Tháng 8 năm 1945, những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi đã làm cho thời cơ cách mạng ở nước ta chín muồi. Chớp lấy thời cơ đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi và giành được chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận định việc giành chính quyền càng dễ bao nhiêu thì việc giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu. Nhà nước non trẻ mới được thành lập đã ngay lập tức phải đối phó với những tình thế vô cùng khó khăn phức tạp. Ngoài giặc đói, giặc dốt và những hệ quả xã hội nặng nề mà chế độ thực dân, phong kiến để lại, chúng ta còn phải đối phó với các thế lực ngoại xâm, đặc biệt là thực dân Pháp và bọn phản động trong nước nhằm lật đổ chính quyền cách mạng, đặt ách áp bức bóc lột lên nhân dân ta: thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược nước ta ngày 23 tháng 9 năm 1945; thỏa thuận với Tưởng cho chúng đem quân ra miền Bắc dưới danh nghĩa là quân Đồng minh giải giáp quân Nhật nhưng thực chất là phục vụ âm mưu xâm lược toàn bộ nước ta; ngay cả sau khi đã ký kết Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 và Tạm
ước 14 tháng 9, thực dân Pháp vẫn tiếp tục đẩy nhanh công tác chuẩn bị chiến tranh xâm lược…
Trước thực tế lịch sử trên, chỉ hơn hai tháng sau ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược Nam Bộ, tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành tác phẩm “Toàn dân kháng chiến”. Tác phẩm nêu rõ trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lược, đứng trước nguy cơ diệt vong thì “quốc gia dân tộc phải đứng lên trên hết mọi sự”. Người cũng nêu rõ, “nếu quyền lợi của dân tộc không còn, quyền lợi và sự nghiệp gì của cá nhân liệu có giữ an toàn được không?”, hay “trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng đến cả tính mạng cũng không tiếc” [57, tr. 85]. Vì thế, nhiệm vụ cứu nước của nhân dân ta nói chung, giai cấp vô sản nước ta nói riêng chưa xong, vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Khẩu hiệu đưa ra lúc này vẫn là “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”. Cách mạng nước ta vẫn có mục tiêu là độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu ấy có nghĩa là phải giành được độc lập thực sự về chính trị, thực hiện chế độ dân chủ cộng hòa; thực hiện các chính sách dân chủ nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Đây là những tuyên bố đầu tiên có tính chất chỉ đạo về đường lối cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tư tưởng chỉ đạo mang tính đường lối đó đã được khẳng định và làm rõ hơn trong rất nhiều tác phẩm sau này của Hồ Chí Minh, cũng như được quán triệt và vận dụng trong toàn bộ quá trình tiến hành cuộc kháng chiến sau này của nhân dân ta.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã kiên trì đấu tranh chính trị và ngoại giao nhằm cứu vãn tình hình, giữ vững chính quyền nhân dân, đưa đất nước thoát khỏi vòng vây của chủ nghĩa đế quốc; đồng thời trì hoãn chiến tranh,
giành thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Bằng sách lược mềm dẻo, Hồ Chí Minh đã phân hóa hàng ngũ kẻ thù, lần lượt loại bỏ bớt sự can thiệp của chúng đồng thời tạo ra một khoảng thời gian gần 16 tháng hòa bình để nhân dân ta có điều kiện kiến quốc, chuẩn bị cho kháng chiến. Trong thời gian đó, mặc dù ta đã có nhiều lần nhân nhượng với bọn thực dân Pháp nhưng với bản chất thực dân hiếu chiến, quân Pháp vẫn tiếp tục có những hành động nhằm chuẩn bị cho quá trình xâm lược nước ta. Chúng tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động gây hấn, xâm lược trên lãnh thổ nước ta. Cuối năm 1946, bọn thực dân phản động Pháp đã đẩy tình hình căng thẳng đến cực độ. Lúc này, khi không thể nhịn thêm được nữa, Đảng ta quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên toàn quốc.
Đêm 19-12-1946, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi trên cả nước, đã hiệu triệu toàn dân tộc đứng dậy đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược:
“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” [57, tr. 480].
