nước Pháp và dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp)” [24, tr. 27].

Xác định tập trung ngọn lửa đấu tranh vào kẻ thù chính của dân tộc là thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã khẳng định đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Tuy nhiên, để đặt được mục tiêu cuối cùng là đánh đuổi bọn chúng ra khỏi bờ cõi đất nước, Đảng đã có cách xử trí hết sức linh hoạt đối với từng đối tượng. Tất cả các phương sách của Đảng đều nhằm tới mục tiêu cuối cùng là giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc.

Trong giai đoạn 1945-1946, Đảng chủ trương: đối với Tàu và bọn phản động Tàu thì ta phải khôn khéo đối phó để khỏi hại đến ngoại giao của Chính phủ ta với Chính phủ Tàu, dùng mọi cách mua chuộc chúng và tước vây cánh của chúng ở Việt Nam; và đối với Pháp, ta phải đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ, nhân dân lao động Pháp và Đảng Cộng sản Pháp, bởi vì “cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi độc lập, dân chủ, hòa bình cho nước Pháp và đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng để giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách hào bình” [30, tr. 519]. “Nghị quyết của toàn kỳ đại biểu khoách đại” (Nghị quyết của Xứ ủy Trung Kỳ), từ ngày 21 đến 23-6-1946, đã khẳng định rõ chủ trương đoàn kết với Đảng Cộng sản Pháp. Còn đối với Pháp kiều ở Đông Dương, nhất là đối với quân đội Pháp, Đảng chủ trương phải “phân biệt bọn phản động (quan cai trị cũ, võ quan cao cấp, tư bản ngân hàng) với những phần tử dân chủ tiến bộ (phần nhiều trong lớp binh sĩ hạ cấp, tiểu chủ tiểu thương, …)” [24, tr. 88], để có sách lược cụ thể với từng thành phần.

Tháng 9-1946, mặc dù sau những nỗ lực rất lớn của Đảng, của Chính phủ ta, cuộc đàm phán Fôngtenbơlô vẫn bị thực dân Pháp phá hoại, nhưng

trong văn kiện giải thích Tại sao cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Fôngtenbơlô bị bỏ dở, Đảng vẫn tiếp tục nhân mạnh: “…càng cương quyết chống phản động thực dân Pháp bao nhiêu, càng phải gia tăng việc vận động liên minh với nhân dân Pháp, với những người Pháp thành thực dân chủ và tiến bộ bấy nhiêu. Chống khuynh hướng bài Pháp tầm thường, chống khuynh hướng vị chủng hẹp hòi, cô độc, chỉ lợi cho thực dân Pháp, để chia rẽ và áp bức các dân tộc”. [24, tr. 119]

Có thể khẳng định rằng, nhờ sớm xác định đúng đối tượng chiến lược của cuộc kháng chiến, Đảng đã loại dần từng kẻ địch ra khỏi cuộc chiến để cuối cùng quyết đấu với kẻ thù chính của dân tộc là thực dân Pháp xâm lược. Việc Đảng sớm xác định đúng đối tượng tác chiến chiến lược có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc hoạch định ra các vấn đề chiến lược tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn diện giai đoạn 1945 - 1954 (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)