Đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu nhất của chiến tranh. Bởi vì kẻ thù khi tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta luôn sử dụng và coi lực lượng quân đội nhà nghề là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, muốn đánh bại chúng, dù muốn hay không thì cuối cùng bao giờ chúng ta cũng phải thắng địch bằng quân sự, phải đập tan những đội quân nhà nghề là công cụ chủ yếu của kẻ xâm lược. Trong bối cảnh của một quốc gia vừa giành được độc lập sau gần một thế kỷ là thuộc địa, lại phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn thử thách nên nước ta hầu như không có điều kiện để xây dựng một quân đội quốc gia hoàn chỉnh. Nhận thức rõ điều này, trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển tư tưởng, đường lối đấu tranh quân sự rất độc đáo, phù hợp với thực tiễn của cuộc kháng chiến toàn diện mà chúng ta đang tiến hành. Những nội dung cốt lõi của tư tưởng ấy là sau:
Xây dựng lực lượng vũ trang lấy nhân dân làm gốc: Xuất phát từ thực tiễn lịch sử của một dân tộc thuộc địa mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã thấy rõ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải là một cuộc chiến giữa những đội quân chính quy, tiến hành theo quy ước truyền thống mà là cuộc chiến của toàn thể dân tộc Việt Nam chống lại thực dân Pháp xâm lược. Do đó, muốn tiến hành kháng chiến, trước hết phải xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân, lấy dân làm gốc. Tư tưởng này là sự kế thừa và phát huy truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, “trăm họ ai cũng là binh” của dân tộc ta; là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân” của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế nước ta. Hồ Chí Minh chính là người hiểu rõ nhất sức mạnh vô địch của nhân dân, bởi “có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, làm việc gì cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to
lớn, nghĩ mãi không ra” [58, tr. 295]. Vì thế, trong quá trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng “trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, lực lượng chính là ở dân” [58, tr. 409], hay “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội” [58, tr. 393] và “cái gì cũng phải nhờ dân, không có dân thì không có bộ đội” [59, tr. 320]… Tư tưởng coi
dân là gốc, lấy dân làm gốc chính là cơ sở xây dựng nên hình ảnh “anh bộ đội
cụ Hồ” với đặc trưng cơ bản “quân đội ta là quân đội nhân dân, do nhân dân đẻ ra, vì nhân dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hi sinh kham khổ” [58, tr. 722]. Tư tưởng đó cũng là nguồn gốc của tư tưởng kháng chiến toàn diện của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quân sự.
Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân: Trên cơ sở lấy dân làm gốc, Hồ Chí Minh đã tổ chức đề ra phương châm phải vừa đánh vừa xây dựng và phát triển quân đội gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, trong đó nòng cốt là xây dựng một lực lượng bộ đội chủ lực mạnh để quyết định thắng lợi chiến trường. Đây là hình thức tổ chức thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của cả dân tộc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta, phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Về quân đội chủ lực cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một quân đội nhân dân, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy hiện đại. Quân đội đó mang lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện chiến thuật và kỹ thuật, luôn luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Bộ đội địa phương và dân quân, du kích là “lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc” [58, tr. 132]. Đây không những là lực lượng đông đảo nhất, mà còn là nguồn bổ sung chủ yếu cho bộ đội chủ lực, mà còn đóng vai trò trực tiếp chiến đấu chống lại các
cuộc càn quét của địch, bảo vệ quê hương xóm làng. Ngoài ra, lực lượng này còn có những đóng góp quan trọng trong việc tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phá hoại giao thông và các cơ sở hậu cần của địch…
Với cách thức tổ chức lực lượng đúng đắn, sáng tạo trên, chúng ta đã huy động được hầu như toàn bộ các đối tượng, các bộ phận tham gia kháng chiến. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ khi bắt đầu tiến hành toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang của ta đã có những bước trưởng thành đáng kể “ngày nay, quân đội có hàng chục vạn người, cộng với bộ đội địa phương và dân quân du kích thì lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của nhân dân ta có hàng triệu người”. [58, tr.722]
Trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, khi lực lượng vũ trang đã trưởng thành về số lượng, Hồ Chí Minh còn quan tâm xây dựng quân đội theo hướng hiện đại: không chỉ xây dựng lục quân mà Người còn chú ý phát triển thêm nhiều quân binh chủng khác như bộ đội phòng không, bộ đội xe tăng thiết giáp, bộ đội hoá học… được tổ chức với hình thức, quy mô, số lượng hợp lý và chất lượng ngày càng nâng cao, tạo ra “những quả đấm thép”, đánh bại kẻ thù.
Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm hết sức quan trọng, đó là “người trước, súng sau”. Trong chiến tranh, người và vũ khí đều cần thiết và không thể thiếu trong việc xây dựng lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nhân tố mang tính quyết định vẫn là con người cầm vũ khí. Vì vậy Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, có tri thức quân sự, có trình độ văn hóa, có sức khoẻ, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ của một đội quân chiến đấu, sản xuất và công tác vì nhân dân mà phục vụ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một đội quân có “tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng” [59, tr. 320]. Trong khi nêu cao vai
trò của con người, Hồ Chí Minh không coi nhẹ vai trò của vũ khí, kĩ thuật. Người đã sớm xây dựng đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiên cứu các loại vũ khí để đánh địch, tranh thủ viện trợ quốc tế để trang bị cho bộ đội ngày càng tốt hơn, quan tâm xây dựng các binh - quân chủng hiện đại như pháo binh, công binh, thông tin, phòng không, không quân, hải quân. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đến đời sống vật chất của bộ đội với tinh thần “thực túc thì binh cường”. Người đòi hỏi ngành hậu cần “phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ” [59, tr. 514]. Người coi bảo đảm hậu cần vật chất kỹ thuật cho bộ đội, cho tiền tuyến là hết sức quan trọng, trong kháng chiến chống Pháp, cũng như mở con đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển để chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ là biểu hiện nổi bật của tư tưởng ấy
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, vì “Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn” [56, tr. 519]. Người căn dặn các cán bộ phải “học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu…”[59, tr. 319]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:
Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.
Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.
Tín là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng là phải thưởng. Tín cũng có nghĩa là tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải tự mãn cao.
Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.
Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.
Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.
Trung là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng. [58, tr. 479]
Ngoài ra, Người và Trung ương Đảng đã quyết định lập Quân ủy Trung ương (có thời gian gọi là Tổng quân ủy), Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng chỉ huy (sau này gọi là Bộ Tổng tư lệnh) để xây dựng, lãnh đạo và chỉ huy quân đội. Người đã lập Bộ Tổng tham mưu với nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo, tổ chức chỉ huy thông suốt. Về công tác chính trị, lúc đầu lập Cục chính trị, về sau là Tổng cục chính trị để tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Về công tác hậu cần, lúc đầu lập các cơ quan quân nhu, tài vụ, tiếp đó đổi thành Tổng cục cung cấp, về sau là Tổng cục hậu cần để chăm lo công tác bảo đảm đời sống vật chất và trang bị vũ khí, khí tài kỹ thuật cho quân đội.
Nghệ thuật đánh địch ở khắp mọi nơi là một trong những nét độc đáo nhất của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng này, Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh và đề cao vai trò của những hoạt động quân sự trực tiếp trên tiền tuyến mà còn rất quan tâm đến việc đánh địch ngay ở chính sau lưng địch. Vì thế, chúng ta phải đánh địch ở khắp mọi nơi, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị. Những hình thức tác chiến linh hoạt
này cho phép bộ đội của ta tránh được những điểm mạnh của địch, tập trung khai thác những hạn chế, yếu kém của kẻ thù nhằm tiêu hao, tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.
Trong quá trình tiến hành đấu tranh quân sự, phải luôn duy trì tư tưởng tấn công. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nếu không tiến thì tức là thoái, và nếu thoái thì những thắng lợi đã đạt được sẽ không thể củng cố và phát triển. Vì thế, kháng chiến của ta phải “kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Tư tưởng tiến công còn giúp lực lượng của ta trưởng thành hơn về kỹ thuật, chiến thuật trong thực tiễn chiến đấu; góp phần tiến công tiêu diệt địch, tiêu hao sinh lực và cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh của địch, từng bước làm thất bại ý chí xâm lược và các âm mưu xâm lược của địch. Trong tư tưởng tiến công, không chỉ bao hàm ý nghĩa tiến công quân sự mà là một chiến lược tấn công tổng hợp trên tất cả các mặt, giúp cho chúng ta giữ vững được quyền chủ động trên chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Giữ nguyên chủ động là khôn khéo sử khiến quân thù, muốn đánh nó ở chỗ nào thì đưa nó đến đó mà đánh, muốn đưa nó vào bẫy của mình có thể đưa được. Nếu nó mạnh quá đánh không có lợi thì mình lùi, mình tự ý lùi cũng là giữ quyền chủ động, giữ được quyền chủ động thì thế nào cũng thắng, không thắng to thì thắng nhỏ” [56, tr. 473]. Tư tưởng này được duy trì cho đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, khi thời cơ đến, cần phát huy cao độ tư tưởng tiến công, huy động lực lượng quân sự đủ mạnh để tiến hành trận quyết chiến lược ở Điện Biên Phủ để đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc chiến tranh, giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Tóm lại, dưới ánh sáng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng, quân đội ta đã được xây dựng và trưởng thành từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh, từ du kích lên chính quy hiện đại,
cùng toàn dân đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giành và giữ vững nền độc lập của dân tộc ta.