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước đối với mọi người Việt Nam yêu nước; đồng thời là tiếng nói của chính nghĩa, của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhất quyết không chịu trở lại đời nô lệ, đó là tiếng nói đòi hòa bình và tiến bộ - những giá trị cao đẹp mà nhân loại đang hướng tới.
Như vậy, ngay từ đầu cuộc kháng chiến, với việc đặt ra mục tiêu cách mạng là giành lấy thống nhất và độc lập cho dân tộc, thực hiện chế độ dân chủ cộng hòa và cải thiện đời sống cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng
toàn dân về một cuộc đấu tranh để giữ gìn nền độc lập vừa mới giành lại được trong cuộc Cách mạng tháng Tám, bảo vệ nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời.
Trong “Thư gửi đồng bào Nam Bộ”, ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.
Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng. [57, tr. 27]
Chính bởi ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến và trong suốt quá trình gấp rút chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng toàn dân tộc vào mục tiêu thiêng liêng “giữ lấy nền độc lập tự do” mà Cách mạng tháng Tám vừa mới giành được; vì thế, cũng ngay từ những ngày nổ tiếng súng chiến đấu đầu tiên, cho dù địch có hơn hẳn ta về vũ khí, trang bị nhưng cuộc chiến đấu của ta đã tạo được sức mạnh từ thế trận chiến tranh nhân dân, cả ở Sài Gòn - Nam Bộ tháng 9-1945 và ở Hà Nội mùa đông 1946. Nhờ đó, ta đã thực hiện thắng lợi chủ trương vừa kìm giữ chân địch để tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào kháng chiến, vùa đánh bại bước đầu kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của kẻ thù xâm lược.
Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một loạt các bức thư, lời kêu gọi… nhằm nêu bật những mục tiêu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện mà chúng ta đang tiến hành như “Thư gửi chính phủ và nhân dân Pháp” tháng 2 năm 1947; “Lời kêu gọi nhân kỷ niệm 6 tháng kháng chiến” tháng 6 năm 1947... nhằm khẳng định mục tiêu cao nhất của cuộc kháng chiến này là “chỉ chiến đấu cho quyền độc lập và thống nhất của Tổ quốc”. [58, tr. 150]
Như vậy, có thế thấy rõ mục đích chính trị của cuộc kháng chiến là tiêu diệt lực lượng địch trên đất nước ta, đè bẹp ý chí xâm lược địch, lấy lại toàn bộ đất nước để củng cố nền độc lập và thống nhất thật sự của dân tộc, xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức bóc lột của lực lượng thực dân, đế quốc đối với nhân dân ta.
Khi bàn về tính chất của cuộc kháng chiến của ta, các tác phẩm của Hồ Chí Minh cũng đồng thời cho thấy rõ hơn mục tiêu của cách mạng Việt Nam và cũng là mục đích chính trị của kháng chiến: Dân tộc ta đánh Pháp để giành tự do, độc lập, để tự vệ, để giải phóng, nên cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, của dân tộc, là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ.
Mặt khác, cuộc Cách mạng tháng Tám tuy đã giành chính quyền cho nhân dân Việt Nam nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp lại tiến hành xâm lược nước ta. Cho nên, cuộc kháng chiến này sẽ có nhiệm vụ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Cuộc Cách mạng tháng Tám tuy đã lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa nhưng chế độ ấy chưa được hoàn chỉnh. Cuộc kháng chiến này sẽ mở rộng và củng cố chế độ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam và phát triển nó trên nền tảng dân chủ mới.
Cho nên, Hồ Chí Minh đã khẳng định, cuộc kháng chiến này chính là sự kế tục sự nghiệp của Cách mạng tháng Tám. Đây là một cuộc chiến tranh cách mạng có tính chất dân tộc độc lập và dân chủ tự do, một cuộc kháng chiến không những có tính chất dân tộc giải phóng mà còn có tính chất dân chủ mới.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân được tiến hành bằng hình thức chiến tranh cách mạng, nhằm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn thực dân Pháp và tay sai, giành độc lập, thống nhất; đồng thời, nó còn hướng tới mục tiêu dân chủ, tự do, thực hiện những biện pháp nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa, góp phần vì hòa bình và dân chủ trên thế giới. Mục tiêu đó cũng chính là mục đích chính trị của cuộc kháng chiến, của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mục tiêu đó đã nói lên nguyện vọng sâu xa và bức thiết của cả dân tộc và đồng thời cũng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người trong thời đại mới - thời đại nhân loại cần lao và tiến bộ trên thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, tự do, hạnh phúc. Vì thế, nó là yếu tố quyết định tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Tính chất chính nghĩa đó trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh chung.
Ngay trong đêm 19-12-1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện “Chỉ thị Toàn dân kháng
chiến” của Trung ương Đảng, cuộc chiến đấu của nhân dân ta nổ ra ở Thủ đô
Hà Nội và các thành phố, thị trấn, xã trên khắp miền Bắc. Hà Nội là nơi nổ tiếng súng mở màn cho ngày toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã giam chân địch trong 2 tháng, góp phần làm tiêu hao và tiêu diệt được một số sinh
lực địch, bảo toàn và phát triển được lực lượng ngay trong chiến đấu, tạo điều kiện để tiếp tục chuyển toàn bộ đất nước sang chiến tranh lâu dài. Quá trình vây hãm địch và kìm chân địch trong các đô thị lớn là thắng lợi mở màn, thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc. Từ đây, nhân dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến lâu dài và từng bước gặt hái thêm nhiều thắng lợi mới.
Những thắng lợi của ta cũng là những thất bại của địch. Thực dân Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến tranh mà chúng gây ra, và chúng đã cầu cứu đến viện trợ của Mỹ. Nhân cơ hội đó, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp ngày càng nhiều hơn và đồng thời cũng can thiệp ngày càng sâu hơn vào chiến tranh Đông Dương. Hai thế lực đế quốc Mỹ và Pháp câu kết với nhau tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh, thực hiện các thủ đoạn mới về chính trị và quân sự, khiến cho cuộc chiến đấu giữa ta và địch trở nên ác liệt hơn.
Trước những diễn biến mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, từ ngày 11 đến ngày 19- 2-1951. Đại hội đã thảo luận và thông qua các quyết định quan trọng: Thành lập ở ba nước Đông Dương mỗi nước một chính đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ở Việt Nam, đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam và ra hoạt động công khai; định ra đường lối cách mạng Việt Nam; thông qua Chính cương, Điều lệ Đảng, Tuyên ngôn của Đảng; bầu Ban chấp hành Trung ương do Hồ Chí Minh là Chủ tịch và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.
Nhiều văn kiện quan trọng về các vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được Đại hội thảo luận và thông qua. Trong đó, “Báo cáo chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra khẩu hiệu chính của kháng chiến là: “ra sức phát triển của lực lượng quân đội và của nhân dân để đánh thắng nữa,
đánh thắng mãi, để tiến tới tổng phản công” [59, tr. 171] rồi từ đó “đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Xây dựng nước Việt Nam dân chủ mới”[59, tr. 176].
Như vậy, thông qua nhiều hình thức trình bày khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao mục tiêu đánh thắng thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, thống nhất và dân chủ, giải quyết các mẫu thuẫn cơ bản trong lòng xã hội thuộc địa nửa phong kiến như nước ta. Điều đó có nghĩa là Người đã dựa trên cơ sở đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng dân tộc dân chủ để lãnh đạo và chỉ đạo cuộc kháng chiến. Thực hiện những mục tiêu đó chính là điều kiện tiên quyết để cách mạng Việt Nam có thể đi tiếp trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chính là một phần, một bước đi quan trọng đầu tiên nhằm thực hiện triệt để mục tiêu cách mạng.
Tóm lại, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) theo tư tưởng kháng chiến toàn diện của Hồ Chí Minh là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc. Cuộc chiến tranh đó thực hiện các mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, và vì thế, nhân dân sẽ là lực lượng của nó. Đó chính là chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới, chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nó tiêu biểu cho tính nhân dân, tính chính nghĩa, thực sự vì nước, vì dân và do dân với đầy đủ ý nghĩa của nó.